Niềm vui của người thợ thông cống, sửa đường ống nước
Mệt nhoài sau trận đấu căng thẳng, ngồi nghỉ bên đường piste, anh Trần Minh Quý (40 tuổi, đội Công đoàn thoát nước Quảng Nam) tâm sự đây là lần đầu đi du đấu, vì công việc phải trực cả ngày lễ, Tết.
“Tôi làm việc 24/24h, cứ có bà con gọi thì tôi được điều động đi làm, cực nhất là thời gian không thoải mái, không biết trước sự cố xì ống nước, màu nước lạ…”, anh Quý bộc bạch.
Theo anh công nhân, đặc thù công việc là gần gũi với người dân nên nhiều lúc đang ăn cơm cũng phải đi làm. Không đếm xuể bao lần anh và các đồng nghiệp phải chứng kiến sự bức xúc của người dân khi đường ống nước bị bục, đồng hồ nước tăng đột biến. Gắn bó với nghề nhiều năm, không ít lần anh phải “vò đầu bứt tai” vì không tìm được nơi rò nước, tắc ống.
“Hồi mới vô làm cũng mệt mỏi, chán nản lắm, nhưng được anh em động viên hay nhìn bà con vui mừng, mời cơm khi thông đường nước, tôi yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm hơn”, anh Quý cho hay.
Anh tiết lộ chính nhờ đam mê đá bóng, anh được người quen giới thiệu vào công ty. Khi ấy còn trẻ, cứ có việc làm, thu nhập tốt là đi làm, đến nay lương anh được 8 triệu đồng/tháng, đủ nuôi gia đình.
“Tôi phải trực nhiều, nhất là ngày mưa, ngày bão nên ít đá bóng, cứ ra sân là đá hết mình. Vợ cũng không cho đi đâu, dọa chấn thương ông tự lo, nhưng đam mê không bỏ được”, anh Quý cười nói.
Từ hạt nhựa hóa thành điện thoại, ô tô
Anh Mai Văn Thanh (33 tuổi, đội Công đoàn Dầu khí) tự hào nói anh ngoài góp phần tạo ra nhiên liệu, chất đốt, dầu mỏ, còn tạo ra hạt nhựa ứng dụng trong cuộc sống. Các gói hạt nhựa 25kg sản xuất tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa nơi anh làm có mặt trong từng chiếc điện thoại, đồ gia dụng như tủ lạnh, máy lạnh, tivi đến ô tô dùng nhựa.
Theo anh Thanh, mỗi ngày công nhân nơi anh làm tạo ra hơn 1.000 tấn hạt nhựa. Có những đợt đơn hàng về, anh em phải tăng ca để kịp tiến độ. Gần 10 năm gắn bó với ngành, anh vẫn yêu quý công việc vì lương khá, chế độ phúc lợi tốt…
Cùng đội với anh Thanh, anh Dương Thế Phương – 32 tuổi, nhân viên quản lý chất lượng tại một nhà máy gia công cơ khí – nói rất vui khi tham gia Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024. Ba tháng qua, anh cùng nhiều anh em căng thẳng trong dự án lớn cả triệu đô la của đối tác.
“Hằng ngày, công việc của tôi xoay quanh nghiệm thu vật tư, chuẩn bị hồ sơ, bản vẽ, kiểm tra hàng gia công kết cấu, ống dẫn dầu, bồn chứa dầu chuyên dụng. Vật liệu nhiều loại, có loại chịu nhiệt 700-800 độ C, uốn nét tốt, chống chịu thời tiết. Đá bóng không khác đi làm là mấy, tuân thủ đấu pháp tức là tuân thủ chỉ đạo, tập trung từng pha bóng, không lơ là, sai sót thể hiện trách nhiệm, nhiệt huyết”, anh Phương quả quyết.
Nhìn đồng đội ghi bàn, anh Phương không giấu được sự phấn khích, cảm giác vui sướng giống lúc nhận hình ảnh khách hàng gửi lại máy móc, hệ thống thiết bị cao bằng mấy tầng nhà sáng loáng. Lúc ấy anh quên hết mệt mỏi, căng thẳng, lại động viên cố gắng làm việc, cống hiến cho công ty.
Kết thúc Giải bóng đá công nhân, viên chức 2024, anh Phương, anh Thanh sẽ lại trở về nhịp sống làm việc trong nhà máy. Nhưng điểm chung là cuối ngày, các anh lại xách giày ra sân để thể hiện niềm đam mê với trái bóng. Giải đấu vì thế là động lực, khích lệ những công nhân như các anh rất nhiều trong quá trình lao động sản xuất, rèn luyện sức khỏe.
Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO).
Vòng loại Nghệ An của Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 diễn ra trong 3 ngày từ 11 đến 13-10 tại TP Vinh. 4/11 đội tham dự giải đấu có kết quả tốt nhất sẽ giành vé dự vòng chung kết giải tại Hà Nội vào tháng 11 tới.