Giờ tôi cần làm gì để chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Với tài sản lên đến 1,2 tỉ đồng, tôi cần chuẩn bị bao nhiêu tiền cho vụ kiện này?
– Luật sư Trương Ngọc Liêu (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Trên thực tế và theo quy định của pháp luật, không phải chỉ có người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được quyền mua bán, chuyển nhượng, mà người được ủy quyền hợp pháp cũng được thực hiện quyền này.
Bên cạnh đó, việc đất “không có pháp lý để giao dịch” cũng bao gồm nhiều trường hợp, ví dụ đất đang tranh chấp, đất đã có quyết định thu hồi…
Hơn nữa, số tiền 1,2 tỉ đồng mà bạn đã chuyển là căn cứ vào thỏa thuận nào, theo hợp đồng đặt cọc hay hợp đồng chuyển nhượng, đã có công chứng hợp đồng hay chưa…
Tóm lại, thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chưa có cơ sở rõ ràng để xác định hành vi của người nhận số tiền 1,2 tỉ đồng của bạn có phải là hành vi lừa đảo/lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật hình sự hay chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm nghĩa vụ hoàn thành việc chuyển giao quyền sử dụng đất theo thỏa thuận giữa các bên.
Do đó, tôi giả định có hai trường hợp xảy ra.
Trường hợp 1, nếu hành vi của người nhận tiền có dấu hiệu của tội lừa đảo/lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), bạn cần làm đơn tố giác đến cơ quan công an có thẩm quyền.
Nếu qua quá trình giải quyết tin báo, công an nhận thấy có dấu hiệu tội phạm thì sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.
Sau đó, viện kiểm sát sẽ truy tố và tòa án sẽ xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự.
Trong vụ án đó, bạn sẽ được xác định là bị hại và bạn có quyền yêu cầu người có hành vi lừa đảo/lạm dụng trả lại số tiền 1,2 tỉ đồng đã chiếm đoạt của bạn.
Trường hợp 2, nếu hành vi của người nhận tiền không có dấu hiệu hình sự, mà chỉ đơn thuần là vi phạm nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất đúng thời hạn theo thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp này, bạn cần khởi kiện người nhận tiền bằng một vụ kiện dân sự tại tòa án có thẩm quyền.
Để có thể khởi kiện, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ khởi kiện gồm: Đơn khởi kiện và các tài liệu có liên quan để chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ, bao gồm các tài liệu như sao kê ngân hàng số tiền bạn đã chuyển, các hợp đồng, thỏa thuận giữa các bên, đặc biệt là các điều khoản về nghĩa vụ của bên bán, kèm theo là các tài liệu về nhân thân như chứng minh nhân dân/căn cước công dân/thẻ căn cước… của bạn và của người bị kiện.
Liên quan đến chi phí cho vụ kiện dân sự, tranh chấp của bạn được xác định là vụ án có giá ngạch (1,2 tỉ đồng).
Theo quy định tại nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 thì mức án phí đối với vụ án có giá ngạch 1,2 tỉ sẽ được tính là 36 triệu đồng + 3% x 400 triệu đồng (mức vượt 800 triệu đồng) = 48 triệu đồng.
Như vậy, bạn phải chuẩn bị khoản tiền ít nhất là 50% số tiền án phí trên để đóng tạm ứng án phí, đây là điều kiện cần để vụ kiện của bạn được tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
Bạn cũng có thể xem thêm nội dung nghị quyết 326 nêu trên liên quan đến các trường hợp được miễn, giảm tiền án phí, đối chiếu với trường hợp của mình xem có được miễn, giảm theo quy định hay không.
Ngoài ra, bạn còn cần chuẩn bị các chi phí khác có thể phát sinh như chi phí luật sư nếu bạn không có khả năng hoặc không có thời gian để tự mình theo đuổi vụ kiện, chi phí cho việc thi hành bản án nếu bên thua kiện không tự nguyện thi hành…
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected]