Câu hỏi được đặt ra tại hội thảo về tự chủ tài chính dành cho sinh viên “Thảnh thơi tài chính thế hệ Z: Từ sống sót đến sống đầy” ngày 13-10. Chương trình do Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM phối hợp Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức tại Trường đại học Kinh tế – Luật.
“Phác đồ” cải thiện sức khỏe tài chính
Theo các diễn giả, lý do chính khiến các bạn gen Z gặp khó trong quản lý tài chính vì không lên kế hoạch và thứ tự ưu tiên cho các chi tiêu.
Chúng ta có thể tham khảo quy tắc 50 – 30 – 20. Đó là 50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho mong muốn, 20% tiết kiệm. Quan trọng nhất khi lập ngân sách phải biết sắp xếp chi tiêu theo mức độ ưu tiên.
TS Ngô Ngọc Quang (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) – thành viên ban cố vấn Hiệp hội Tư vấn tài chính cá nhân Việt Nam – đưa ra “phác đồ” cải thiện sức khỏe tài chính.
Sống sót là giai đoạn đầu tiên cũng là quan trọng nhất khi bắt đầu quản lý tài chính cá nhân. Xây dựng ngân sách phù hợp, thiết lập tiêu dùng thông minh, tăng thu nhập, giảm chi tiêu là những điều cần làm ở bước này.
Giai đoạn 2 xây dựng nền tảng tài chính vững chắc gọi là sống được. Đó là tiết kiệm, tích lũy, lập quỹ dự phòng, xây dựng điểm tín dụng.
Với sống đủ ở giai đoạn 3, cần lập kế hoạch dài hạn và học cách đầu tư để gia tăng tài sản. Cuối cùng là sống đầy, giai đoạn cao nhất trong quản lý tài chính cá nhân vì đảm bảo được nhu cầu tài chính bản thân, tập trung tối ưu hóa tài sản và tạo ra sự thịnh vượng bền vững.
“Quản lý tài chính cá nhân không chỉ quan trọng mà còn là kỹ năng bắt buộc giúp sinh viên xác định tư duy chịu trách nhiệm và lập kế hoạch tài chính, giúp kiểm soát chi tiêu, là chìa khóa đạt được sự ổn định, thành công trong tương lai”, TS Quang phân tích.
Trở thành doanh nhân hoặc chuyên gia
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books) – cho rằng ba việc cần để có thể tự chủ tài chính gồm tăng doanh thu, kiểm soát tốt các chi phí, đầu tư hiệu quả.
Người trẻ cần nỗ lực làm việc chuyên nghiệp, vượt qua sự mong đợi nếu muốn thăng tiến và đạt mục tiêu tài chính
“Muốn đạt tự do tài chính phải có lộ trình làm giàu, làm chủ doanh nghiệp hoặc thành chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của mình. Muốn trở thành người giỏi trong chuyên môn cần có đam mê, có mentor giỏi và cả khổ luyện”, ông Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (Saigon Books)
“Quy tắc sống còn” đảm bảo tài chính cá nhân là dòng tiền luôn phải dư, kiếm thu nhập nhiều hơn chi tiêu của bản thân, đừng để nợ nần hoặc rơi vào bẫy tín dụng, thường nhắc nhở điểm yếu của bản thân để giữ kỷ luật chi tiêu.
Anh Đặng Viên Khang – giám đốc điều hành và sáng lập Mon Amie Group – nhận định sinh viên muốn khởi nghiệp thường gặp khó khăn.
Từ trải nghiệm bản thân, anh cho biết từng bắt đầu khởi nghiệp nhưng thiếu kiến thức về tài chính, chưa có kế hoạch rõ ràng cũng không biết cách quản lý dòng tiền hay kiểm soát chi tiêu.
Cạnh đó, chưa có khả năng huy động vốn, chưa phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn, đi vay nợ để khởi nghiệp.
“Tôi có thể nói đã phải nỗ lực gấp 4 lần người khác, chịu học hỏi nhiều nơi để có thể trả hết số nợ sau vài tháng và mở thêm nhiều chi nhánh”, anh Khang chia sẻ.
5 điều sinh viên cần làm để hướng đến tự chủ tài chính cá nhân
– Tập trung vượt qua giai đoạn sống sót và bắt đầu tích lũy.
– Hướng đến việc chịu trách nhiệm.
– Xây dựng cho mình các nguồn tài sản vô hình.
– Có kế hoạch tài chính cụ thể khi ra trường.
– Bắt đầu tìm hiểu về các loại hình tài sản.