Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan tiếp tục đặt vấn đề trên tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP.HCM, chiều 14-10.
Nói đến tình trạng thiếu thuốc tại một số bệnh viện ở TP.HCM, bà Lan nêu thực trạng: “Dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải tự mua thuốc bên ngoài, điều này không chỉ tạo thêm gánh nặng tài chính mà còn tiềm ẩn rủi ro về nguồn gốc và chất lượng thuốc”.
Từ đó bà Lan đề nghị Sở Y tế TP giải thích rõ ràng nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc và đề nghị sở này cần báo cáo, đề xuất lên cấp trên.
Nữ đại biểu đặt vấn đề: “Không chỉ TP.HCM, vấn đề thiếu thuốc là hiện trạng chung của nhiều bệnh viện trên cả nước. Trách nhiệm của bảo hiểm y tế và các cơ quan liên quan khi quyền lợi của bệnh nhân hưởng bảo hiểm không được đảm bảo. Cần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong kỳ họp Quốc hội sắp tới để giải quyết những bất cập đang tồn tại”.
Cũng trong phần phát biểu, bà Lan nói về việc thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bà đề nghị Sở Y tế TP cung cấp thông tin rõ ràng về tình hình thiếu hụt này, cùng với đó đánh giá nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát khi vắc xin phòng sởi không được cung cấp kịp thời.
“TP cần có các cơ chế chủ động trong việc mua thuốc và vắc xin thay vì phải chờ đợi các quyết định từ trung ương, nhất là trong bối cảnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang gia tăng”, bà Lan đề nghị.
Trao đổi sau đó, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết Bộ Y tế đã ban hành thông tư để hướng dẫn về quy định đấu thầu thuốc cho các cơ sở y tế thực hiện. Từ đó sở này đã chỉ đạo các cơ sở y tế công lập thực hiện hiệu quả kịp thời việc mua sắm thuốc, thiết bị y tế.
Theo ông Châu: “Hiện nay các cơ sở y tế không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu các thiết bị y tế do nguyên nhân chủ quan. Hầu như tất cả các loại thuốc điều trị cơ bản đều có và nếu như không có thuốc này thì thay thế bằng thuốc khác”.
Dù vậy ông Châu cho hay vẫn có việc thiếu một số thuốc cục bộ, đặc biệt nhất là thuốc hiếm. Thực hiện nghị quyết 98 (cơ chế, chính sách đặc thù), ngành y tế TP đang tham mưu cho UBND TP ban hành quy trình xét duyệt nhập khẩu các loại thuốc đặc biệt quý hiếm.
“Hiện nay các loại thuốc liên quan đến điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn còn đầy đủ trong dự trữ. May mắn năm 2024, tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn TP tương đối tạm ổn”, ông Châu thông tin thêm.
Chia sẻ thêm về việc thiếu thuốc, phó giám đốc Sở Y tế cho hay sau khi thông tư 07 ra đời, Sở Y tế đã khẩn trương giao Bệnh viện Hùng Vương đấu thầu các loại thuốc Tây dược và Bệnh viện Y học cổ truyền TP đấu thầu các thuốc Đông dược cho các tuyến y tế cơ sở.
Đây là đấu thầu gộp các mặt hàng thuốc, sau đó tuyến y tế cơ sở có thể sử dụng. Vào tháng 10-2023, TP.HCM đã có kết quả phê duyệt đấu thầu.
Hiện đã có hơn 300 loại thuốc thiết yếu cung cấp cho các trạm y tế. Các trung tâm y tế đang tiến hành ký hợp đồng để cung ứng thuốc cho các trạm y tế trong hai tuần (tuần này và tuần sau).
Sở Y tế đã báo cáo bộ, ngành trung ương về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.
“Thời gian tới, các trạm y tế đã có đầy đủ các loại thuốc cơ bản có thể điều trị cho người dân hưởng bảo hiểm y tế. Các thuốc điều trị bệnh không lây, phổ biến như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và một số bệnh lý khác đã có đủ thuốc. Các thuốc này hoạt chất tương tự như thuốc nhận từ các bệnh viện tại TP.HCM”, ông Châu cho hay.
Vì sao thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng?
Liên quan việc thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có nguồn cung ứng vắc xin DPT (bạch hầu, uốn ván, ho gà).
Theo báo cáo, bắt đầu từ cuối tháng 9, TP.HCM không còn vắc xin DPT. TP.HCM vẫn đang chờ thông tin cung ứng vắc xin từ Bộ Y tế.
Trong thời gian này, TP vận động người dân có con trong độ tuổi tiêm vắc xin, nếu có khả năng thì sử dụng các loại vắc xin dịch vụ.