Phì đại tuyến vú có thể xảy ra với bất kỳ ai, cả nam và nữ trong độ tuổi dậy thì cũng như thời kỳ sinh đẻ, trung niên. Bệnh thường ghi nhận tỉ lệ mắc cao ở phụ nữ.
Gù lưng vì gánh ngực khủng
GS.TS Trần Thiết Sơn, cố vấn cấp cao khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngực bình thường khi thể tích nằm trong khoảng 200 – 250ml.
Tuyến vú khổng lồ sa trễ, đặc biệt là vú sa trễ do u tuyến vú Phyllode trước đây được coi là bệnh hiếm gặp nhưng hiện tại khá phổ biến, mấy năm nay riêng ông Sơn đã phẫu thuật tạo hình cho gần 300 bệnh nhân phì đại tuyến vú và hơn 50 bệnh nhân phì đại vú do u tuyến vú Phyllode.
Bệnh không chỉ gặp ở phụ nữ mang thai, sau sinh nở mà còn gặp ở cả thiếu niên tuổi dậy thì.
Phì đại vú là tình trạng bất thường về thể tích và hình dáng của vú, kích thước tăng trên mức bình thường. Nguyên nhân gây ra bởi sự phát triển của tuyến vú do hormone kèm theo sự thâm nhập tổ chức mỡ.
Khi thể tích vú tăng trên 300ml thì được coi là vú phì đại. Phì đại vú được chia làm các mức độ như sau: Phì đại trung bình (350 – 500ml), phì đại lớn (500 – 1.000ml), phì đại rất lớn (1.000 – 1.500ml), phì đại khổng lồ (lớn hơn 1.500ml).
Với những người bị vú phì đại, tình trạng quá khổ về kích thước của bầu vú gây cho bệnh nhân những bệnh lý toàn thân như đau vai, đau cổ, đau lưng. Sự phì đại ở tuổi vị thành niên có thể dẫn tới gù hoặc biến dạng đốt sống cổ.
Với người bị lâu dài, tình trạng biến đổi mạch máu cổ dẫn tới thiểu năng tuần hoàn não, đau đầu, loét thành ngực do sự cọ xát của bầu vú. Những người mắc phì đại vú bị hạn chế các hoạt động thể dục thể thao, hoạt động xã hội do mặc cảm về thể hình.
Trẻ vị thành niên dễ bị chế nhạo, bắt nạt và cô lập với môi trường học đường. Các rối loạn về tâm lý và thể chất là diễn biến tất yếu của bệnh nhân.
Có không ít bệnh nhân đến viện muộn, tình trạng vú khổng lồ, sa trễ gây xẹp phổi, khó thở…kéo dài xuống đùi gây đau cổ vai gáy, gù lưng.
Trường hợp trẻ nhất đến gặp GS Sơn là bé gái 14 tuổi ở Quảng Ngãi bị mắc phì đại tuyến vú Phyllode. Trong vòng 1 năm khi dậy thì tuyến vú của em đã phì đại, chảy dài hơn 30cm, mỗi bên nặng hơn 5 – 5,6kg, trong khi toàn bộ cơ thể em chỉ nặng 44kg. Quả “núi đôi” khủng này đã kéo gập lưng em, khiến em bị gù.
Các bác sĩ đã phẫu thuật thu gọn, cắt bỏ 9,6kg vú thừa, để lại hai bầu vú nặng khoảng 0,8kg cho em.
Còn trường hợp vú to và dài nhất được tái tạo là một cô gái 30 tuổi ở Hải Dương. Sau sinh con 2 năm “cặp tuyết lê” của chị đã nặng hơn 10kg, dài 55cm, luôn kéo chị về phía trước khiến chị di chuyển khó, đau lưng, cổ vai gáy và khó thở.
Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cũng đã cắt bỏ 2 bầu vú chính và 3 vú phụ khổng lồ kéo dài đến tận bẹn cho chị Hà Thị Tuyên (sinh năm 1986) ở Phú Thọ. Theo đó, “cặp tuyết lê” đáng sợ của chị phát sinh từ giữa năm 2016, khi chị mang thai và sau sinh con thứ hai.
Khi có thai, ngực chị to rất nhanh và trong thời gian ngắn chảy sệ bất thường kèm theo đau. Do hoàn cảnh khó khăn chị không đi chữa và cố chịu đựng.
Gần đây, bộ ngực sa trễ đến quá bẹn khiến sinh hoạt khó khăn, chị mới đến bệnh viện kiểm tra phát hiện bệnh phì đại tuyến vú và được phẫu thuật cắt bỏ cả hai bầu vú chính và 3 vú phụ với trọng lượng 15kg.
Chữa trị sớm để bảo tồn và tránh ung thư
Theo GS Trần Thiết Sơn, hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào có thể xác định chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng “ngực khủng”.
Tuy nhiên, yếu tố di truyền, hormone, béo phì có thể là tác nhân chính của bệnh. Bên cạnh đó, sự phát triển quá mức của tuyến vú cũng có thể do uống thuốc lợi tiểu hoặc một số thuốc nội tiết như estrogen, adrogen, testosterone…
Bệnh cũng có thể do xơ gan, suy thận mạn, cường giáp, suy tuyến sinh dục nguyên phát… Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý khiến người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp xã hội mà còn gây loét ở lằn vú dưới, gù vẹo cột sống.
GS Sơn cảnh báo, phì đại tuyến vú đa phần lành tính, nhưng những trường hợp phì đại tuyến vú do u Phyllode có khoảng 3% sẽ biến chuyển ác tính. Đặc biệt nguy hiểm nếu điều trị muộn không chỉ làm ảnh hưởng tới tâm lý, sinh hoạt mà có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Ông Sơn giải thích ngực to, sa trễ chèn ép và làm biến dạng cột sống sẽ làm lồng ngực bị lép do xương sườn xẹp, chèn ép như tim, phổi gây suy hô hấp, dẫn đến suy tim, phù, khó thở. Do vậy cần điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Phẫu thuật thu gọn vú phì đại là một trong những loại phẫu thuật tạo hình khó. Hiện nay, có hơn 200 kỹ thuật khác nhau và hiệu quả cũng khác nhau. Tuy nhiên kỹ thuật thu gọn vú phì đại khổng lồ được áp dụng tại Việt Nam cho đến giờ là tiên tiến nhất vì nó bảo tồn được chức năng và thẩm mỹ của vú sau phẫu thuật.
Hơn nữa, khi phẫu thuật ở giai đoạn sớm tuyến vú và da bầu vú còn sức đàn hồi tốt, phẫu thuật thu gọn sẽ giúp bảo tồn được toàn bộ. Người bệnh vừa có bộ ngực đẹp vừa có thể sinh đẻ và nuôi con như bình thường. Tuy nhiên, 10 – 20% bệnh có nguy cơ tái phát nên người bệnh cần phải được theo dõi kỹ.
Phẫu thuật thu nhỏ ngực được chỉ định ở bất kỳ phụ nữ nào không có tiền sử chấn thương vú, chấn thương cổ hoặc lưng, các bệnh nền về tim mạch hoặc chuyển hóa. Tùy vào từng lứa tuổi, mục đích của phẫu thuật thu nhỏ ngực sẽ được chỉ định khác nhau về mặt chức năng hay thẩm mỹ.
Phẫu thuật thu nhỏ ngực nói chung là một phẫu thuật an toàn. Tỉ lệ biến chứng xảy ra trong khoảng 5-20% trường hợp tùy thuộc vào kỹ thuật thực hiện và xác định loại biến chứng.
Biến chứng gần: chảy máu, tụ dịch, nhiễm trùng vết mổ, chậm liền vết mổ, thiểu dưỡng hoặc hoại tử quầng núm vú hoặc vạt da, rối loạn cảm giác quầng núm vú.
Biến chứng xa: mất cân đối hai bầu vú, mất cân đối về hình thể của từng vú, sẹo giãn hay sẹo lồi, vú quá nhỏ hay quá lớn…
Phẫu thuật ngực hay bất kỳ phẫu thuật tạo hình nào, khi có nhu cầu, người dân, khách hàng cần tìm hiểu và lựa chọn cơ sở uy tín, chất lượng, đảm bảo hiệu quả với chi phí hợp lý, tầm soát được các biến chứng.
Quan trọng hơn, phải lựa chọn các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ nhất cũng có thể mang lại hậu quả lớn khó phục hồi.