Người bệnh ung thư phổi nên ăn và tránh thực phẩm nào?

Ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư trên toàn thế giới – Ảnh minh họa

TS Phạm Tuấn Anh, trưởng khoa điều trị A (Bệnh viện K), cho biết ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư trên toàn thế giới.

Theo Globocan năm 2022, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và 22.597 ca tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư phổi cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu do ung thư ở cả hai giới.

Có hai loại ung thư phổi chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 20%) và ung thư không tế bào nhỏ (chiếm khoảng 80%), trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh hơn.

Dấu hiệu ung thư phổi không nên bỏ qua

Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khoảng 20 lần so với người không hút thuốc lá. 

Một số người có yếu tố di truyền sẽ càng dễ bị ung thư phổi nếu hút thuốc. Như vậy, nếu chúng ta tránh hút thuốc lá, tỉ lệ mắc ung thư phổi sẽ giảm đi rất nhiều.

Các nguyên nhân khác bao gồm phơi nhiễm tia phóng xạ, hóa chất sinh ung thư trong môi trường ô nhiễm. Trong đó asbestos (tiếng Pháp là amiante) được đề cập nhiều nhất trong y văn.

Theo bác sĩ Tuấn Anh, thông thường ung thư phổi ở giai đoạn sớm không có triệu chứng. Khi ung thư ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như: Ho (có thể ho khan, ho đờm hay ho máu); 

Đau tức ngực, khó thở, khàn tiếng; sụt cân, đau mỏi cơ thể hoặc có thể phù mặt, cổ và ngực khi tĩnh mạch lớn trong lồng ngực bị chèn ép.

Nếu khối u ở vị trí đỉnh phổi, có thể có triệu chứng đau ở tay, vai và cổ. Ở giai đoạn muộn khi có di căn xương, gan, não… bệnh nhân có thể có triệu chứng đau nhức xương, đau cột sống (di căn xương), đau tức bụng (di căn gan), đau đầu, lẫn lộn, sụp mí mắt, nhìn mờ, yếu tay chân (di căn não).

Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân bệnh lý khác không phải ung thư phổi. Nhưng khi có các triệu chứng kể trên, bệnh nhân cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.

Người bệnh ung thư phổi nên ăn và tránh thực phẩm nào? - Ảnh 2.

Dinh dưỡng giúp cung cấp đủ năng lượng, tăng cường sức đề kháng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh – Ảnh minh họa

Người mắc ung thư phổi nên ăn gì?

Theo ThS Trần Thị Thắm, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), người bệnh ung thư khi điều trị sẽ gặp một số tác dụng phụ như: chán ăn, buồn nôn, nôn, thay đổi vị giác, viêm niêm mạc miệng… 

Suy dinh dưỡng gặp phổ biến ở bệnh nhân ung thư và là hậu quả của cả sự hiện diện của khối u và các phương pháp điều trị ung thư bằng nội khoa và phẫu thuật.

Suy dinh dưỡng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và độc tính của phương pháp điều trị. Dinh dưỡng hợp lý giúp người bệnh giảm tình trạng suy dinh dưỡng, hạn chế tác dụng phụ của thuốc và các phương pháp điều trị ung thư.

Dinh dưỡng giúp cung cấp đủ năng lượng, tăng cường sức đề kháng, miễn dịch, phòng ngừa và phục hồi tình trạng suy mòn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh nhân ung thư phổi nên tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega 3, EPA: Cá hồi, dầu oliu, các loại cá biển sâu, cá da trơn… ăn cá 3 lần/tuần, hoặc có thể uống bổ sung viên dầu cá 3g/ngày.

Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, selen; có khả năng chống oxy hóa như cà rốt, giá đỗ xanh, cà chua, rau ngót, rau muống; rau thơm, gia vị (tỏi, hành, hẹ…).

Hạn chế dưa, cà muối, các thực phẩm chứa nhiều axit béo như các món thịt nướng, thịt hun khói, các món chiên xào, quay; các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như đồ hộp, thịt nguội; các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu…

Không nên dùng dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần; các loại thức ăn bị nấm mốc như: lạc mốc, đỗ đậu, hạt bí, hạt dưa bị mốc; các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá.

Người bệnh ung thư phổi cần lưu ý khi chán ăn nên chọn thực phẩm dễ chế biến, vị dịu, có nhiều chất béo tự nhiên như hạnh nhân, quả bơ; thường xuyên thay đổi món ăn mới.

Trong bữa ăn, ăn thực phẩm giàu protein trước như thịt gà, cá, đậu, trứng, rồi sau đó ăn cơm, khoai củ, tiếp đến là các loại hạt giàu chất béo, quả chín. Nên ăn thức ăn mềm, lỏng.

Khi bị thay đổi vị giác, người bệnh có thể đột nhiên cảm thấy thức ăn quá nhạt, quá mặn, hoặc có vị kim loại. Nếu cảm thấy quá ngọt hay mặn nên thêm vị chua như chanh, thức ăn có vị kim loại có thể thêm mật ong…

Khi bị viêm niêm mạc miệng hoặc thực quản: Nên ăn thức ăn mềm, nhiệt độ thức ăn ở nhiệt độ phòng (không nên ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh).

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *