Huỳnh Ngọc Hiếu là cựu học sinh Trường THCS-THPT Sương Nguyệt Anh (TP.HCM). Dù không nhìn thấy gì, Hiếu luôn là học sinh giỏi trong suốt 12 năm học. Thậm chí thành tích của Hiếu trong những năm học cấp III luôn đứng đầu cả lớp.
Riêng năm lớp 11, Hiếu còn đứng đầu khối. Kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, Hiếu trúng tuyển vào ngành công nghệ marketing của ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) khiến nhiều thầy cô, bạn bè thán phục.
Sinh viên Huỳnh Ngọc Hiếu
Học cùng lúc hai trường
Vừa qua, Hiếu đã nhận được học bổng toàn phần của RMIT Việt Nam. Học bổng bao gồm toàn bộ học phí cử nhân và chương trình tiếng Anh cho đại học và các khoản phí bắt buộc khác. Không những vậy, Hiếu còn được cấp chi phí sinh hoạt 11 triệu đồng mỗi tháng và được tặng thêm một chiếc laptop.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ban xét tuyển học bổng RMIT cho biết rất ấn tượng với những hoạt động mà Hiếu đã tích cực tham gia nhằm đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt nỗ lực đối với cộng đồng các bạn học sinh, sinh viên khiếm thị. Hiếu chứng tỏ một sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động, và có khát vọng học xa hơn và cao hơn.
Vậy là những ngày đầu tháng 10 này, Hiếu bắt đầu một chương mới trong quyển sách phát triển bản thân của mình: học cùng lúc hai đại học khác nhau. Tại RMIT Việt Nam, Hiếu đang học chương trình tiếng Anh, sau đó định hướng sẽ học ngành truyền thông chuyên nghiệp. Còn tại UEH, Hiếu cũng vừa bước sang chương trình năm 2 của ngành công nghệ marketing.
Bản thân Hiếu cũng thấy đây là quá trình thực sự thách thức, đặc biệt trong việc sắp xếp thời gian học tập. Hiện tại sau vài tuần đầu, Hiếu nhận thấy bạn phân bổ khá ổn khi chủ yếu học RMIT vào các buổi sáng, buổi chiều học ở UEH. Tuy nhiên, để hoàn thành hết khối lượng bài vở thầy cô đưa ra, Hiếu phải đánh đổi thời gian học nhiều hơn. Chuyện thức khuya học bài, có khi thức đến 2h sáng, trở nên thường xuyên hơn với Hiếu.
“Một chiến lược của mình là tận dụng các thời gian nghỉ của hai trường. Hiện tại mình thấy mỗi trường có những khoảng thời gian cho nghỉ khác nhau trong năm. Đây sẽ là những lúc mình có thể dồn sức cho những nội dung hoặc những bài thi, kiểm tra quan trọng”, Hiếu cho biết.
Sự tự lập rất cao
ThS Nguyễn Thùy Dung – giảng viên khoa luật UEH – đã từng có dịp làm việc với Hiếu trong một học phần vào năm nhất. Điều cô đáng nhớ nhất ở Hiếu là sự tự lập rất cao. Hiếu luôn hạn chế tối đa những sự hỗ trợ không cần thiết từ thầy cô, bạn bè nếu Hiếu có thể tự mình làm được. Bạn cũng luôn mong muốn thầy cô có thể giao bài, kiểm tra, đánh giá cho bạn giống như những bạn khác mà không có sự thiên vị.
Cô Dung nhớ lại Hiếu luôn có một máy đọc chữ, có thể giúp hỗ trợ đọc tài liệu. Đáng ngạc nhiên khi Hiếu luôn có thể sử dụng máy để tìm hiểu hết những tài liệu thầy cô giao cho, dù khối lượng có nhiều đến đâu. “Bạn cũng rất thường tìm tòi thêm nhiều nguồn tài liệu khác. Trong các hoạt động nhóm làm chung với bạn bè, Hiếu thường đưa ra được nhiều ý tưởng đáng chú ý. Ở bạn có một nghị lực học tập rất lớn”, cô Dung nói.
“Vì sao Hiếu lại có quyết tâm học tập lớn như thế”, chúng tôi hỏi. Hiếu nói từ hồi học cấp II, bạn đã luôn tự nhủ phải liên tục cố gắng không ngừng. Bạn cho biết có rất nhiều bạn bè, các cô, các chú khiếm thị không có may mắn được học tập như bạn. Vậy thì khi đã có cơ hội được học, bạn phải làm hết sức. “Mình luôn xem mình có trách nhiệm phải học bù luôn cả phần của họ. Học không chỉ tạo thêm giá trị cho mình mà còn có thể giúp đỡ họ trong tương lai”, Hiếu khẳng định.
Tích cực tham gia dự án cộng đồng
Tuy nhiên điều đáng nói là không chỉ chuyên tâm vào việc học, Hiếu còn siêng tham gia các hoạt động cộng đồng. Từ năm lớp 10, Hiếu đã xung phong làm trưởng ban nội dung cho một nhóm truyền thông dự án cộng đồng. Dự án bắt đầu bằng việc giới thiệu các thói quen tốt trong học tập và sinh hoạt cho các học sinh tại Trường THCS-THPT Sương Nguyệt Anh có thể tham gia.
Đến năm lớp 11, Hiếu và các bạn tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) nhận được tài trợ của Microsoft thực hiện một dự án cộng đồng mang tên Neverland.
Trong dự án này, Hiếu cùng các bạn xây dựng một nguồn tài liệu số để giúp các học sinh khiếm thị có thể tiếp cận nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng mềm cho bản thân. Bởi nhóm nhận thấy các bạn khiếm thị ở Việt Nam có rất ít nguồn tài nguyên để được hướng dẫn những chuyện rất thực tiễn như nộp hồ sơ học bổng ra sao, xin việc ra sao, kỹ năng phỏng vấn thế nào…
Gia đình đông con, lại không khá giả, từng có giai đoạn gia đình đã tính đến chuyện cho Hiếu nghỉ học. Vậy là Hiếu tìm một số công việc viết content online để tích lũy thêm tiền bạc. May mắn Hiếu nhận được một số học bổng từ các quỹ, dự án để có thể phần nào an tâm hơn khi bắt đầu vào đại học. Đến khi đã trúng tuyển vào UEH, Hiếu trở lại các quỹ, dự án này để xung phong làm cố vấn (mentor) cho những lứa học sinh đàn em.
Chủ yếu Hiếu hướng dẫn học sinh khóa sau bí quyết học một số môn, cách làm bài kiểm tra, thi cử, tuyển sinh, xét tuyển cũng như định hướng nghề nghiệp. Nhiều học sinh khiếm thị được Hiếu đồng hành đã trúng tuyển vào các trường đại học công lập trong mùa tuyển sinh năm nay 2024.
Để người khiếm thị tiếp cận công nghệ
Hiếu chia sẻ đam mê của bạn là phát triển chuyên môn trong ngành marketing, đặc biệt marketing trong lĩnh vực công nghệ. Bởi Hiếu nhận thấy nhờ vào sự phát triển rất mạnh mẽ của công nghệ, người khiếm thị đang có nhiều cơ hội để hội nhập hơn. Chẳng hạn, Hiếu đang dùng một số ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, để hỗ trợ học tập.
Theo Hiếu, nếu đã có điều kiện tiếp cận với công cụ như thế, điều quan trọng với người khiếm thị là vượt ra khỏi vùng an toàn, ra khỏi một số mặc cảm để thử và học hỏi những công nghệ mới, từ đó lại mở ra được những cơ hội mới.
“Muốn làm được điều này không gì khác hơn là sẽ cần marketing, truyền thông hiệu quả hơn nữa, để các sản phẩm công nghệ mới có thể đến được tay những người khiếm thị. Đó là một trong những điều mình rất muốn làm trong tương lai”, Hiếu chia sẻ.