Mạng 5G được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy các dịch vụ Internet cũng như các ứng dụng Internet di động tại Việt Nam, đồng thời khai phá nhiều dịch vụ mới trong nhiều lĩnh vực.
Mở ra trải nghiệm mới, thúc đẩy thị trường thiết bị 5G
Sau vài ngày trải nghiệm mạng 5G, anh Tuấn Anh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) tỏ ra rất hào hứng bởi tốc độ kết nối lên đến 200 – 300Mbps, thậm chí nhanh hơn cả tốc độ kết nối WiFi ở nhà. “Từ khi có 5G, tôi bật hẳn chế độ phát sóng WiFi từ điện thoại của mình để laptop kết nối mạng nhanh và xử lý nhanh công việc cần thiết”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Chị Thanh Vân (quận 1) thì chia sẻ nhiều smartphone 5G đã ra mắt và được đông đảo người dùng sử dụng từ lâu nhưng 5G vẫn chỉ là chức năng “ngủ đông” nên rất háo hức chờ được trải nghiệm dịch vụ 5G thật sự.
Cùng với Viettel, nhà mạng VinaPhone cũng đã cho người dùng trải nghiệm miễn phí dịch vụ 5G tại những khu vực có phủ sóng. Đại diện VinaPhone cho biết dịch vụ 5G của họ sẽ được mở rộng đến nhiều ứng dụng tự động hóa, giám sát/điều khiển tự động và quản trị thông minh cho các doanh nghiệp, nhà máy, cảng biển, các ứng dụng y tế, giáo dục từ xa… tại Việt Nam.
Hiện rất nhiều thiết bị của nhiều hãng đã hỗ trợ kết nối 5G như điện thoại iPhone từ 12 – 16, nhiều máy tính bảng iPad, nhiều mẫu smartphone của các hãng OPPO (Find N3, Reno 12 5G, A79 5G), Xiaomi (Redmi Note 13 Pro Plus 5G, Xiaomi 14), Vivo 30E, Honor 200 5G…
“Giá thành của thiết bị 5G hiện nay trải dài từ mức giá tầm trung đến cao cấp, phù hợp với nhiều phân khúc người dùng Việt Nam. Với sự đa dạng về mức giá cho phép người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng tiếp cận thiết bị 5G, thế nên giá thành không phải là rào cản” – bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống bán lẻ 24hStore, nhận xét.
Sự xuất hiện của dịch vụ 5G chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm thiết bị hỗ trợ 5G. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ.
“Việc này không chỉ kích thích thị trường smartphone mà còn tạo điều kiện cho các ngành liên quan như công nghệ, giáo dục, y tế phát triển theo nhờ khả năng kết nối mạnh mẽ và đa dạng mà mạng 5G mang lại.
Sự phát triển sẽ tạo ra một chu kỳ thúc đẩy lẫn nhau giữa cung cấp dịch vụ, thiết bị và nhu cầu người dùng, giúp thị trường công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới”, bà Ánh Hồng nói thêm.
Khai phá dịch vụ mới, sản phẩm mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những tác động 5G mang đến với ngành sản xuất smartphone, ông Phong Lê, giám đốc kinh doanh Hãng điện thoại Honor Việt Nam, nhận xét 5G không chỉ là một bước đột phá công nghệ mà còn là động lực mạnh mẽ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc.
Đối với người dùng, 5G mang đến tốc độ kết nối vượt trội, hỗ trợ học tập và làm việc từ xa hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhờ các dịch vụ thông minh.
Với doanh nghiệp, 5G mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong các lĩnh vực như IoT, nhà máy thông minh, xe tự lái và logistics tự động hóa. Những công nghệ này giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, gia tăng hiệu suất và cải thiện khả năng cạnh tranh.
“Trong lĩnh vực smartphone, 5G đang tái định hình toàn bộ ngành công nghiệp. Với tốc độ kết nối nhanh chóng, điện thoại 5G không chỉ mang lại trải nghiệm lướt web và xem video mượt mà hơn mà còn hỗ trợ các tính năng tiên tiến như video 4K, chơi game trực tuyến không độ trễ và ứng dụng thực tế ảo (AR), thực tế tăng cường (VR)” – ông Phong Lê nhận định.
“Nhìn về tương lai, doanh nghiệp cần nắm bắt xu thế này, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ dựa trên 5G, đồng thời xây dựng chiến lược phù hợp với nền kinh tế số. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam trong kỷ nguyên 5G”, ông Phong Lê chia sẻ.
Đặc biệt với độ trễ thấp đến gần như bằng 0 cho phép 5G phù hợp ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như điều khiển từ xa, khám bệnh từ xa, phẫu thuật qua mạng…
Theo Công ty Huawei, ở những nơi đã sử dụng 5G, các nhà mạng đã tận dụng và ứng dụng vào các dịch vụ như cuộc gọi mới (New Calling), điện thoại đám mây (Cloud Phones) và 3D không cần dùng kính…
Về mặt dịch vụ công nghiệp, IoT thụ động (Passive IoT) cũng đã được nâng cấp để sẵn sàng ứng dụng cho thị trường rộng hơn; các ứng dụng Internet phương tiện (IoV – Internet of Vehicles) yêu cầu tốc độ truy cập đường lên (Uplink) cao hơn… Hiện trên thế giới đã có hơn 1,8 tỉ người dùng 5G.
Cần có nguồn nhân lực chất lượng cao
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Hoài Ngọc, giám đốc Công ty hạt dinh dưỡng NutsHealth (TP.HCM), cũng kỳ vọng: “5G sẽ giúp việc bán hàng cho khách cũng như giao dịch với các đối tác được diễn ra dễ dàng, mọi lúc mọi nơi. Kết nối tốc độ cao sẽ giúp khách hàng thích các trải nghiệm trực tuyến mới, từ đó cũng dễ mua hàng hơn”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những tác động 5G mang đến với người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Kha, giám đốc thương mại hệ thống bán lẻ FPT Shop, cho rằng 5G kỳ vọng sẽ có đóng góp tích cực và to lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với người dân, 5G có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc cung cấp các dịch vụ và ứng dụng mới. Ví dụ 5G có thể được sử dụng để cải thiện chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ truyền hình trực tuyến chất lượng cao, thực tế ảo (AR) và thực tế tăng cường (VR).
Đối với nền kinh tế – xã hội nói chung, 5G có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tạo ra các ngành công nghiệp và việc làm mới. Từ đó giúp tạo ra nhiều việc làm công nghệ cao cho các kỹ sư khai thác tối đa lợi ích của công nghệ 5G.
Bên cạnh đó, 5G có thể thúc đẩy đổi mới khoa học thông qua việc cung cấp tốc độ và độ trễ thấp cần thiết cho các ứng dụng tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML). Ví dụ 5G có thể được sử dụng để phát triển các phương pháp chẩn đoán y tế mới, các phương pháp vận chuyển thông minh và các phương pháp sản xuất mới sử dụng robot là chủ yếu.
“Nhìn chung, 5G mang lại nhiều tiềm năng cho sự phát triển của đất nước. Nhưng để tận dụng tối đa tài nguyên 5G để phát triển thì cần có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện về mọi mặt về: hạ tầng với mạng lưới phủ sóng rộng khắp, các thiết bị phát sóng; nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng nghiên cứu, vận hành và phát triển các ứng dụng dựa trên 5G; chi phí cho người dùng, gồm cả giá thiết bị và dịch vụ 5G”, ông Kha đặt vấn đề.
100% tỉnh, thành có 5G vào năm sau
Theo Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-10-2024, mục tiêu đến năm 2025, 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G. Và đến năm 2030, mạng băng thông rộng di động 5G sẽ phủ sóng 99% dân số.
Bùng nổ tìm kiếm 5G
Theo dữ liệu tìm kiếm của người dùng Cốc Cốc, lượng tìm kiếm các từ khóa chứa từ “5G” tại Việt Nam bắt đầu tăng mạnh từ ngày 7-10-2024. Nếu tính theo tổng lượng tìm kiếm từ 1-8 đến nay thì từ khóa “5G Viettel” chỉ xếp thứ 11, nhưng xét riêng bốn ngày gần nhất thì từ khóa này đã có lượng tìm kiếm bằng 1/4 tổng trước đó và vươn lên vị trí thứ hai trong tổng số các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất.
Bà Mai Thị Thanh Oanh, phó tổng giám đốc Cốc Cốc, chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng các nhà mạng sẽ nhanh chóng phủ sóng 5G rộng rãi, đồng thời đưa ra chính sách tốt về giá cước 5G để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Chúng tôi tin rằng 5G sẽ là cú hích lớn, không chỉ gia tăng trải nghiệm cho người dùng mà còn góp phần giúp các nền tảng số tăng trưởng đột phá về chất lượng dịch vụ và lượng người dùng”.
Làm gì để dùng được 5G?
Để có thể trải nghiệm dịch vụ 5G, người dùng phải là thuê bao của nhà mạng có cung cấp 5G và ở trong khu vực có sóng 5G. Đồng thời, người dùng phải sử dụng smartphone hỗ trợ 5G và chế độ 5G đã được bật.
Người dùng có thể sử dụng SIM 4G mà không cần đổi SIM 5G. Có thuê bao sẽ tự động kết nối 5G, nhưng cũng có trường hợp người dùng phải nhận được tin nhắn mời gọi từ nhà mạng hoặc chủ động đăng ký gói 5G.
Để biết được điện thoại của mình có hỗ trợ 5G hay không, người dùng có thể kiểm tra logo 5G trên máy. Hoặc xem thông tin kỹ thuật máy trên vỏ máy/hướng dẫn sử dụng/website của hãng máy. Hoặc xem chế độ mạng trong máy có hiển thị lựa chọn mạng 5G.
Singapore, Thái Lan làm gì với 5G?
Singapore: Công cụ để phát triển kinh tế – xã hội
Theo dữ liệu Statista, Singapore đi đầu trong việc tận dụng tài nguyên 5G như một công cụ để phát triển kinh tế – xã hội, không chỉ thông qua triển khai mạng mà còn trong việc ứng dụng công nghệ, phù hợp với sáng kiến Quốc gia thông minh Singapore (Smart Nation). Singtel, StarHub và M1 là những nhà mạng chịu trách nhiệm vận hành mạng 5G tại Singapore.
Việc triển khai 5G tại quốc gia này đã vượt kỳ vọng, đặc biệt là Singtel đã đạt tỉ lệ phủ sóng 5G độc lập trên 95% vào năm 2022 – sớm hơn ba năm so với mục tiêu ban đầu của chính phủ. Điều này khiến Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được phủ sóng hoàn toàn bởi mạng 5G độc lập kể từ tháng 7-2022.
Tuy nhiên, mục tiêu của Singapore về 5G không chỉ dừng lại ở việc phủ sóng toàn quốc. Đảo quốc này còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ truyền thông di động toàn cầu, thông qua việc hợp tác với Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển 6G đầu tiên ở Đông Nam Á.
Với sự phát triển nhanh chóng của mạng 5G, Singapore có thể chứng kiến một làn sóng áp dụng công nghệ 5G vào các khía cạnh của đời sống thông qua hệ thống do Singtel triển khai như kiểm tra nhà máy tự động hay quy hoạch thành phố thông minh, bao gồm những cải tiến về hệ thống giao thông, lưới năng lượng, y tế và an ninh công cộng.
Không chỉ vậy, ngành hàng hải – một lĩnh vực quan trọng của Singapore – cũng hưởng lợi đáng kể nhờ 5G. Tháng 8-2022, Cơ quan hàng hải và cảng Singapore (MPA) đã hợp tác với Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm của Singapore (IMDA) để phát triển hệ thống 5G cho lĩnh vực hàng hải với mục tiêu mở rộng phạm vi phủ sóng 5G tự động cho toàn bộ cảng biển vào năm 2025.
Thái Lan: “Trái tim” quyết định tương lai
Thái Lan cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai dịch vụ 5G. Kể từ tháng 2-2020, các nhà mạng lớn ở xứ sở chùa vàng như AIS, True và DTAC đã bắt đầu phát triển cơ sở hạ tầng 5G.
Tháng 9-2024, Ủy ban viễn thông và phát thanh truyền hình quốc gia Thái Lan (NBTC) đã công bố kế hoạch đấu giá băng tần trong dải 2.1 GHz và 2.3 GHz vào đầu năm sau, nhằm tạo điều kiện cho các nhà mạng di động nâng cấp lên 5G-Advanced (phiên bản nâng cấp của mạng 5G hiện tại) và mở đường cho 6G trong tương lai, theo OpenGov Asia.
Báo Bangkok Post gọi 5G là “trái tim” quyết định tương lai của Thái Lan. Công nghệ 5G đã và đang tạo ra sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại tại quốc gia này và dự kiến đạt tổng giá trị khoảng 19 tỉ USD vào năm 2030. Ngoài ra, 5G có thể tạo ra khoảng 130.000 việc làm vào năm 2030.
Thái Lan đã áp dụng 5G vào nhiều lĩnh vực đời sống như nâng cấp thành phố thông minh; chăm sóc sức khỏe từ xa; tự động hóa quy trình sản xuất trong nhà máy; ứng dụng hệ thống cảm biến IoT (Internet of Things) để giám sát điều kiện đất, thời tiết và sức khỏe cây trồng; nâng cấp các trải nghiệm học tập bằng công nghệ thực tế ảo AR/VR kết hợp với học trực tuyến; phát triển hệ thống đám mây trong ngành truyền thông giải trí; quản lý tự động hệ thống cảng và tàu; cung cấp giải pháp du lịch thông minh.