Diễn ra trong hai ngày 15 và 16-10, The Makeover 2024 quy tụ hơn 20 chuyên gia từ 10 quốc gia như Anh, New Zaeland, Hà Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Singapore.
Cần thiết xây dựng thương hiệu quốc gia
Chia sẻ tại tọa đàm, khi nói về thương hiệu Việt, bà Trần Tuệ Tri – cố vấn cao cấp Vietnam Brand Purpose, tác giả cuốn sách Thương hiệu Việt Nam – Thời khắc vàng – nói phải xác định được thế giới muốn gì, tìm gì ở Việt Nam.
Đó phải là giáo dục chất lượng, y tế chất lượng và môi trường bền vững để xây dựng cuộc sống lâu dài. Tuy nhiên, theo bà Tri, cần có sự nhận thức lớn hơn nữa về câu chuyện thương hiệu Việt gắn liền với nền nông nghiệp xanh.
“Tôi nghĩ có hai điều chúng ta cần làm là tập trung xây dựng thương hiệu Việt Nam thành một trung tâm nông nghiệp lớn nhất rồi cùng nhau kể câu chuyện nông sản Việt”, bà Tuệ Tri nói.
Trong khi đó, bàn tròn chủ đề về thúc đẩy hợp tác khu vực “Câu chuyện từ những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu” đã khởi động The Makeover năm nay.
Bà Ziena Jalil (chuyên gia tư vấn chính phủ, thành viên hội đồng quản trị cơ quan chính phủ Education New Zealand) khẳng định thương hiệu của một quốc gia vô cùng quan trọng.
Đó là điều rất cần để các doanh nghiệp trong nước dù chưa có thương hiệu riêng bước đầu tiến ra khu vực, thế giới. Bởi chính lòng tin, sự chính trực, thương hiệu gắn liền với quốc gia mà doanh nghiệp đó hình thành.
“Không có nghĩa bất kỳ doanh nghiệp nào ở một quốc gia có thương hiệu cũng được chào đón khi bản thân doanh nghiệp đó không nhất quán về tiêu chuẩn chung của quốc gia, đó là sự minh bạch, nhân văn, bền vững”, bà Ziena Jalil nhấn mạnh.
The Makeover bàn về xu hướng làm việc mới
Ông Puneet Swani, nguyên giám đốc cấp cao Mercer, cho rằng thế giới đang chứng kiến sự biến đổi lớn trong khí hậu, xung đột chính trị, khủng hoảng kinh tế, việc làm… Vì thế muốn thành công càng phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi.
Có nhiều yếu tố lớn đã tác động, làm khuynh đảo xu hướng làm việc của người lao động trên toàn thế giới. Bắt đầu từ việc ưu tiên cắt giảm giờ làm xuống mức thấp nhất, các công việc tập trung tạo môi trường và sản phẩm ưu tiên về sức khỏe, tinh thần.
Ông nhắc đến việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, có nhiều chính sách an sinh để thu hút nhân tài. Tư duy người lao động cũng đã thay đổi, từ nỗ lực cày bừa để tích lũy sang sống khỏe cho hiện tại.
Đó còn là việc tái định nghĩa khái niệm môi trường công sở, việc nhân viên đến trụ sở các ngày làm việc trong tuần có cần thiết hay không. Cuối cùng là số hóa, áp dụng giải pháp công nghệ số và tạo ra văn hóa doanh nghiệp.
“Vì vậy chúng ta cần tập trung thiết kế ra những công việc lấy con người làm trọng tâm. Tự động hóa là tốt nhưng máy móc vẫn cần con người hiểu và vận hành nó.
Phải hiểu việc đưa tự động hóa chỉ để nâng cao đời sống cho con người, không thể thay thế hay xóa đi vai trò của con người”, ông Puneet Swani chia sẻ.