Theo đó, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, giao cho sở các địa phương được quyết định, lựa chọn một bộ sách giáo khoa thống nhất theo cấp học để thuận tiện trong việc giảng dạy, học tập…
Sử dụng bộ sách giáo khoa do cơ sở giáo dục lựa chọn
Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay nghị quyết 88/2014 của Quốc hội quy định thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Bộ cũng dẫn lại quy định của Luật Giáo dục 2019 và cho hay thực hiện luật, bộ đã ban hành các thông tư quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong đó có quy định mỗi cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn một sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa do bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho mỗi môn học, lớp học phù hợp điều kiện tổ chức dạy học và điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
Như vậy, việc sử dụng bộ sách giáo khoa do cơ sở giáo dục lựa chọn, đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện thống nhất trên toàn quốc theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo thông tư 32/2018.
Việc mỗi nhà trường tổ chức giảng dạy với các bộ sách giáo khoa khác nhau không ảnh hưởng đến việc phụ huynh tham gia quá trình kiểm tra, hướng dẫn con em học tập.
Nếu học phí tiếp tục giữ ổn định, cắt giảm chi thường xuyên, nhiều trường sẽ không đủ kinh phí hoạt động
Cùng với đó, cử tri đề nghị không tăng học phí bậc đại học để giảm bớt khó khăn cho các gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế, qua đó tạo cơ hội để sinh viên yên tâm học tập.
Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Chính phủ ban hành nghị định 81/2021 quy định về mức học phí của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Trong đó quy định lộ trình điều chỉnh học phí hằng năm để đảm bảo tính giá dịch vụ giáo dục và đào tạo theo tinh thần nghị quyết 19/2017 của trung ương về tiếp tục đổi mới hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhằm kiểm soát lạm phát, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 165/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 – 2023 như năm học 2021 – 2022.
Do đó, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định qua 3 năm học (năm học 2020 – 2021 đến năm học 2022 – 2023). Mức học phí này rất thấp, mới chỉ đảm bảo 40 – 50% chi phí đào tạo, phần còn lại ngân sách nhà nước vẫn phải hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo bộ, trong bối cảnh học phí không tăng nhưng hằng năm ngân sách nhà nước đều cắt giảm 2,5% chi thường xuyên, đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học.
Nếu học phí tiếp tục giữ ổn định và tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên thì nhiều cơ sở giáo dục không đủ kinh phí hoạt động, đặc biệt không thực hiện được lộ trình tính giá dịch vụ theo quy định ở nghị quyết 19.
Vì vậy, theo bộ, từ năm học 2023 – 2024 Chính phủ ban hành nghị định 97/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81/2021 quy định mức học phí các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023 – 2024 quy định tại nghị định 97/2023 (lùi lộ trình học phí 1 năm so với quy định tại nghị định 81/2021).
Các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo ở nghị định 81/2021 tiếp tục được thực hiện để giảm bớt gánh nặng tài chính cho học sinh, gia đình.
Bộ nêu rõ thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ quan tổng hợp ý kiến trong quá trình thực hiện để đề xuất, sửa đổi nghị định 81/2021 quy định lộ trình học phí phù hợp, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực xã hội và thực hiện an sinh xã hội.