Lựa chọn của đương kim “Quả bóng vàng Việt Nam 2023” khiến dư luận đặt câu hỏi: “Cầu thủ Việt không đủ năng lực để tự tin ra nước ngoài tìm cơ hội thi đấu, hay do tiền làm triệt tiêu động lực?”. Câu trả lời: có lẽ là cả hai.
Khó chối từ khi tiền quá nhiều
Bất chấp ảnh hưởng chung của nền kinh tế, cầu thủ Việt lại nhận tiền lót tay cao hơn bao giờ hết ở mùa giải 2024-2025. Phạm Tuấn Hải (CLB Hà Nội), Nguyễn Quang Hải (Công An Hà Nội), Đặng Văn Lâm (Phù Đổng Ninh Bình) hay mới nhất là Nguyễn Hoàng Đức đều nhận tiền lót tay từ 6,8 tỉ đến 10 tỉ đồng/năm khi tái ký hợp đồng với CLB chủ quản hoặc chuyển đến đội bóng mới. Chưa kể tiền lương cũng thấp nhất 68 triệu đồng/tháng.
Với hợp đồng được ký 3 đến 4 năm, số tiền cầu thủ nhận được là rất lớn cho một cuộc sống dư dả. Và nó hoàn toàn khiến họ phải chọn đánh đổi. Đó cũng là thực trạng hiện tại của bóng đá Việt Nam khi một loạt ngôi sao như Văn Lâm, Công Phượng và mới nhất là Hoàng Đức chấp nhận xuống chơi ở Giải hạng nhất thay vì đá ở V-League.
“Có nhiều chỉ trích tôi vì tiền. Nhưng mong mọi người hiểu, nếu ở vào vị trí của tôi, mọi người cũng khó từ chối. Là con người, ai cũng muốn mình và gia đình có cuộc sống đỡ vất vả”, Hoàng Đức lý giải cho quyết định của mình. Nhưng lý giải đó của Hoàng Đức chỉ đúng một nửa. Nếu anh chọn ở lại CLB Thể Công – Viettel và tiếp tục được đá ở sân chơi cao nhất, số tiền anh nhận được ở bản hợp đồng mới cũng không nhỏ.
Số tiền nhận được ở CLB Phù Đổng Ninh Bình quá lớn khiến Hoàng Đức từ bỏ khát vọng ra nước ngoài thi đấu như đã từng thổ lộ với giới truyền thông sau Gala trao Giải “Quả bóng vàng Việt Nam 2023” hồi tháng 2.
Khi đó, anh nói: “Tôi luôn sẵn sàng ra nước ngoài chơi bóng để xem mình có thể đi xa được tới đâu. Kể cả khi không thành công, tôi cũng coi đó là bài học để trau dồi những điểm yếu của mình”.
Giấc mơ xuất ngoại dang dở
Ra nước ngoài thi đấu nhiều nhất nhưng Công Phượng gần như không có cơ hội để ra sân và chứng tỏ mình ở 4 CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc), Sint-Truidense V.V (Bỉ) và Yokoham FC.
Trước đó, ngoài tiền đạo Lê Công Vinh còn có cơ hội ra sân và ghi bàn ở CLB Leixoes (Bồ Đào Nha, năm 2009) và CLB Consadole Sapporo (Nhật Bản, 2013), hàng loạt ngôi sao khác đều không thành công khi xuất ngoại như Văn Toàn (Seoul E-Land, Hàn Quốc), Quang Hải (Pau FC, Pháp), Văn Hậu (SC Heerenveen, Hà Lan), Tuấn Anh (Yokohama FC, Nhật Bản).
Đặc biệt là Xuân Trường, khi tiền vệ này còn không có cơ hội chơi bóng ở CLB Buriram United (Thái Lan) sau khi đã thất bại với 2 CLB Hàn Quốc là Incheon United và Gangwon FC.
Chấp nhận ra nước ngoài tìm cơ hội thi đấu là một nỗ lực đáng khen của các cầu thủ Việt. Nhưng thất bại của những người mở đường đã làm chùn chân những ngôi sao khác khi thấy khoảng cách trình độ của mình với bên ngoài vẫn còn khá xa. Trong khi đó, ở lại Việt Nam, họ vẫn có thể sống tốt.
Tuy nhiên, việc các ngôi sao lựa chọn xuống chơi ở Giải hạng nhất lại là điều phải suy nghĩ. Bởi chất lượng của Giải hạng nhất chưa bao giờ sánh được với V-League để họ có thể phát triển chuyên môn hay giữ vững phong độ nhằm cống hiến tốt nhất cho đội tuyển quốc gia.
Các ngôi sao như Hoàng Đức, Văn Lâm hay Công Phượng chọn xuống chơi ở Giải hạng nhất lý giải có thể lên chơi ở V-League ngay mùa tới khi đội thăng hạng. Nhưng trong bóng đá ai dám chắc điều đó sẽ xảy ra. Quan trọng hơn, một khi đánh đổi xuống chơi ở Giải hạng nhất, khát vọng xuất ngoại và phát triển bản thân của cầu thủ sẽ càng không còn khi tuổi ngày càng một lớn.
Bóng đá Việt Nam không thể vượt được người Thái, và giờ đang gặp khó trước một Indonesia trỗi dậy với chính sách nhập tịch. Nếu cầu thủ Việt đánh mất khát vọng nâng chất, ông bầu phá giá vung tiền gom hàng loạt ngôi sao về để thực hiện mục tiêu thăng hạng hay vô địch thay vì chú trọng đào tạo trẻ, bóng đá Việt Nam thật sự không có cơ hội vượt qua đối thủ.