Trước đó ngày 15-10-2024, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã thay mặt Chính phủ quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là kim chỉ nam trong việc định hướng phát triển thể thao Việt Nam.
Việt Nam chưa từng tổ chức đại hội thể thao quy mô lớn
Mục tiêu của “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” Chính phủ đưa ra là: “Xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống.
Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thế thao”.
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam mới 2 lần tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vào các năm 2003 và 2022 tại Hà Nội. Năm 2009, Việt Nam từng đăng cai Đại hội thể thao châu Á trong nhà dành cho các môn thi trong nhà cũng tại Hà Nội. Năm 2016, Việt Nam tiếp tục đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á tại Đà Nẵng. Dù mang tầm châu Á nhưng cả đại hội thể thao trong nhà và bãi biển đều có quy mô hẹp, tính chất chuyên môn không cao.
Việt Nam từng xây dựng kế hoạch và đã được Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đồng ý cho đăng cai Asiad 2018 tại Hà Nội. Tuy nhiên vì không đáp ứng được nhiều điều kiện, sau đó Chính phủ đã xin rút không đăng cai đại hội này. Indonesia sau đó đã là nước thay thế Việt Nam đăng cai Asiad 18 diễn ra năm 2019.
Trong “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là Việt Nam là: Chủ động đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế; phấn đấu đăng cai tổ chức Asiad trong giai đoạn 2031 – 2045 và liên kết với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn.
Mục tiêu chiến lược nhắm tới là đăng cai Asiad 2038 hoặc 2042.
Phấn đấu có huy chương tại các kỳ Olympic
Mục tiêu cụ thể mà “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với thể thao thành tích cao như sau:
Thể thao thành tích cao duy trì trong top 3 tại các kỳ SEA Games và trong top 20 tại các kỳ Asiad; trong đó phấn đấu đạt 5-7 huy chương vàng tại các kỳ Asiad, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic; bóng đá nam trong top 10 châu Á và bóng đá nữ trong top 8 châu Á.
Phần lớn hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo vận động viên và tổ chức thi đấu thể thao ở cấp quốc gia được nâng cấp, từng bước hiện đại hóa. Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản (nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi). 100% đơn vị hành chính cấp xã có thiết chế thể thao hoặc văn hóa, thể thao đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định.
Hoạt động kinh tế thể thao có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó giai đoạn 2025 – 2030 tăng trưởng mạnh về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh thể dục, thể thao và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thể dục, thể thao.
Bóng đá phấn đấu dự World Cup
Định hướng đến năm 2045 của thể thao Việt Nam đề ra trong chiến lược như sau: Thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong top 2 tại các kỳ SEA Games, trong top 15 tại các kỳ Asiad và top 50 tại các kỳ Olympic.
Bóng đá nam trong top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup. Bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.