Vừa qua Trung tâm ngoại ngữ ACET, thuộc IDP Việt Nam, thông báo sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn tại Việt Nam từ ngày 31-12-2024. Lời chia tay này khép lại chặng đường hơn 20 năm giảng dạy tiếng Anh của một đơn vị từng rất nổi tiếng trong mảng luyện thi IELTS.
Học viên luyện thi IELTS tại trung tâm giảm hơn 30%
Trong thông báo, ACET viết: “Sau hơn 20 năm giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, ACET sẽ ngừng hoạt động vào ngày 31-12-2024. Tất cả học viên hiện đang theo học sẽ được hỗ trợ để hoàn thành khóa học hiện tại của mình”.
Trao đổi với báo chí, đại diện IDP Việt Nam cho biết quyết định đóng cửa hệ thống ACET được đưa ra do số lượng học viên giảm sút trong khi chi phí vận hành ngày càng tăng. Thêm vào đó, nhu cầu học tiếng Anh và thị trường giảng dạy tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với trước, đặc biệt trong mảng luyện thi IELTS.
Việc ACET sẽ rút lui khỏi thị trường cho thấy mức độ cạnh tranh tương đối “khốc liệt” trong mảng luyện thi IELTS, nhất là giữa các trung tâm hoạt động theo mô hình truyền thống và các trung tâm nhỏ và vừa mới nổi.
Đặc biệt, theo bà Trương Lê Quỳnh Tương – từng đảm nhận vị trí giám đốc khu vực của một nền tảng học trực tuyến, từ sau COVID-19 xu hướng học online trở nên phổ biến hơn, dẫn tới việc xuất hiện của nhiều lớp học, luyện thi IELTS online.
Nhiều lớp do những bạn thí sinh đã thi đạt điểm cao mở ra và giảng dạy. Nhiều người học cũng thích hình thức học online này, không nhất thiết phải tới trực tiếp lớp học. “Các lớp online này gần như tốn rất ít chi phí vận hành, khác với các trung tâm học trực tiếp tốn chi phí mặt bằng, cơ sở vật chất”, bà Tương nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một trung tâm Anh ngữ nổi tiếng có trụ sở tại quận 1 (TP.HCM) cho biết hiện tại, số lượng học viên theo học các lớp IELTS tại trung tâm đã giảm hơn 30% so với trước đại dịch.
Trong khi đó mảng tiếng Anh cho trẻ em, học sinh vẫn tạm ổn về số lượng theo học. Nhiều giáo viên chỉ chuyên luyện thi IELTS của trung tâm đã phải kiêm nhiệm thêm các lớp tiếng Anh giao tiếp cho người đi làm.
“Nếu như ngày trước bạn có thể thu hút học viên nhờ vào chất lượng giáo viên thì giờ đây không còn là lợi thế, bởi ngày càng có nhiều người đạt được điểm IELTS 8.0, 8.5. Những người này có thể ra mở lớp dạy riêng. Người học vì thế có nhiều lựa chọn hơn chỉ là một số lượng có hạn trung tâm luyện thi IELTS như trước đây”, vị này nói.
Áp lực đổi mới công nghệ
Thiện Thanh (27 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) sau khi hoàn thành chương trình cử nhân và thạc sĩ tại ĐH Houston (Mỹ), chọn về nước bắt đầu dạy tiếng Anh. Thời gian đầu Thanh dạy cho các trung tâm, đến nay bắt đầu mở những lớp dạy online riêng.
Chi phí đầu tư ban đầu của Thanh chỉ là đăng ký gói nâng cấp của ứng dụng dạy trực tuyến Zoom để không còn bị giới hạn thời gian. Chi phí này chưa tới 500.000 đồng/tháng.
Khi đã có nguồn thu, Thanh lại dùng để phát triển các kênh mạng xã hội của mình, gồm Facebook, YouTube, TikTok. Thanh sáng tạo một số nội dung liên quan tới học tiếng Anh và ôn thi IELTS đăng trên những kênh này để quảng bá thêm cho bản thân và các lớp học của mình.
“Mình cũng sẽ có những buổi dạy online miễn phí để xây dựng cộng đồng những người quan tâm và tăng thêm số người biết đến”, Thanh nói.
Theo Thanh, một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là rất nhiều bạn đã cởi mở với việc học online. Nhiều học viên hiện nay ưa chuộng các khóa học trực tuyến nhờ vào tính linh hoạt và chi phí thấp. Do vậy, thách thức cho các trung tâm truyền thống nếu không nhanh chóng thích ứng với xu hướng mới sẽ gặp khó khăn để duy trì các lớp học mang tính bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Tú – giám đốc điều hành của Power English – cho biết áp dụng công nghệ vào các lớp học truyền thống là giải pháp nhiều trung tâm đang triển khai. Công nghệ ở đây trước hết phải có nguồn học liệu số đủ lớn cho học viên lựa chọn, đa dạng về cả hình thức từ bài viết đến các video.
Một số đơn vị đầu tư thêm vào các nền tảng hybrid (kết hợp trực tuyến và trực tiếp) với nhiều tính năng hỗ trợ học viên như lớp học trực tiếp, bài tập thực hành, kiểm tra định kỳ, ghi chú và lưu trữ tài liệu…
“Sẽ không còn chuyện cho học sinh học một khóa nhưng không thể đảm bảo kết quả của học viên sau khóa học ấy. Ngay cả trong quá trình học, dữ liệu của học sinh cũng có thể được các công cụ tổng hợp để đánh giá sự tiến bộ của các bạn, từ đó thầy cô có thể điều chỉnh cách tiếp cận”, ông Tú nói.
“Làn sóng” AI
Bà Trương Lê Quỳnh Tương nhấn mạnh một làn sóng không thể không kể đến là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy. Hiện tại, một số trung tâm đã ứng dụng các trợ lý ảo cho quá trình học tập của học viên.
Ví dụ AI có thể phân tích điểm yếu trong kỹ năng của học viên như nghe, nói, đọc, viết… và đề xuất các bài tập phù hợp để cải thiện những khía cạnh đó. “Các mô hình học tập mới sẽ giúp các trung tâm có thêm sức hút” – bà Tương nói.
Không chỉ trung tâm luyện IELTS gặp khó
PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ – phó trưởng khoa ngoại ngữ Trường ĐH Văn Lang – cho rằng bên cạnh các trung tâm luyện thi IELTS, các trung tâm tiếng Anh nói chung cũng đứng trước áp lực thay đổi. Người học ngày càng thích có sự đa dạng trong hình thức học tập, có thể kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp hoặc có thêm các ứng dụng công nghệ.
Ông Hổ phân tích đây không phải là cạnh tranh giữa các trung tâm truyền thống hay trung tâm mới, trung tâm lớn hay nhỏ mà suy cho cùng là đòi hỏi về sự tích hợp công nghệ vào giáo dục. Những đơn vị chậm áp dụng công nghệ sẽ rất khó khăn, không chỉ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn với bài toán vận hành.
“Khi muốn đầu tư công nghệ, các trung tâm sẽ phải tính toán cân bằng nguồn lực. Bởi ngoài công nghệ, họ còn phải lo về chương trình, giáo viên, chưa kể các chi phí cơ sở vật chất. Tuy nhiên nếu không đầu tư vào công nghệ, họ sẽ thất thế”, ông Hổ nói.