Người dân thôn Hồ (xã Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị) đau xót trước hiện trường phá rừng ngổn ngang. Đây là cánh rừng cộng đồng được nhiều đời người Vân Kiều nối tiếp bảo vệ trong hàng trăm năm qua.
Rừng tự nhiên được bảo vệ hàng trăm năm bị chặt hạ hàng loạt
Cánh rừng bị chặt phá nằm ở đầu nguồn thôn Hồ, cách khu dân cư không xa.
Khung cảnh đầu tiên là cả mảng rừng trống hoác, rộng bát ngát, trải dài hết triền đồi. Hàng loạt cây gỗ to bị cưa ngã nằm ngổn ngang, chất chồng lên nhau.
Ngay từ khi vừa bước vào khu vực rừng bị phá, phóng viên Tuổi Trẻ đã chứng kiến rất nhiều cây to đường kính trên 80cm bị cưa hạ.
Một cây vạng trứng đường kính gốc hơn 80cm, cao khoảng 20m bị đốn ngã còn nguyên cành lá. Đoạn thân cây thẳng tròn bị cưa thành 2 đốt, với đốt bên dưới gốc dài khoảng 5m.
Cây vạng trứng bị đốn hạ, nằm im lìm trên mặt đất
Càng đi về phía bên dưới đồi, cây gỗ bị cưa hạ càng la liệt, nằm vắt lên nhau, cành lá hỗn độn. Nhiều cây gỗ đã bị cưa thành khúc 3 – 5m, trong khi cành lá vẫn còn nguyên.
Khi các cây gỗ bị hạ thì trên mặt đất để lại nhiều gốc cây đường kính trên 1m. Những gốc cây này bị cưa hạ chỉ bởi 2 lát cưa máy ngọt bén, cho thấy người cưa là thợ lành nghề.
Không chỉ cây lớn, những cây nhỏ hơn đường kính 10cm cũng bị cưa hạ. Cả khu vực rừng xanh tốt bị đốn hạ hoàn toàn như kiểu “giải phóng mặt bằng”.
Những cây gỗ bị hạ gồm có vạng trứng, ten mật, trâm, quế, mít nài, giổi, dẻ, sến…
Khu vực bị hạ sát này rộng 0,9ha, thuộc lô 2, khoảnh 2, tiểu khu 657A xã Hướng Sơn.
Ngoài khu vực này, còn có 2 khu vực khác cũng bị phá trắng là lô 3 khoảnh 2 với diện tích gần 0,45ha và lô 2 khoảnh 4 (cùng tiểu khu 657A) với diện tích gần 0,2ha.
Nhìn từ flycam mới thấy hết sự ngổn ngang, cây cối ngã đổ và sự tàn phá không thương tiếc của lâm tặc.
Giáp ranh với vùng rừng bị phá trắng là cánh rừng tự nhiên xanh um, tươi tốt, cây gỗ lớn mọc ken dày. Vùng rừng bị phá tạo thành khoảng trắng nham nhở, khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn.
Cây to nằm ngổn ngang cả một vùng đầy xót xa
Mất rừng như mất đi một phần cơ thể
Người dẫn đường cho hay bản thân anh, gia đình và cộng đồng thôn Hồ gắn bó với cánh rừng từ thưở ấu thơ. Nhiều đời người Vân Kiều nối tiếp và chung tay gìn giữ cánh rừng xanh tốt. Rừng che chở người dân tránh sạt lở, cung cấp nguồn nước.
“Bà con nhìn cánh rừng bị cắt rất tiếc. Lên thăm ai cũng xót xa cây đẹp thế sao họ phá. Với bà con, mất rừng như mất đi người thân, mất đi một phần cơ thể. Chúng tôi đề nghị nhà nước điều tra, ngăn chặn và trồng phục hồi lại cánh rừng bị phá”, người dẫn đường nói.
Anh cũng cho biết người dân lo sợ bị sạt lở trong các mùa mưa tiếp theo và thiếu nguồn nước uống trước cảnh rừng bị phá như này.
Ông Bùi Văn Duẩn – hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hướng Hóa – cho hay đơn vị nhận tin báo rừng bị phá vào giữa tháng 6-2024. Qua xác minh, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật lâm nghiệp.
Qua khám nghiệm hiện trường, xác định có 3 khu vực bị phá với tổng diện tích gần 1,55ha, là rừng tự nhiên thứ sinh, rừng gỗ núi đất, lá rộng thường xanh và nửa rụng lá. Ba khu vực bị phá do cộng đồng dân cư thôn Hồ là chủ rừng.
Cả 3 khu vực rừng bị phá nằm gần nhau và giáp ranh với một dự án khai thác, chế biến quặng sắt đang thực hiện ở xã Hướng Sơn.
Quá trình điều tra, Hạt kiểm lâm bước đầu xác định một người tên H. đã thuê 3 cá nhân ở xã Hướng Tân vào phát quang khu vực thực hiện dự án quặng sắt.
Hạt kiểm lâm đã trưng cầu giám định và yêu cầu hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Hướng Hóa xác định giá trị thiệt hại đối với rừng bị phá.
Ngày 14-10, Hạt đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng theo quy định tại khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ kèm đồ vật tạm giữ Công an huyện Hướng Hóa để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền vào ngày 17-10.
Cánh rừng bị phá để lại một khoảng trống hoác, phía còn lại là mảng rừng xanh tốt