Chị L., người chăm sóc bệnh nhi ung thư tại một mái ấm, cảm thấy cạn lời trước trend (xu hướng) “đi khám bệnh phát hiện ung thư” mà nhiều người đang “đu” theo trên TikTok.
Xin hãy để người bệnh được yên
Là người thường xuyên chăm sóc và tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân chẳng may mắc bệnh ung thư trong mái ấm của mình, chị L. cho biết hai tháng vừa qua chị phải trải qua nhiều nỗi buồn, vì có 7 bệnh nhi từng gắn bó với chị đã không qua khỏi.
Vậy nên chị cho rằng cái “trend” lạ lùng này thật bất nhẫn.
Anh L.N.T. ( 35 tuổi, Chợ Mới, An Giang) có người nhà bị ung thư máu lắc đầu: “Bị bệnh khổ dữ lắm chứ vui sướng gì mà khoe? Tôi chăm sóc người thân mà còn cảm nhận được sự đau đớn, quằn quại của người bệnh.
Tôi thấy mấy người khoe bệnh vậy chắc chẳng có bệnh thật, chỉ muốn gây chú ý trên mạng để bán hàng hay sao đó”.
Còn chị N.T.D. (43 tuổi, TP.HCM), đang tích cực điều trị ung thư vú, chia sẻ: “Tôi thường đăng bài cảnh tỉnh các bạn trẻ nên chú ý quan tâm đến sức khỏe của bản thân mình, thường xuyên đi khám bệnh định kỳ, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh…
Còn ai xui rủi bị bệnh thì nên nghe theo bác sĩ điều trị cho mình, đừng uống thuốc bậy bạ trên mạng chỉ, không nên đâu!”.
Nhiều bệnh nhân chẳng may mắc bệnh ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác tâm sự rằng đôi khi cũng bi quan nhưng rồi lại vững lòng, chiến đấu tiếp. Và họ chưa nghĩ đến việc dùng hoàn cảnh của mình, căn bệnh của mình đem lên mạng để câu view, kêu gọi lòng hảo tâm hay bán hàng.
“Những người mang trong mình tật bệnh, tôi tin rằng họ có nỗi đau riêng mà chẳng thể sẻ chia, chẳng muốn ai biết đến. Vậy mà có kẻ lợi dụng nỗi buồn đó làm công cụ tăng tương tác, để nổi tiếng và nhẫn tâm hơn là để kiếm tiền.
Điều đó là vô lương tâm và không thể chấp nhận được.
Lại có người, giả danh tật bệnh để đổi lấy đồng tiền thương hại của người khác. Những người có bệnh khi biết được, họ sẽ rất buồn. Họ chỉ càng thu mình hơn nữa, thậm chí đẩy nỗi khổ thêm trầm kha khó chữa.
Đó là chưa kể có người còn đưa hình ảnh người thân đang phút cận tử lên để gây chú ý. Những giọt nước mắt, cái mếu máo trên video chỉ là vai diễn tồi của lòng hiếu thảo.
Xin hãy để người bệnh được yên. Đừng để các YouTuber, TikToker ấy làm tổn thương thêm bất kỳ người bệnh nào của chúng tôi nữa!” – bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) bày tỏ.
Đừng vội tin lời TikToker, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa
ThS Nguyễn Hùng Trấn (giảng viên Trường đại học Võ Trường Toản) cho hay về góc độ chuyên môn, mỗi loại ung thư cần được đánh giá cẩn thận về tình trạng của tế bào ung thư, bệnh đang ở giai đoạn nào thì sẽ có chiến lược, phác đồ điều trị khác nhau.
Về trend “đi khám bệnh bỗng phát hiện ung thư”, ông Trấn nói: “Trên mạng, TikToker cũng không cung cấp rõ thông tin là họ đang ở giai đoạn nào của ung thư.
Có thể đặt ra ví dụ là TikToker đó đang ở giai đoạn 1, sau khi được điều trị ổn định và khỏi bệnh thì họ nói rằng thực phẩm chức năng mà họ đang quảng cáo hoặc đang bán làm khỏi bệnh.
Vậy là bệnh nhân tin theo, không điều trị theo phác đồ của bác sĩ đưa ra mà đi uống thực phẩm chức năng theo TikToker khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng”.
Bác sĩ Trấn cũng cảnh báo những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc ung thư thì nên đến các cơ sở chuyên khoa để được đánh giá và điều trị kịp thời, không nên nghe theo quảng cáo trên mạng”.
Bên cạnh đó một bác sĩ y học thể thao tại TP.HCM chia sẻ: “Nhiều người dùng mạng xã hội chưa ý thức được hậu quả của việc mang chuyện cá nhân của mình và người khác lên mạng xã hội.
Nói gì thì nói, mắc bệnh tật, nhất là những bệnh nan y, bệnh nhân rất đau buồn. Việc lấy những câu chuyện như vậy nếu để cảnh tỉnh mọi người ở mức độ phù hợp thì chúng ta có thể không quá khắt khe. Nhưng nếu để câu like, câu view thì thật tệ hại”.
Bày tỏ ý kiến, bạn đọc Minh Nguyệt cho rằng: “Chẳng qua những TikToker này đang đánh vào cảm xúc sợ hãi, thương cảm của con người. Khi sợ hãi người ta có xu hướng mua hàng ngay, ít đắn đo, phần lớn vì sợ quyết định không mua lúc đó là sai, hơn là sợ mua rồi mới sai”.
Bạn đọc An hiến kế cách chống lại những trend độc hại trên mạng xã hội: “Thay vì chờ các nền tảng mạng xã hội thay đổi thuật toán thì mỗi cá nhân hãy hành động. Mọi người cứ bỏ qua clip có nội dung xấu, gây tranh cãi, giật gân. Không like, không share, không comment nội dung xấu và bẩn”.