Cô bé ngồi buồn bên cửa lớp và đề văn… đáng sợ nhất

Nguyễn Thị Quỳnh Nga mất bố từ khi còn trong bụng mẹ, sống xa mẹ từ khi chưa cai sữa – Ảnh: VŨ TUẤN

Bà làm… mẹ của đứa cháu không còn cha mẹ 

Nữ tân sinh viên Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Khoa tiếng Đức – Đại học Hà Nội) tiếc đứt ruột khi bà nội phải rao bán mảnh ruộng của gia đình. Tính đến đời Nga, mảnh ruộng ấy đã nuôi sống 5 thế hệ. Bà Nguyễn Thị Xạ, bà nội Nga, cũng chẳng còn cách nào khác.

Nga mất bố từ khi mẹ cô mới mang thai được hơn 1 tuần. Con 1 tuổi, chưa cai sữa, mẹ cô giao cô lại cho bà nội nuôi. Từ ngày ấy, bà nội trở thành mẹ, một mình nuôi cháu. Người bà đã hơn 60 tuổi sống nhờ vào ba sào ruộng và nghề cấy mướn, dọn cỏ thuê.

Bà bán thửa ruộng nuôi cháu học đại học - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Xạ phải bán mảnh ruộng của gia đình nuôi cháu ăn học – Ảnh: VŨ TUẤN

Nhà bà Xạ là một căn nhà cấp bốn nằm sâu trong một con ngõ cuối làng Yên Nội, xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội). Căn nhà được xây từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách. Bà nội của chồng bà Xạ là Mẹ Việt Nam anh hùng. Bố chồng là liệt sĩ, hai vợ chồng bà đều là dân công hỏa tuyến.

Bà Xạ mất chồng lúc 24 tuổi, bà ở vậy một nách hai con. Người con gái lớn đã lấy chồng xa, còn anh con trai đột tử khi vừa cưới vợ được hơn một tháng. Con dâu bà Xạ sinh cháu, nuôi được một năm thì để lại đứa bé cho bà bỏ ra đi. 

Đứa cháu gái chưa cai sữa nửa đêm khóc oe oé rúc vào nách bà tìm sữa. Bà Xạ pha sữa hộp luồn dây vào ngực cho cháu bú. Đứa bé cùi cũi lớn lên từng ngày. Cháu vừa đủ 18 tháng tuổi, bà đã gửi Nga vào mẫu giáo để đi làm mướn.

Bà bán thửa ruộng nuôi cháu học đại học - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Quỳnh Nga 12 năm học sinh giỏi, đỗ Trường Đại học Hà Nội – Ảnh: VŨ TUẤN

Năm nay nhà thiếu gạo ăn

Thấm thoắt đã 18 năm, đứa cháu gái năm nào cũng được học sinh giỏi. Năm nay Nga đỗ đại học, ngành tiếng Đức. Các khoản phải nộp khi nhập học lên tới hơn 18 triệu đồng, số tiền có nằm mơ bà Xạ cũng chưa mơ thấy bao giờ. Tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá hơn cái quạt điện, bà Xạ rao bán ruộng để có tiền cho cháu ăn học.

Bà bán thửa ruộng nuôi cháu học đại học - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Xạ mất chồng, mất con, một mình làm ruộng, làm thuê nuôi cháu – Ảnh: VŨ TUẤN

Nhà bà Xạ có ba mảnh ruộng, mỗi mảnh được một sào (360m2). Vụ nào chăm tốt, được mùa, nhà bà Xạ thu được hơn ba tạ thóc. Trừ chi phí thuê cày ruộng, gặt hái, thuốc sâu, bắt chuột, số thóc bà thu được đủ cho hai bà cháu và hơn chục con gà ăn quanh năm.

Vụ vừa rồi lũ về đúng thời lúa đang trổ đòng, lúa gặt về tuốt ra toàn vỏ trấu lép kẹp. Ba sào ruộng, hai bà cháu đóng vừa hai cái tải dứa nhỏ, tính ra được dăm chục cân. “Năm nay nhà thiếu gạo – bà Xạ thở dài – Một bên mắt của tôi bị viêm giác mạc, đã thành sẹo rồi. Bác sĩ bảo phải mổ nhưng tôi chưa mổ, để dành tiền cho cháu đi học đã”.

Câu chuyện bên cửa lớp và đề văn… đáng sợ nhất

“Ngày còn bé, lớp học của tôi có một cái cửa duy nhất – Nga kể – Khi tan học, cô giáo thường ngồi ở bên cửa ấy. Bạn nào có bố, mẹ đến đón thì cô cho các bạn ra về với bố mẹ. Còn tôi hôm nào cũng ngồi bên cạnh cửa đến cuối cùng. Tôi cũng ước được như các bạn có bố mẹ đón về. Bà tôi còn đi làm thuê, chiều muộn mới đón được tôi”. 

Nga kể, hai hàng nước mắt lăn dài.

Cứ nhắc đến hai chữ “bố – mẹ”, hai mắt kính cận của cô bé Nguyễn Thị Quỳnh Nga lại nhòe vì nước mắt. Nga có 12 năm là học sinh giỏi. Cô cũng là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi môn văn học của Trường trung học phổ thông Quốc Oai.

Nga nhớ như in đề văn khó nhất thời đi học của mình đó chính là đề văn tả về bố mẹ. 

Bà bán thửa ruộng nuôi cháu học đại học - Ảnh 5.

Đề văn khó nhất với Nga là đề văn tả bố, mẹ, bữa cơm gia đình – Ảnh: VŨ TUẤN

Khó quá vì Nga chưa bao giờ được thấy bố. Hình ảnh duy nhất Nga có thể mường tượng ra là một bức ảnh nhỏ bằng lòng bàn tay, nhòe nhoẹt vì năm tháng chụp chung với gia đình. Lúc đó bố cô còn niên thiếu.

Ước mơ có một lần được đến trường trong cái dắt tay ấm áp, an toàn như bố mẹ chúng bạn Nga không bao giờ có được. Nga còn ước được một lần bố mắng, được mẹ dạy dỗ, chỉ bảo nhưng ngay cả một câu nói cũng chỉ có trong tưởng tượng của cô.

“Vì nghĩa vụ là học sinh, tôi vẫn hoàn thành bài tập – Nga sụt sùi khóc – Nhưng mỗi lần nộp bài, tôi cảm thấy tự ti với bài viết của mình. Tôi không biết là các thầy cô khi đọc thì các thầy cô sẽ nghĩ gì. Tôi không có bố mà phải tả bố. Tôi không biết các thầy cô có nghĩ là mình nói dối không. Tôi chỉ tưởng tượng ra rồi tả thôi”.

Đậu vào Đại học Hà Nội: học để không thành gánh nặng cho người khác 

Ngày bé, cũng có lần Nga hỏi bà: “Mẹ con đâu?”. Bà Xạ ngập ngừng rồi suýt bật khóc trước mặt cháu. Bà không trách gì con dâu, cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ của bà đã quá khổ. Bà không muốn có thêm một người phụ nữ khổ như bà.

Bà bán thửa ruộng nuôi cháu học đại học - Ảnh 6.

Nga là niềm an ủi duy nhất của bà Xạ, bà lại là động lực để Nga quyết tâm học tập – Ảnh: VŨ TUẤN

Hoạ hoằn lắm Nga mới gặp mẹ một lần, thường vào dịp gần tết. Mẹ cô đã có gia đình mới ở Hải Dương, có bốn người con và vẫn nghèo. “Tôi không muốn trở thành gánh nặng của mẹ – Nga tâm sự – Tôi thương bà và phải quyết tâm học sau này mới phụng dưỡng được bà”.

Nga cũng từng đắn đo cho việc chọn đi làm công nhân để đỡ đần bà, học nghề hay tiếp tục học đại học. Mỗi lần nhìn dáng lưng còng của bà trước sân, Nga lại quyết tâm học đại học.

“Với kết quả thi của mình, tôi thấy có nhiều lựa chọn tốt hơn. Nếu tôi đi làm, hay đi học nghề thì chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, còn lâu dài tôi phải học tiếp để con đường tương lai rộng mở hơn. Lúc đó tôi mới lo được cho cuộc sống của mình và của bà”, Nga khẳng định.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ

Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.

Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.

Cô gái mót rau con người bán ve chai ở Đà Lạt vào đại học - Ảnh 5.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *