Cô gái vừa trúng tuyển và nhập học vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phân hiệu tỉnh Long An.
Một tháng sau khi nhập học, cuối tuần dù mưa hay nắng cô cũng ngồi xe hai chặng, hơn 2 tiếng từ Long An về TP.HCM để phụ giúp mẹ chăm bà ngoại đau ốm.
Con mồ côi cha, mẹ thành người làm thuê “đa lĩnh vực”
Hồi nhỏ, gia đình Y Y sống ở quê Chợ Mới, An Giang. Khi cô học tiểu học, một ngày ba đang đi bán trái cây dạo thì bị tai nạn. Rồi ba phải chạy thận. Mẹ lo chạy vạy chạy chữa cho ba. Không đầy hai năm, mấy mẹ con rơi vào tuyệt vọng khi người đàn ông trụ cột chính trong nhà mãi mãi ra đi.
Ở quê cuộc sống quá ngặt, chị Huỳnh Ngọc Linh (44 tuổi, mẹ của Y) dẫn con gái và con trai út khi đó mới hơn 2 tuổi, cùng bà ngoại Y lên TP.HCM.
Họ trải qua mấy chỗ trọ, nương nhau mà sống, may mà người chủ hiện nay tốt bụng bớt giá phòng chút đỉnh, còn 3 triệu đồng/tháng.
Mỗi sáng chị Linh dậy từ 4h. Mọi khoản trong nhà một tay chị lo, dù bị đứt dây chằng, thoái hóa khớp nhưng không ngơi nghỉ ngày nào.
Trước dịch COVID-19, chị Linh tích cóp thuê sạp nhỏ bán trái cây. Nghề tay trái là giúp việc nhà, được 50.000 đồng/giờ nhưng ít người thuê.
“Hôm nào có người kêu, tôi chạy xe ôm đưa con họ đi học giúp, mỗi lần cỡ 20.000 đồng. Tôi mua giấy bóng để sẵn, ai gọi là ra gói hoa, gói quà thuê. Rồi nhổ tóc bạc cho mấy cô lớn tuổi kiếm chút tiền”, chị trải lòng.
Y Y luôn giúp mẹ phụ việc nhà, chăm bà ngoại. Cô tìm việc làm từ khi học THCS để kiếm chút tiền giúp mẹ – Thực hiện: NGỌC SANG – NHÃ CHÂN – DIỄM HƯỜNG – TÔN VŨ
Thử thức ăn ở hội thảo: “Có khi đau bụng nhưng ráng kiếm tiền”
Năm lớp 9, Y định nghỉ học hoặc đi học nghề. “Mình phân vân học hay nghỉ. Lúc đó dịch bùng phát. Nhà không có gì để ăn cả. Mình suy nghĩ rất nhiều, nếu đi học thì chi phí lớn mẹ phải chi trả. Nếu nghỉ, mình có thể phụ mẹ kiếm tiền”.
Chị Linh động viên con học tiếp. Chỉ có học thì sau này mới không phải vất vả như mẹ. Chị tâm sự: “Bé Y hiểu chuyện, ngoan ngoãn, học giỏi, biết đỡ đần mẹ. Tôi chỉ mong con học thành tài”.
Từ THCS đến giờ, Y đã làm thêm đủ thứ kiếm tiền phụ mẹ mua gạo, sách vở
Cô còn đến cả các hội thảo về đồ ăn, sữa… cho tuổi vị thành niên để kiếm tiền.
“Tôi ăn thử các món và đưa ra nhận xét cho nhãn hàng, được trả 70.000 đồng/lần. Nhiều hôm bị đau bụng nhưng không dám kêu, tôi rất ham muốn kiếm tiền giúp đỡ mẹ”.
Hôm nào về tới nhà cũng tối muộn, cô bé phụ dọn dẹp nhà cửa, chăm em và tranh thủ học bài.
Hè Y Y phụ quán cà phê được 18.000 đồng/giờ. “Tôi kiếm nơi làm sáng tới chiều để tiền công nhiều chút. Tiền đó tôi đưa mẹ mua gạo, dành dụm mua đồng phục và đồ dùng học tập”, Y nói.
Cô ngại ngùng kể, mình còn chép vở giùm bạn, mỗi trang được 3.000 đồng.
Y luôn trong top 3 của lớp thời phổ thông. Lý do trực tiếp là: “Top 3 được thưởng tập nhiều hơn, đỡ tiền mua. Sách giáo khoa tôi thường xin lại của anh chị lớp trên”.
Thích làm cô giáo tiểu học, dù đường đi gập ghềnh
Khoảng thời gian trước, Y tự tìm hiểu các chuyên ngành, học phí các trường, nơi nào đắt đỏ, nơi nào rẻ. Y đậu xét tuyển sớm 7 trường. Cô chọn học sư phạm vì học phí rẻ hơn cả, và thích làm cô giáo.
Từ điểm xét tuyển học bạ môn lý, hóa kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường môn toán, Y vào học phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ở Long An.
“Tôi mong ước thành cô giáo dạy chữ cho các bạn nhỏ, cũng như sau này có nghề nghiệp ổn định lo cho mẹ, cho bà”, cô nói.
Khung trời đại học mở tương lai, nhưng cũng mở ra một hành trình dài không chỉ về khoảng cách nơi học, mà còn đòi hỏi ý chí bền bỉ khi trong túi Y chỉ có chút tiền tiêu vặt.
Ở phòng trọ bên hông chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) của gia đình Y không có gì quý giá ngoài chiếc tủ lạnh, những chồng sách vở và xấp giấy khen. Nơi bếp là thùng mì gói. Y hớn hở khoe hai quyển sách chuyên ngành mua từ tiền làm thêm ít ỏi.
Em trai cô học lớp 7, tăng động nhẹ, học giỏi và mang kính dày giống chị. Khi chị hai nói chuyện, em chăm chú nghe. Người mới gặp có lẽ cảm nhận em trai nhiều khi nói chuyện không có đầu đuôi, nhưng Y luôn nhẹ nhàng với em, hỏi “Út có đói bụng không?”, “Đã tắm chưa?”…
Bên ngoài, bóng tối dần phủ. Bữa cơm chỉ có rau sống, dưa leo và nồi thịt kho ba ngày nay. Khi quá bận bịu hoặc kẹt tiền, cả nhà ăn mì gói.
Y thắp nén nhang và đặt bịch bánh lên bàn thờ ba. Phòng chật nên bàn thờ bày tạm trên đầu tủ lạnh. Đôi mắt hiền từ trong di ảnh như muốn nhắn gửi con gái cố gắng lên, ba không còn trên đời làm bờ vai cho con nhưng sẽ dõi theo bước đường con đi.
Giọng Y quyết tâm: “Nếu nhận được học bổng của báo Tuổi Trẻ, tôi sẽ dùng đóng học phí và đưa ngoại mua thuốc…”.
Nghe Y Y vào đại học, cô Phan Thị Bích Ngọc (giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập, TP.HCM) rất mừng: “Những cố gắng của em đã ra quả ngọt. Con đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng với quyết tâm và đam mê, em sẽ vượt qua để trở thành cô giáo tốt nhất”.
Dạy Y môn vật lý từ năm lớp 6, thế nhưng nhắc tên Y là cô nhớ ngay. Do biết hoàn cảnh, cô thường động viên, quan tâm Y. Cô cũng dạy em trai Y. Cô kể Y trước đây rụt rè, có lẽ do tự ti hoàn cảnh.
Cô hỏi han chia sẻ thì cô học trò nhỏ bắt đầu hoạt bát hơn. “Thương lắm, dù khó khăn mà Tết em Y Y cũng ráng mang qua tặng tôi cặp dưa hấu. Em hiền lắm, nên thật sự học ĐH Sư phạm rất hợp với Y”, cô bày tỏ.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.