Các start-up được hội đồng chuyên môn đánh giá cao ý tưởng khởi nghiệp gắn với phát triển bền vững.
Khởi nghiệp tiên phong với công nghệ vật liệu
Là một trong những start-up tiềm năng về khởi nghiệp xanh, BUYO Bioplastic cung cấp giải pháp nhựa sinh học 100% từ thiên nhiên, bao gồm túi, hộp đựng thực phẩm, dao, muỗng, và các sản phẩm khác thay thế cho nhựa thông thường.
Các sản phẩm này có khả năng phân hủy sinh học, sử dụng công nghệ độc quyền tiên tiến để chuyển đổi chất thải sinh học và vật liệu có nguồn gốc thực vật thành nhựa.
Trả lời câu hỏi về sự khác biệt từ ông Trần Hùng Huy – chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), anh Hoàng Công Khanh – quản ký kinh doanh – cho biết các sản phẩm của BUYO Bioplastic được làm từ bã hữu cơ, không sử dụng tinh bột, chất hóa học, không gây ảnh hưởng an ninh lương thực.
Công nghệ hoàn toàn được tạo ra bởi người Việt với máy móc, dây chuyền hiện đại, mức giá có thể cạnh tranh với những vật liệu có thể thay thế nhựa sinh học thông thường như bã mía, giấy. “Công ty đang mở rộng sản xuất để giảm giá thành”, anh Khanh nói.
Với câu hỏi vì sao chọn mô hình kinh doanh phục vụ cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân, thay vì tập trung vào một phân khúc khách hàng, anh Khanh cho biết BUYO định vị mình là công ty công nghệ, tập trung sản xuất vật liệu hạt nhựa.
Do đó hiện start-up này phải làm song song để chứng minh năng lực, từ đó có thể dễ dàng đón nhận sự tin dùng từ khách hàng thay vì chỉ cung cấp hạt nhựa cho các doanh nghiệp sản xuất.
Tương tự, chị Bùi Phương Thảo – giám đốc phát triển bền vững của AirX Carbon – cũng chia sẻ về việc chọn tiên phong khởi nghiệp sử dụng phế phẩm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, đó là pallet làm từ phế phẩm nông nghiệp như xơ dừa, vỏ trấu, vỏ cà phê, thay vì chặt cây làm pallet gỗ.
Đồng thời hướng đến tầm nhìn là giải pháp thay thế bền vững cho ngành công nghiệp logistics, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Công ty hiện có doanh thu 2 tỉ đồng, đang sản xuất hơn 18.000 tấm pallet mỗi tháng, dự kiến đạt 50% công suất sẽ có lời. Công ty cũng đang có hợp đồng dài hạn với khách hàng là những tập đoàn FDI.
Trả lời câu hỏi từ ban giám khảo, đại diện AirX Carbon cho biết khi nghiên cứu và bắt tay làm đã nghĩ đến chuyện có lúc bị các đối thủ cạnh tranh copy cách làm. Tuy vậy, công ty tự tin có đội ngũ sáng tạo độc quyền và sắp có bằng sáng chế.
Với nguyên liệu đầu vào, AirX Carbon ký kết hợp đồng lâu dài với các HTX, mua xơ dừa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra cũng nhận thu gom và bao tiêu vỏ cà phê, vỏ ca cao của một công ty xuất khẩu lớn ở Tây Nguyên. Hiện tại các sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai nhận định start-up nên nghĩ lớn hơn về mô hình kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị, chủ động nguồn nguyên liệu trong chuỗi cung ứng để giảm chi phí đầu vào, cũng như nên chia sẻ lợi ích cho các HTX, nhà cung ứng nguyên liệu cho mình.
Phát triển bền vững từ nông nghiệp xanh
Là một trong những start-up khởi nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, SATY Rice Farms thuộc Công ty SATY Holdings là mô hình áp dụng toàn bộ công nghệ, thiết bị thông minh, giải pháp chuyển đổi số toàn diện trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải.
Cùng với đó là phát triển nền tảng tính toán tự động tín chỉ carbon trong nông nghiệp.
Đứng trước câu hỏi của ông Phạm Phú Ngọc Trai về nguồn thu nhập để duy trì mô hình kinh doanh, anh Nguyễn Thái Việt Huy – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc – cho hay công ty có nguồn thu nhập từ việc bán thiết bị IoT trên đồng ruộng, giá 8 – 10 triệu đồng/mô hình, mức giá này dễ chịu hơn so với một số loại đang bán trên thị trường có giá từ 15 triệu đồng trở lên.
SATY không phải bán gạo mà là có cách làm mới về nông nghiệp, hướng đến bền vững, ứng dụng công nghệ, tín chỉ carbon sau này. Trong đó SATY Rice Farms là làm cánh đồng gạo theo kiểu mới, ứng dụng quy trình 145 của Bộ NN&PTNT, kết hợp công nghệ của SATY.
Với câu hỏi từ ông Don Lâm – tổng giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital – đại diện SATY bày tỏ mình không phải công ty chứng nhận carbon hoặc bán tín chỉ carbon, mà là hỗ trợ người làm lúa tổ chức làm ra carbon.
Theo đó, start-up này sẽ ghi nhận dữ liệu để người nông dân nếu muốn tính toán, làm chứng nhận chứng chỉ carbon thì có thể liên kết với start-up này, từ đó có thể cùng chia sẻ lợi nhuận.
Từ Cà Mau đến tham dự chương trình, anh Huỳnh Công Tấn – CEO Wesolife – nói rằng xuất phát từ trách nhiệm với con người và môi trường, Wesolife đã biến ý tưởng thành hành động khi chế tạo thành công thiết bị khử trùng nước bằng phương pháp điện hóa.
Thiết bị này thay thế cho clo bột truyền thống nhằm khử trùng nước trong nuôi tôm, thủy hải sản, đồng thời giúp giảm phát thải nhựa.
Doanh nghiệp còn có sản phẩm khác là OxyBoost và nền tảng WioT tự động hóa trong vận hành sản xuất.
Giá bán máy khử trùng được cho là khá cao (60 triệu đồng/máy) nên doanh nghiệp chủ yếu cho nông dân thuê để người dùng trải nghiệm và thấy được tính hiệu quả.
Bước đầu, sản phẩm được chuyên gia đánh giá cao, dễ tiếp cận nông dân và đến tay người tiêu dùng ở Cà Mau khá tốt. “Chúng tôi cũng đang theo đuổi tính bền vững, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng”, anh nhận định.
Đánh giá cao về ý tưởng nhân văn của Wesolife, các chuyên gia cũng cho lời khuyên về việc thực hiện sứ mệnh một cách bền vững, kiên trì theo đuổi việc phát triển công nghệ giúp bà con nông dân, cũng như nuôi dưỡng được đội ngũ.
Là một trong những gương mặt trẻ nhất tham dự Coffee Talk của Tuổi Trẻ Start-up Award, anh Trần Tiến Khải – 26 tuổi, CEO của TTK Global Ventures – chia sẻ anh định vị TTK là “doanh nghiệp lo cho đầu ra của tất cả các sản phẩm Việt Nam”.
Theo anh, Việt Nam có nhiều dòng sản phẩm có chất lượng tốt nhưng vấn đề là làm sao chứng minh được điều này với khách hàng quốc tế và tiếp cận với khách hàng quốc tế.
TTK ra đời để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, từ đó có cơ hội tiếp cận với hàng triệu khách hàng quốc tế. Hiện công ty này cũng là đối tác cung cấp dịch vụ của Amazon.
Công bố Top 20 start-up chung cuộc Tuổi Trẻ Start-up Award 2024
Top 20 được chọn dựa trên các tiêu chí đã thống nhất: Yếu tố môi trường – xã hội; Tính đổi mới, sáng tạo của start-up; Hiệu quả doanh số; Giá trị đóng góp cho cộng đồng; Khả năng nhân rộng mô hình và huy động vốn.
Danh sách Top 20 start-up gồm:
– SATY Rice Farms
– Nền tảng liên kết nông nghiệp HUB
– EcoTruck
– VOX Cool
– À Ơi Concept
– AirX Carbon
– Công ty TNHH tái chế cà phê Lộc Nhân
– Plastic Brick
– TTK Global Ventures
– Green Future
– BUYO Bioplastics
– The Greenmart Vietnam
– GypFoam
– ECOFA
– Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh Dsinh
– ActiUp.net
– Wesolife
– SiGen
– Solano Energy
– MediExpress Việt Nam