Hiện chúng tôi là các cháu ruột đang chăm lo cho bác. Tôi muốn hỏi các thủ tục để có thể làm người giám hộ cho bác: nhận bảo trợ, đứng tên tài sản, chăm lo cho bác bây giờ và cúng viếng sau này khi bác mất. Vậy phải cần làm thủ tục gì, gửi về đâu?
– Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Căn cứ quy định tại khoản 1 điều 47 Bộ luật Dân sự 2015 thì một người được người khác giám hộ khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Người được giám hộ
1. Người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ.
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.
c) Người mất năng lực hành vi dân sự.
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Theo thông tin bạn trình bày, bác của bạn bị tâm thần hơn 30 năm nay. Trên cơ sở đó bác của bạn có thể thuộc trường hợp “người được giám hộ” quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản 1 điều 47 Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên để xem xét một người là mất năng lực hành vi dân sự hay là người có khó khăn về nhận thức, làm chủ hành vi cần phải căn cứ vào khoản 1, điều 22 Bộ luật Dân sự 2015: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”.
Theo đó để có căn cứ xác nhận bác của bạn là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn về nhận thức, trước tiên bạn cần phải nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (khoản 1 điều 27 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015).
Ngoài ra, theo quy định pháp luật, bác của bạn phải có người giám hộ đương nhiên nhưng hiện tại bác của bạn không còn người giám hộ đương nhiên do ba, mẹ, vợ của bác đã mất, bác có 1 người con nuôi cũng bị tâm thần hiện không biết ở đâu.
Do đó căn cứ điều 54 Bộ luật Dân sự 2015, bác của bạn cần được chỉ định người giám hộ khác. Kèm theo đó, điều kiện để trở thành người giám hộ được quy định tại điều 49 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
4. Không phải là người bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Như vậy trong trường hợp bạn muốn làm giám hộ, phải liên hệ với UBND cấp xã nơi bạn cư trú để cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan (trong đó bao gồm quyết định của tòa án về việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi) và đề nghị UBND chỉ định bạn làm người giám hộ cho bác của bạn.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].