Bám rễ mạng xã hội, thâu đêm săn sale, trend nào cũng theo

Cuộc sống nhiều người trẻ gắn chặt với thế giới mạng – Ảnh minh họa: DIỆU QUÍ

Mới đây trong phiên thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Bùi Hoài Sơn – ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – nhận định Việt Nam đang chứng kiến “hiện tượng nhập siêu văn hóa” và bị ảnh hưởng tiêu cực từ các bộ phim, bài hát, lối sống.

“Nhiều người cay đắng nói rằng người Việt đang ở đây nhưng tâm hồn, tinh thần đã vượt biên, bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok hết rồi”, ông Sơn nói.

Thực tế không khó để thấy nhiều người Việt gần như bám rễ với mạng xã hội, đu trend (xu hướng), thâu đêm săn sale…

Mua sắm, giải trí, làm việc… theo TikTok 

Minh Thư (26 tuổi, sống ở quận 7, TP.HCM) cho biết cuộc sống của cô gần như xoay quanh mạng xã hội, kể cả lúc giải trí, mua sắm hay làm việc.

Sống trong thế giới hội nhập, ngoài thời gian làm việc, Thư hay lướt mạng Facebook, Instagram, TikTok, Threads… để cập nhật tin tức, xu hướng mới. Đối với mua sắm, Thư là fan ruột của một số sàn thương mại điện tử.

“Gần như không có trend nào tôi bỏ qua, chỉ một số ít thấy không hứng thú ngay từ đầu”, cô gái làm việc trong ngành thẩm mỹ nói. 

Thư kể mình theo khá nhiều dạng trend như ngôn ngữ mới của Gen Z, xu hướng làm đẹp mới, thức đêm săn sale hay “cày” bộ phim đang hot.

Hai tháng trước, Thư bỏ ra 3 triệu đồng đặt mua hộp đồ chơi labubu (loại labubu yoga) về… ngắm, gần đây lại có ý định tham gia xé túi mù. 

Trước đó, cô nàng mua gấu bông chuột lang nước Capybara và áo in hình khi loài vật này đang hot. Thư cũng xếp hàng, chen lấn, hay đặt mua một số món hot trend khi đó như bánh custard, bánh đồng xu, gỏi gà măng cụt, trà sữa đất nung, trà chanh giã tay…

Phương Anh (chuyên viên truyền thông, ở TP Thủ Đức) cũng từng tham gia một vài trend ngắn hạn như xếp hàng chờ mua bánh đồng xu. Ngoài ra, cô là một trong những tín đồ của thương mại điện tử khi thường xuyên xem livestream để mua hàng giảm giá.

“Hệ lụy của việc xem Mega live này là chỉ định mua dưỡng da nhưng xem livestream xong lại chốt luôn kem nền dù ở nhà vẫn còn vì giá rẻ hơn nhiều so với bình thường. Những ngày có khuyến mãi lớn, tôi cũng ráng thức thâu đêm để mua cho rẻ”, Phương Anh cho biết.

Theo chuyên gia truyền thông Lê Anh Tú – CEO iGem Agency, người trẻ hiện nay thường có xu hướng tham gia các nền tảng mạng xã hội cũng như thương mại điện tử nhiều hơn. Không riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng tương tự.

Mạng xã hội, thương mại điện tử, các nền tảng online… kết nối với nhau khá chặt chẽ. Do đó có thể dễ dàng nhìn thấy chuyện shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí – PV). Ví dụ mua hàng trên TikTok Shop (vừa là mạng xã hội vừa là thương mại điện tử) hay gần đây YouTube và Shoppe cũng kết hợp nhau…

“Mọi thứ gần như kết nối, dễ dàng cho quá trình vừa giải trí, vừa mua sắm online của khách hàng. Chưa kể, có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đa dạng mặt hàng cho khách săn sale, hay một số trào lưu ngắn hạn mà chúng ta đã thấy thời gian vừa qua. Những thứ này khiến nhiều người trẻ bị cuốn vào và dễ chịu chi hơn”, ông Tú cho hay.

Hệ lụy khi ăn, ngủ với mạng xã hội 

Việc giới trẻ hòa nhập vào mạng xã hội, thương mại điện tử cũng có mặt tốt nếu biết cập nhật xu hướng mới, chọn lựa tiếp nhận thông tin phù hợp.

Song nhiều người cũng bày tỏ lo ngại việc các bạn trẻ “ăn ngủ” cùng mạng xã hội, trở thành con nghiện mua sắm, thích “đu” trend.

Theo chuyên gia, nếu sa vào giải trí trên mạng xã hội hay mua sắm online quá đà, lâu dần chúng ta dễ bị chi phối tinh thần, xa rời thế giới thực. Chưa kể mất thời gian, sức khỏe, tiền bạc, ảnh hưởng năng suất học tập, làm việc. 

Một số trường hợp còn gặp hệ lụy phiền phức như lừa đảo, mua hàng kém chất lượng…

Minh Thư thừa nhận một số thứ sau khi mua về thấy không đúng mẫu mã, đồ ăn chẳng có gì đặc biệt. Có món hàng sử dụng thời gian ngắn thì không còn hứng thú hoặc hư hỏng khiến cô cảm thấy mệt mỏi, tốn tiền.

Cũng không ít lần, cô bị ám ảnh đến mất ngủ khi vô tình lướt mạng thấy một số bài đăng về những hình ảnh tang thương, kinh dị hoặc không đúng sự thật chỉ để câu view.

“Tôi thật sự ăn ngủ với mạng xã hội”, Thư tự nhận. Tuy vậy, cô cũng lo sợ bỏ lỡ xu hướng mới, lạc hậu so với bạn bè hoặc khó duy trì cuộc trò chuyện với người khác nếu chẳng biết gì. 

Trong khi đó, theo Phương Anh, nếu săn sale hợp lý, mua sắm trong khả năng tài chính và nhu cầu của bản thân thì đây lại là cách tiết kiệm chi phí. 

“Nhưng nếu không kiềm chế được, mua linh tinh, mua theo trend thì vô tình khiến mình tốn nhiều tiền hơn vì mua mà không dùng đến”, Phương Anh nói.

Phương Anh kể thêm từng có thói quen xem review (đánh giá) quán xá trên mạng, nhưng khi đến ăn thì thực tế khác xa những gì được “tung hô”. Do đó, cô cũng từ bỏ việc đi ăn theo lời giới thiệu của người đánh giá.

Theo chuyên gia Anh Tú, người trẻ nên học cách cân bằng, phân phối hợp lý giữa cuộc sống thực và online. Đừng để chìm quá sâu vào những thứ chỉ mang tính giải trí hoặc không có giá trị lâu dài. 

Để làm được điều này, đòi hỏi nỗ lực muốn thay đổi, dần tách mình ra khỏi thế giới ảo để có cái nhìn thực tế.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *