Hình thức đầu tư góp vốn, hợp đồng vay cam kết lãi suất cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro mất trắng đối với nhà đầu tư.
Đang hoạt động tưng bừng, bỗng nhiên biến mất
Việc khách hàng kéo đến bao vây trụ sở của Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư GFDI ở Đà Nẵng khi hay tin công ty này mất khả năng chi trả lãi suất là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều nhà đầu tư. Hàng trăm khách hàng cho công ty này vay với lãi suất rất cao đang đứng trước nguy cơ mất cả chì lẫn chài khi doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ bị vỡ nợ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay có rất nhiều công ty sử dụng các hình thức huy động vốn như: hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng cho vay, hợp đồng đầu tư cam kết lợi nhuận, đầu tư ủy nhiệm… Với chiêu trò đầu tư “lãi suất khủng”, nhiều công ty đã huy động được số tiền lớn từ người dân.
Ông N.H.D., khách hàng của Công ty GFDI, cho biết trong một lần ngồi cà phê, ông được nhân viên của công ty này tư vấn đầu tư với cam kết lãi suất cao.
Hợp đồng vay tài sản được ký có nội dung về số tiền cho vay và số tiền hoàn trả vào thời điểm cụ thể.
Từ thời điểm năm 2021 ông D. đã mang số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng 200 triệu đồng của gia đình mình gửi vào công ty với lãi suất tương đương 3% mỗi tháng với “Hợp đồng vay tài sản” kéo dài ba tháng.
Sau nhiều lần được trả lãi đúng hạn, ông D. rất tin tưởng và liên tục làm các hợp đồng mới để cho công ty này vay với lãi suất từ 3 – 3,5% mỗi tháng tùy thời hạn hợp đồng.
Thậm chí trường hợp ông D. giới thiệu người cùng cho vay sẽ được công ty trả mức lãi suất ưu đãi cao hơn mức trên. Ông D. đã vay mượn nhiều người đồng thời giới thiệu nhiều người thân, bạn bè cùng làm hợp đồng vay tài sản với công ty này.
“Tôi mới đáo hạn cho công ty vay hơn tỉ đồng hồi tháng trước với hợp đồng ba tháng. Giờ nghe công ty mất khả năng chi trả không liên lạc được với tổng giám đốc và các nhân viên nên tôi kéo đến trụ sở dù không biết kêu ai”, ông D. nói.
Ngụy trang tinh vi
Thời gian qua nhiều bạn đọc phản ánh với báo Tuổi Trẻ rằng hiện có nhiều công ty dùng hình thức trả lãi suất cao để huy động vốn, đồng thời dùng chiêu trò khuyến mãi lãi suất để kêu gọi khách hàng giới thiệu người cùng góp vốn.
Chị L.T.K.D. (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết vừa tất toán “hợp đồng góp vốn” với Công ty TNHH đầu tư thương mại N.V.C. (tên công ty viết tắt) với lãi suất 10,5% cho hợp đồng ba tháng với số tiền 150 triệu đồng.
Chị D. cho biết được nhân viên công ty này tư vấn góp vốn vào công ty với ngành nghề mang lại lợi nhuận chính là chứng khoán. Ngoài ra chị cũng được mời tới công ty để giới thiệu hoạt động kinh doanh lĩnh vực sản xuất thực phẩm sạch.
“Lúc đấy họ chi trả lãi suất cao mà lại trả ngay lãi suất 3,5%/tháng khi tôi vừa ký hợp đồng nên thấy ham lắm. Lại được công ty cam kết bảo đảm an toàn vốn 100% và chịu trách nhiệm về những rủi ro đầu tư, ngoại trừ các rủi ro liên quan đến tranh chấp thừa kế, ly hôn, tranh chấp tài sản về kinh doanh nên ham lắm. Thấy cam kết ngon ăn tôi ký ngay”, chị D. kể.
Chị D. kể sau khi về nhà, chị rủ rê nhiều anh chị trong nhà cùng góp vốn tuy nhiên một người anh làm ở ngân hàng đã tra ra các dữ liệu bất ổn của công ty này nên khi vừa hết thời hạn hợp đồng chị đã rút tiền ngay.
Chị D. cho biết dấu hiệu bất ổn của công ty là việc đổi tên công ty liên tục, chỉ trong hai năm mà vốn điều lệ từ vài trăm triệu đã tăng hàng trăm tỉ đồng là bất ổn. Trong khi đó giám đốc và các nhân viên ở đây quá trẻ khiến tôi giật mình không biết họ làm gì mà lãi mau như vậy.
Một giảng viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng (không muốn nêu tên) cho rằng các hình thức “hợp đồng góp vốn đầu tư”, “hợp đồng cho vay”, “hợp đồng đầu tư cam kết lợi nhuận” là những hoạt động huy động vốn được ngụy trang tinh vi với nhiều nguy cơ.
Do vậy người cho vay/góp vốn cần nắm vững nguyên tắc đầu tư lợi nhuận song hành với rủi ro. Lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn.
Do vậy khi cho vay với lãi suất cao hơn ngân hàng thì cần đặt nghi vấn. Đặc biệt, đối với những hợp đồng cho vay cao bất thường cần tìm hiểu rõ hoạt động đầu tư, kinh doanh của những công ty, tổ chức huy động vốn.
“Nhà đầu tư phải hiểu rằng nếu lãi suất làm ra mà cao như vậy, mô hình kinh doanh chắc ăn như vậy thì tại sao công ty không đi huy động từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng mà lại đi mồi chài người dân. Cần cảnh giác vì rất có thể đó là mô hình huy động vốn theo kiểu đa cấp.
Tức lấy tiền gửi của người sau trả lãi suất cao cho người trước. Mô hình dụ được người góp vốn là bởi vẫn có một số người đầu tư sớm được nhận gốc và lãi đúng hẹn. Nhưng những người sau cùng thì sẽ ôm thiệt hại khi tiền huy động từ người sau không trả nổi cho người trước, công ty vỡ nợ”, giảng viên này nói.
Coi chừng tiến thoái lưỡng nan
Theo luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn luật sư Đà Nẵng) khi cho vay lãi suất cao nhiều khách hàng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Vừa bị mất tiền nhưng cũng không dám tố giác tội phạm do lo sợ về việc bị truy cứu về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo luật sư này, điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được cấu thành bởi hai hành vi đặc trưng sau. Thứ nhất cho vay với lãi suất 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, tức là cho vay với lãi suất 100%/năm trở lên (mức trần lãi suất theo Bộ luật Dân sự hiện nay là 20%/năm).
Thứ hai thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
“Thu lợi bất chính là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất 20%/năm và các khoản thu trái pháp luật khác. Thiếu một trong hai hành vi nêu trên thì không cấu thành tội cho vay lãi nặng. Ví dụ lãi suất chưa đến 100%/năm hoặc thu lợi bất chính chưa đến 30 triệu đồng (trừ trường hợp đã bị xử phạt hành chính trước đó) thì không cấu thành tội phạm”, luật sư Tín phân tích thêm.