Khổ với kiểm định chất lượng giáo dục

Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM) khảo sát chương trình đào tạo tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM – Ảnh: N.T

Ngoài kiểm định lớn 5 năm một lần, các trường còn phải thực hiện tự đánh giá giữa kỳ, đánh giá hằng năm, rồi hết kiểm định cơ sở giáo dục đến kiểm định chương trình đào tạo…

Điều quan trọng nhất của kiểm định là những góp ý, lời khuyên của các chuyên gia. Họ độc lập nên góp ý thẳng thắn và thoải mái chứ không có cảm giác như bị thanh tra! Việc kiểm định theo chuẩn khu vực và quốc tế giúp chương trình của trường tiệm cận với chuẩn khu vực và người học được thừa nhận khi ra quốc tế.

Ông NGUYỄN ĐỨC TRUNG (hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM)

“Sợ hãi”

Nói về việc kiểm định, anh V. – giảng viên một trường đại học công lập tại TP.HCM – gói gọn hai chữ “sợ hãi”. Theo giảng viên này, các chương trình lần đầu kiểm định, giảng viên viết báo cáo rất mệt mỏi.

“Một phần vì giảng viên chưa có kinh nghiệm, làm không đúng các mẫu phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Minh chứng phải truy xuất từ nhiều phòng ban khác nhau. Ngoài giờ dạy giảng viên phải tập trung mấy tháng liền để hoàn thành các minh chứng, báo cáo, không còn thời gian để làm việc khác như nghiên cứu hay hỗ trợ sinh viên” – giảng viên này nói.

Trong khi đó, một giảng viên thực hiện viết báo cáo cho hay lần đầu làm kiểm định chương trình theo bộ tiêu chuẩn AUN, nhóm viết báo cáo mấy tháng liền phải thức đêm ở trường để hoàn thành báo cáo. Người này cho hay ngoài các báo cáo, minh chứng như chương trình trong nước, các tài liệu phải dịch ra tiếng Anh và scan thành file.

“Chỉ việc dịch và scan hàng đống hồ sơ đã tốn rất nhiều thời gian. Đó chỉ là kiểm định lớn có giá trị trong 5 năm. Mỗi hai năm còn rà soát chương trình đào tạo, mỗi một năm điều chỉnh nếu cần” – giảng viên này nói.

Tương tự, anh T. – giảng viên một trường đại học tại TP.HCM – thẳng thắn nói rằng dường như trường đại học giờ chỉ có hai mục tiêu là kiểm định và xếp hạng. 

“Quanh năm kiểm định, giảng viên phải bỏ quá nhiều công sức cho việc này. Như khoa tôi, chỉ tính riêng hồ sơ tài liệu chuẩn bị cho kiểm định chương trình đã cả chục thùng giấy khác nhau. Giảng viên phải viết báo cáo, minh chứng, làm việc mấy tháng trời để hoàn thành hồ sơ. 

Có những điều phải hợp thức hóa cho đầy đủ. Chẳng hạn mỗi học kỳ có bao nhiêu hội thảo nhưng có học kỳ không có hội thảo hoặc ít quá giảng viên phải “sáng tác” hội thảo bao gồm tên hội thảo, nội dung hội thảo và cả những nội dung được trao đổi trong hội thảo đó. Tôi rất không đồng tình với việc này bởi nhiệm vụ của giảng viên là giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ sinh viên” – anh T. bức xúc nói.

Trong khi đó, dù cho rằng việc kiểm định khiến giáo viên mất nhiều thời gian nhưng giảng viên Q. cho rằng mất nhiều hay ít thời gian phụ thuộc vào hệ thống lưu trữ và quy trình làm việc của mỗi trường. 

Chẳng hạn cá nhân anh, hồ sơ minh chứng việc soạn thảo giáo trình, tập bài giảng cần có quyết định của khoa, trường, quyết định nghiệm thu. Minh chứng về nghiên cứu khoa học cũng không mất nhiều thời gian. Đối với minh chứng giảng dạy yêu cầu thời gian dạy, bài thi, đề thi, bảng điểm. Điểm thi bao gồm nhiều cột điểm như chuyên cần, giữa kỳ, cuối kỳ, hình thức thi. 

Ngoài ra còn có công việc hành chính, hỗ trợ sinh viên. Toàn bộ việc này nếu được lưu trữ khoa học trên hệ thống, việc truy xuất sẽ không mất nhiều thời gian. Nếu không sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian để tìm minh chứng.

Khổ với kiểm định chất lượng giáo dục - Ảnh 2.

Một nhóm kiểm định chất lượng giáo dục đang khảo sát chương trình đào tạo tại Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM – Ảnh: CEA

Tốn thời gian, công sức vẫn phải kiểm định

Lý giải việc giảng viên đại học sợ kiểm định, nguyên hiệu trưởng một trường đại học cho hay từ đông sang tây giảng viên đa số không thích làm các công việc liên quan kiểm định. Đối với họ việc tập trung giảng dạy, nghiên cứu quan trọng hơn. Giờ dạy hằng năm của giảng viên không chỉ là giờ lên lớp mà còn có giờ chuẩn bị bài giảng, chấm điểm và các thủ tục sau đó.

“Trong bối cảnh phải thực hiện kiểm định, trường đại học cần có bộ phận chuyên thực hiện việc này. Có những mẫu sẵn để giảng viên điền vào và hai bên thống nhất. Thực sự để giảng viên viết báo cáo, tìm minh chứng sẽ mất rất nhiều thời gian và đôi khi người tổng hợp cũng phải sửa khiến mất thời gian đôi bên. 

Tôi nghĩ việc không tìm ra minh chứng và “sáng tác” trong báo cáo kiểm định là có nhưng không nhiều. Mặc dù vậy tôi có cảm giác quy định kiểm định hiện hành khiến các trường đại học tập trung quá nhiều nguồn lực cho công việc này” – ông này nói.

Ở khía cạnh trường đại học, việc kiểm định là điều bắt buộc nên dù mất thời gian, tiền bạc vẫn phải thực hiện. Ông Nguyễn Xuân Hoàn – hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM – thừa nhận việc kiểm định đúng là tốn nhiều thời gian, công sức của đội ngũ giảng viên và bộ phận đảm bảo chất lượng nhưng đây là việc buộc phải làm.

“Trung bình một chương trình kiểm định mất ba tháng làm việc. Tuy nhiên để có ba tháng này trường phải chuẩn bị khoảng một năm trước đó. Đối với các ngành mới, trường phải chuẩn bị ngay từ khi sinh viên vào năm 1 để khi sinh viên ra trường có thể thực hiện kiểm định chương trình. Nếu để khi sinh viên tốt nghiệp mới kiểm định mà không có sự chuẩn bị trước sẽ tốn rất nhiều thời gian” – ông Hoàn nói.

Ông Nguyễn Đức Trung – hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM – cho biết chi phí kiểm định trong nước khoảng 350 triệu đồng bao gồm chi phí chi trả cho tổ chức kiểm định khoảng 180 triệu đồng, số còn lại chi trả cho việc tự đánh giá nội bộ, phòng ốc và chi phí khi đoàn đến kiểm định. AUN có tổng chi phí tương tự.

Ông Trung nói thêm giảng viên vất vả hơn khi làm kiểm định là do bản thân chưa làm đúng các quy định liên quan: “Khoảng ba năm trước, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM phản ứng rất mạnh khi phải viết báo cáo và minh chứng liên quan cá nhân khi kiểm định. 

Họ cho rằng nhiệm vụ của giảng viên là giảng dạy, nghiên cứu. Nhưng giảng dạy bao gồm quá trình trước, trong và sau dạy. Giảng viên không chỉ nộp bảng điểm mà còn có khảo sát đánh giá của người học, đánh giá chương trình, điểm số phù hợp chưa. Giảng viên khi đó hầu như không làm báo cáo sau khi kết thúc môn học nên phải tái hiện minh chứng mất rất nhiều thời gian. 

Trường trả lương để giảng viên làm những việc này (theo quy định của bộ) chứ không phải chỉ có giảng dạy. Các phòng ban liên quan đầu tư và sử dụng cơ sở vật chất làm việc đôi khi chỉ trao đổi miệng hoặc điện thoại mà không có các văn bản minh chứng. Khi kiểm định phải tái hiện minh chứng bằng văn bản cho từng hạng mục”.

Khá tốn kém

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàn, việc kiểm định hiện khá tốn kém. Chi phí trung bình kiểm định một chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước khoảng 350 triệu đồng. Kiểm định AUN chi phí trong hợp đồng thấp hơn trong nước nhưng những chi phí không có trong hợp đồng cũng không hề thấp.

Giá trị của kiểm định chất lượng

Mặc dù việc kiểm định tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc này giúp ích nhiều cho trường, khoa trong việc xây dựng chương trình, hội nhập quốc tế.

Giảng viên một trường đại học nói trước đây chương trình do khoa xây dựng thường theo kiểu nghĩ rằng môn gì cần sẽ đưa vào chương trình đào tạo. Tuy nhiên khi kiểm định sẽ thấy rằng quy trình đó không đúng.

Trước hết phải khảo sát người học, doanh nghiệp và các bên liên quan xem ngành đó cần kiến thức, kỹ năng nào, tham khảo vị trí việc làm cần tiêu chuẩn gì, xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra trước khi xây dựng chương trình đào tạo theo mục tiêu và nguồn lực của trường.

Phải có tính logic trong xây dựng chương trình và các môn học phải dựa trên các chuẩn này. Do đó sau khi kiểm định, việc xây dựng chương trình mới sẽ nhanh hơn, hợp lý hơn.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *