Sáng 9-11, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự Luật Nhà giáo, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nội dung dự luật đã soạn thảo khá đầy đủ, hoàn thiện.
Nghỉ hè của nhà giáo không phải “nghỉ đi chơi”
Tuy nhiên, đề xuất bổ sung thêm một số nội dung, trong đó dự luật quy định nhà giáo có tiêu chuẩn nghỉ hè, ông Cường cho hay cần xác định nghỉ hè không phải “nghỉ đi chơi”, mà cần quy định nghỉ hè nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động cộng đồng.
Với các nhà giáo tại các trường đại học, ông Cường chỉ rõ việc nghiên cứu khoa học là một nội dung không thua kém so với giảng dạy.
Ông dẫn chứng trên thế giới hầu hết các phát minh, sáng chế, giải thưởng Nobel đều nằm ở các trường đại học, nên nội dung này cần quy định rất rõ trách nhiệm của nhà giáo và nhà trường.
Tuy nhiên, cần nêu rõ trách nhiệm của xã hội trong tạo điều kiện, cũng như có cơ chế ưu đãi cho nhà giáo nghiên cứu khoa học như xem xét vấn đề thuế. Bởi hiện nay, đa số các nghiên cứu khoa học vẫn phải chịu thuế.
Một nội dung khác, ông Cường cho rằng nhà giáo phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc là tự đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ.
Để có nghĩa vụ này cần điều kiện như các cơ quan, tổ chức giáo dục, kể cả ngoài công lập phải có quỹ bắt buộc để đào tạo giáo viên, chứ không “phải trả lương xong là xong”.
Đối với những điểm không được làm của nhà giáo, ông Cường thông tin dự luật đã đưa ra 6 điểm nhưng ông cho rằng cần bổ sung và quy định chặt chẽ hơn.
Trong đó, ông đề xuất nhà giáo không được trực tiếp hoặc gián tiếp kinh doanh một số hoạt động.
“Có thể nó không xấu nhưng nhà giáo kinh doanh sẽ không đảm bảo được chuẩn mực. Như các thầy có nên mở quán game chơi được không? Hay thầy cô đi bán bảo hiểm rồi họp phụ huynh xong lại đi bán cho cha mẹ có được không?
Một số hoạt động phải hạn chế, không để nhà giáo tham gia vào. Việc này có thể không quy định trong luật nhưng ghi vào quy định theo địa phương, nhà trường”, ông Cường nói thêm.
Ông nêu thêm dự luật quy định cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, nội dung này chưa thực sự phù hợp và đề xuất nên chỉnh thành “cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm để vụ lợi”.
Dự luật cấm nhà giáo bắt ép người học phải nộp tiền, ông Cường nhìn nhận không nên quy định như vậy bởi có khi không ép buộc thì người học vẫn nộp bằng những cách “rất khéo, tế nhị”.
Do vậy, ông đề nghị chỉnh sửa quy định thành “đã là thầy thì cấm nhận tiền của người học dưới mọi hình thức”.
“Đã là thầy mà học trò đưa tiền cứ nhận là không được. Còn nếu học xong rồi, ra khỏi trường thì thoải mái. Tôi thấy từ chính bản thân mình là rất đúng. Do vậy, cần cấm nhận tiền dưới mọi hình thức chứ không phải ép buộc”, ông Cường nói thêm.
Đề xuất bổ sung đối tượng thu hút vào làm nhà giáo
Liên quan đến chính sách thu hút nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành (Nghệ An) đề nghị bổ sung 2 đối tượng.
Cụ thể là những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ngành sư phạm; những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên.
Những đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp học, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân.
Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, ông đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), nguồn lực của trung ương và địa phương như thế nào để đảm bảo luật khả thi, hiệu quả.
Về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu nghịch lý là người tuyển dụng lại không phải người trực tiếp sử dụng. Cụ thể, ngành nội vụ tuyển dụng giáo viên, trong khi ngành giáo dục sử dụng giáo viên lại không được chủ trì tuyển dụng.
Mặt khác, ngành giáo dục nhiều tỉnh đã nói thiếu giáo viên nhưng không được chủ động điều phối từ nơi thừa sang nơi thiếu, trong khi các địa phương cũng đang vướng vấn đề này.
Do đó bà đề nghị cần giao ngành giáo dục ở địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên để có thể nắm bắt đúng đòi hỏi của thực tế, chủ động điều động, luân chuyển, qua đó góp phần giải quyết tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ.