ChatGPT tác động mạnh vào giáo dục
Hội thảo “Ứng dụng AI trong học tập”, của ChatGPT vào giáo dục là nội dung mở đầu chương trình do Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức.
Theo TS Lê Duy Tân, không phủ nhận những ích lợi mà trí tuệ nhân tạo (AI) hay ChatGPT mang lại cho giáo dục. Có thể kể đến việc cá nhân hóa việc học dựa trên nhu cầu và mục tiêu của từng sinh viên, kho tư liệu cho phép tìm kiếm nhanh và hiệu quả, sử dụng đơn giản, tiết kiệm thời gian…
Tuy nhiên, anh cho rằng lo ngại việc học sinh, sinh viên mất khả năng tư duy sáng tạo bởi AI, ChatGPT là hoàn toàn có cơ sở. Hệ thống giáo dục đang bị AI, ChatGPT tác động mạnh.
Phụ thuộc quá mức vào công nghệ có thể làm giảm khả năng tư duy, sáng tạo của người học. Lạm dụng ChatGPT có thể làm giảm khả năng trong việc hiểu và đồng cảm với cảm xúc người khác, do không có mối tương tác thực tế và sâu sắc.
Nhà đồng sáng lập Lab AioT Việt Nam nói việc ChatGPT có thể thu thập, lưu trữ thông tin cá nhân người dùng mà không có sự chấp thuận sẽ đe dọa quyền riêng tư, gây mất an toàn thông tin.
“Nếu con người liên tục dựa vào ChatGPT để giải quyết vấn đề, họ có thể mất đi khả năng giải quyết vấn đề và phát triển kỹ năng xử lý vấn đề. Trong khi không phải mọi câu trả lời của ChatGPT đều chính xác. Và điều này gây ra những hậu quả tiêu cực cho việc học cũng như sự nghiệp tương lai”, TS Lê Duy Tân nói.
Nên và không nên với ChatGPT trong việc học
Nên tận dụng ChatGPT để tối ưu hóa, cá nhân hóa việc học như một công cụ cung cấp lời nhắc, tinh chỉnh đáp án, tạo phản hồi dưới dạng tổng kết. Tuyệt đối phải dùng kỹ năng phản chiếu, phân tích, suy luận khi tiếp cận vấn đề học thuật, các thông tin được tạo bởi ChatGPT.
ChatGPT đôi khi giúp chúng ta viết một email ấn tượng, tổng hợp kiến thức môn học sâu. Và đó có thể là công cụ kiểm tra chính tả, ngữ pháp cũng rất hiệu quả.
Tuy vậy, có nhiều điều không nên lạm dụng, nhất là dùng ChatGPT để viết luận văn vì như vậy là “vi phạm liêm chính học thuật”.
“Có thể nói ChatGPT chỉ là bước đầu của cuộc cách mạng công nghệ, gây tác động và lo ngại cho giáo dục, đặc biệt là kỹ năng tư duy”, TS Lê Duy Tân nói.
Theo PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, phó hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), ngoài tạo môi trường khuyến khích sinh viên phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, Tuần lễ đổi mới sáng tạo năm nay còn mở ra cơ hội cho sinh viên tiếp cận ý tưởng mới, giao lưu và học hỏi từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.
“Đây là cơ hội kết nối các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài trường, trong thành phố và các tỉnh lân cận. Thông qua các hoạt động của tuần lễ, sinh viên được tiếp cận những kiến thức cơ bản về phát triển bền vững, trí tuệ cảm xúc và các kỹ năng số quan trọng, qua đó hỗ trợ cho sự phát triển trong học tập và công việc sau này”, TS Anh Vũ chia sẻ.