Sáng 12-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã tiếp tục trả lời các câu hỏi được đại biểu Quốc hội chất vấn vào chiều 11-11.
Thuốc kê đơn – không có đơn vẫn bán tràn lan
Nêu chất vấn, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) dẫn quy định dược sĩ phải có mặt tại nhà thuốc khi mở cửa hoạt động, thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ.
Nhưng hiện nay hầu hết các nhà thuốc không có dược sĩ, thuốc kê đơn không có đơn vẫn bán tràn lan.
Từ đó, bà hỏi bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của bộ và cam kết thế nào để chấm dứt được những tình trạng trên.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn dược của cơ sở kinh doanh nói chung và cơ sở bán lẻ dược nói riêng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về mọi hoạt động chuyên môn của cơ sở.
Thêm vào đó, theo bà Lan nói pháp luật về dược đã quy định chặt chẽ để người chịu trách nhiệm chuyên môn thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.
Trong đó, Luật Dược 2016 quy định nghiêm cấm hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc và nghị định 117 cũng quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn không có mặt ở cơ sở quy định có thể bị xử phạt tới 5 triệu đồng.
Bà Lan thông tin theo quy định hiện hành, Sở Y tế địa phương là cơ quan thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định, cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép không đủ điều kiện kinh doanh với cơ sở kinh doanh dược bán lẻ.
Thời gian qua, các Sở Y tế đã tăng cường giám sát các cơ sở bán lẻ thuốc và có thể khẳng định hoạt động này ngày càng chặt chẽ hơn.
Bộ trưởng Lan nêu rõ bản thân rất quan tâm đến vấn đề này và “mấy ngày trước đây tôi cũng đeo khẩu trang bịt mặt ra hàng thuốc gần nhà mua thuốc kê đơn”.
“Tôi mua thuốc Seduxen nhưng chị bán hàng nói thuốc này phải có đơn thuốc mới bán được. Tất nhiên trong thực tiễn có người này người khác, nhưng cơ bản hình thức này đã được tăng cường quản lý”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo bà Lan, Bộ Y tế đã triển khai quy định quy chế hệ thống kê đơn điện tử quốc gia. Đây là hệ thống thống nhất trên toàn quốc, giúp các cơ sở y tế, nhà thuốc kê đơn quản lý đơn thuốc, giám sát hoạt động bán thuốc theo quy trình minh bạch.
Hệ thống này yêu cầu các nhà thuốc phải cập nhật thông tin mỗi khi phát hành, bán thuốc theo đơn và liên kết chặt chẽ với các cơ sở y tế để kiểm tra, giám sát đơn thuốc. Nếu có thông tin sai lệch, các cơ sở sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về dược.
Bà nói bộ đang tăng cường với Bộ Công an trong quá trình triển khai đề án 06, tập trung kết nối về hệ thống quản lý dược toàn quốc.
Bộ trưởng cũng chia sẻ dù có quy định nhưng thực tiễn nơi này, nơi kia có thể có vi phạm. Nhưng nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Phòng khám tư nhân bị tạm đình chỉ lại mở cơ sở mới
Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) nêu vấn đề quản lý các phòng khám đa khoa tư nhân sau khi bị xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, sau đó lại mở phòng khám khác để hoạt động.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được cấp một giấy phép hoạt động duy nhất.
Đây là căn cứ để hành nghề và phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân lực.
Trong đó, các điều kiện về nhân lực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải có số lượng người làm việc toàn thời gian, người hành nghề phải đăng ký hành nghề và đáp ứng các điều kiện như không được hành nghề tại hai cơ sở trong cùng một thời gian.
Bộ trưởng cho biết nếu người hành nghề đã làm toàn thời gian tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khi cơ sở đó bị đình chỉ, người này không thể làm ngay cho một cơ sở khác, mà phải chấm dứt hợp đồng lao động tại cơ sở vừa mới vi phạm.
Bên cạnh đó, thực tiễn qua nhiều năm cho thấy, có một số cơ sở bị đình chỉ thường gắn với lỗi của người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Do vậy, khi vi phạm, tùy mức độ, người chịu trách nhiệm chuyên môn chính có thể bị tước giấy phép hành nghề, nên để hoạt động được ngay cũng phải có thời gian thực hiện theo quy định và đáp ứng được các yêu cầu mới được cấp lại giấy phép.
Bà Lan khẳng định qua phản ánh của đại biểu, bộ ghi nhận và lưu ý trong quá trình triển khai các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là liên quan tới các hành vi vi phạm, cần chú ý tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng.