Cô gái quận 6 không còn cha mẹ, 18 năm ở trọ: ‘Trường đại học đẹp quá, muốn ở đó mãi’

Hai bà cháu bà Tư Chổi và tân sinh viên Huỳnh Thùy Linh trong căn phòng trọ nhỏ hẹp – Ảnh: TỰ TRUNG

Không thể gọi là nhà….

Căn phòng trọ vài m2 trong con hẻm nhỏ đường Tân Hòa Đông, quận 6, TP.HCM là nơi Huỳnh Thùy Linh – tân sinh viên ngành hệ thống thông tin, ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và bà ngoại Tư Chổi tá túc gần 20 năm nay. Vật dụng của cuộc sống và cuộc mưu sinh chất chồng ngổn ngang cũng như phận đời đau khổ của hai bà cháu.

Dựa vào tấm ván nát là hai bó chổi mà bà Tư lấy về chưa bán hết. Sát cạnh căn phòng của bà cháu Linh là khu vệ sinh, vòi nước, bể nước dùng chung cho cả khu trọ 20 phòng. Sát phía sau khu trọ, con rạch Bàu Trâu với dòng nước đen rỉ từ kênh Tân Hóa bổ sung cho khung cảnh thêm bầu không khí ngột ngạt, nực nội, bốc mùi…

Bàn thờ trong nhà trọ xếp hàng dài ảnh ba má bà Tư Chổi, chồng bà, con gái đầu của bà, vợ chồng con gái út – ba má của Linh. “Họ đi hết rồi. Mười mấy năm nay chỉ có hai bà cháu tôi”, bà Chổi nói.

“Tiền trọ chỉ 900.000 đồng/tháng, trả bằng khoản hỗ trợ của địa phương, nên ở vậy thôi là được rồi” – bà Tư buông hơi thở dài.

Bà lục tìm mấy viên thuốc cảm, kể chuyện đời: “Tôi bán chổi bên khu quận 7 vì có nhiều khách quen lâu năm. Họ thương, mua không trả giá, thi thoảng lại cho cái này cái kia. Lúc tôi khỏe còn tranh thủ nhặt thêm mấy tấm thùng giấy bán phế liệu. Bà cháu tôi chỉ mong đủ tiền mua gạo, tiền đóng điện nước là mừng rồi”.

Giấc mơ sáng trong căn phòng nát - Ảnh 3.

Bà cháu bà Tư Chổi được chòm xóm, khách hàng thương, địa phương bao bọc – Ảnh: TỰ TRUNG

Cha qua đời vì tai nạn giao thông, mẹ mất trong trầm cảm, 18 năm ở trọ

18 năm trước, mẹ Huỳnh Thùy Linh sinh cô rồi bồng con về ở với bà ngoại. Sau đó cha của Linh – một tài xế xe tải đường dài – bị tai nạn trên đường chở hàng, tử nạn tại chỗ.

Người mẹ trẻ ngã quỵ, trầm cảm, bỏ ăn…

Giấc mơ sáng trong căn phòng nát - Ảnh 4.

Linh nuôi ước mơ học hành và có công việc ổn định để nuôi ngoại từ ngôi nhà thuê chật chội, xập xệ và đầy đồ đạc lỉnh kỉnh – Ảnh: TỰ TRUNG

Bà Tư rớm nước mắt: “Con gái tôi không nghe lời tôi khuyên bảo, không cố gắng mà sống với con nó. Tôi phải đi bán, nó ở nhà trông con rồi tự làm mình yếu đi từ từ, chết đi từ từ. Sáng hôm ấy, tôi còn mua cho hai mẹ con tô hủ tiếu rồi mới đi. Tới trưa tôi về, con tôi đã gục chết ở ngay cửa này, tô hủ tiếu vẫn còn để đó. Pháp y đến khám, kết luận: tử vong do suy kiệt, thiếu dinh dưỡng”. Năm đó Linh chưa đầy 2 tuổi. Bà ngoại thay mẹ thay cha của cô bé từ đấy.

Cuộc sống khắc nghiệt nhưng hai bà cháu được chòm xóm thương. Khách mua chổi tận quận 7 cách nơi bà ở 10km cũng thương. Địa phương luôn dành ưu tiên giúp đỡ. Ông Ba ngoài đầu xóm thấy Linh đi học về là bảo vợ: Cháu nội về rồi kìa, bới cho nó chén cơm.

Lâu lâu ông lại gọi nhét vào tay vài ngàn đồng cho cháu đi học ăn hàng. “Chừng ông mất, tôi cho bé Linh để tang ông”, bà Tư nói.

Ở đây cả xóm nghèo nhưng ngày nào cũng có người mang qua cho hai bà cháu món gì đó. Bé Linh đi học được trường miễn giảm học phí, được dành cho học bổng.

“Bà cháu tôi đã mang ơn bao nhiêu người. Nhờ bao người giúp đỡ mà bé Linh được đi học tới hôm nay. “Được đi học” là điều duy nhất mà tôi giữ được, để lại được cho con bé, mong mai này nó dẫu côi cút thì vẫn có được cuộc đời khá hơn tôi, hơn má nó”, bà Tư thổn thức.

Khát khao về một thế giới khác, có nhà ở và nuôi bà

Giấc mơ sáng trong căn phòng nát - Ảnh 5.

Gần 20 năm qua, bà Tư làm cha, làm mẹ của đứa cháu ngoại – Ảnh: TỰ TRUNG

18 năm, Linh không biết mặt ba, không nhớ hơi ấm tay mẹ. Chỉ có bà ngoại tần tảo hôm sớm nuôi cháu gái. Bà ngoại canh giờ từng phút Linh đến trường, Linh tan học, vì bà sợ điều xấu nào đó đến với cô bé. Bao nhiêu cái khó, cái cực, bao nhiêu bất tiện giữa khu trọ này mà cô gái 18 tuổi nghị lực và tự trọng sẽ chẳng bao giờ nói ra.

Chúng tôi hỏi về niềm vui. Linh mỉm cười kể: “Niềm vui lớn nhất đời tôi cho đến bây giờ là đã được vào đại học, đúng ngành mình thích và trường mình chọn. Lúc nhận giấy báo đậu, suy nghĩ đầu tiên là mình đâu có tiền đóng học phí, nhưng rồi có mấy cô đã từng giúp cho học bổng mấy năm THPT lại giúp đóng tiếp học kỳ đầu. Thế là tôi được đi học.

Trường ở tận quận 12, trong khu phần mềm Quang Trung, xa lắm, từ đây tới đó 15km. Nhưng trường đẹp lắm, rộng lớn, sạch sẽ, mát lạnh. Đến trường, tôi như được vào một thế giới khác, chỉ muốn được ở đó mãi”.

Một niềm vui khác nữa của Linh là cô vừa tròn 18 tuổi, vừa thi được bằng lái xe máy, sắp được tự đi học, tự đi làm mà không phải lúc nào cũng đi xe buýt hoặc đi nhờ ông xe ôm cùng xóm trọ nữa. 

Linh khoe chiếc xe máy cũ trùm áo mưa dựng trước cửa phòng: “Tôi đã tự mua được bằng tiền đứng bán ở tiệm vé số hai tháng hè năm lớp 11 đó, ngon lành chưa. Mà có xe chứ có dám chạy đâu”.

Từ nhỏ tới giờ, Linh hiếm khi đi chơi với bạn bè, chỉ theo bà ngoại đi bán chổi, từng bán vé số, phụ quán hủ tiếu, cà phê, đứng bán xe trà sữa. Bây giờ có bằng lái, Linh đang nghĩ đến việc đi giao đồ ăn.

“Tôi sẽ cố gắng học, học giỏi nghề của mình để tìm được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp, nuôi được ngoại. Tôi mong ngoại tuổi già được an nhàn, sáng ra đầu ngõ uống ly cà phê rồi vào nhà nằm nghe cải lương. Mong hai bà cháu có được chỗ ở điều kiện tốt hơn, bạn bè đến chơi, ai đó đến thăm còn có chỗ ngồi”.

Không đốt nhang, không biết má có về được không?

Ngày giỗ người thân, hai bà cháu không được đốt nhang vì chủ nhà sợ gây cháy. “Giỗ má sau Tết mấy ngày, tôi mua một tô bún riêu – món mà ngoại nói má thích ăn nhất – để lên đó, nói “Má ơi về ăn bún riêu nè”, vậy rồi thôi. Không có nhang, không biết má có về được không…”, Linh kể.

Bà ngoại nghe thấy, bà quay sang nói tiếp: “Nhà chật quá, chủ không cho đốt nhang sợ nguy hiểm. Đành vậy thôi”.

Chúng tôi ra về, Linh và bà ngoại ở lại với căn phòng vừa bề bộn vừa trống trải, vừa ấm áp vừa lạnh lẽo, vừa là nhà vừa không thể là nhà… Căn phòng xập xệ, rách nát mà lại là nơi Linh đang ươm những ước mơ thật đẹp, thật sáng trong.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.

Vừa học bài vừa ‘dỗ’ mẹ tâm thần, cô gái đậu vào trường Bách khoa - Ảnh 4.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *