TP.HCM yêu cầu rà soát cán bộ dùng chứng chỉ ‘Cambridge International’

Các đối tượng lừa đảo đã “nhái” chứng chỉ Cambridge để lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm, không dung túng, bao che các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ mang tên “Cambridge International” cũng như các loại văn bằng, chứng chỉ khác không đúng quy định pháp luật và báo cáo kết quả xử lý về UBND TP.HCM thông qua Sở Nội vụ trước ngày 1-12-2024.

UBND TP.HCM chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về quản lý và sử dụng văn bằng, chứng chỉ.

Không tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch và không được sử dụng các văn bằng, chứng chỉ do các tổ chức, cá nhân được thành lập, hoạt động không đúng quy định pháp luật tổ chức hoặc phát hành.

Đồng thời kịp thời xem xét, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi phát hiện trường hợp tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch hoặc sử dụng các văn bằng, chứng chỉ do tổ chức, cá nhân không được pháp luật cho phép cấp.

UBND TP.HCM yêu cầu Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc và báo cáo UBND TP.HCM xem xét, xử lý đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm mà không kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục theo quy định.

Đồng thời phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra việc kê khai, sử dụng văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn thành phố theo quy định.

“Tự nghĩ ra” tên tổ chức Cambridge International

Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đưa tin, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 6 người về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc cấp chứng chỉ tiếng Anh, gồm: Lê Văn Vàng (43 tuổi), Lương Việt Anh (37 tuổi), Nguyễn Văn Giảng (37 tuổi), Nguyễn Trường Doanh (41 tuổi), Trần Trọng Đại (31 tuổi) và Hoàng Thị Quỳnh Anh (41 tuổi).

Kết quả điều tra xác định năm 2021, Lê Văn Vàng (trú huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tự nghĩ ra tên tổ chức Cambridge International với mục đích ban đầu là tổ chức các khóa học bồi dưỡng tiếng Anh cho người có nhu cầu, nhưng do dịch COVID-19 nên không triển khai được.

Sau đó Vàng trao đổi với Lương Việt Anh (trú quận Long Biên, Hà Nội) tổ chức các lớp thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ Cambridge English cho người có nhu cầu bằng danh nghĩa liên kết giữa tổ chức Cambridge International và Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam do Anh làm viện trưởng.

Vàng đã tự soạn thảo tài liệu tiếng Anh có tiêu đề “LETTER OF ACCEPTANCE” đề ngày 21-5-2021, được dịch ra tiếng Việt là “Thư chấp thuận” và tự ký tên Max Mooney, đóng dấu tròn màu đỏ nội dung “CAMBRIDGE INTERNATIONNAL CEFR”.

Sau khi chuẩn bị xong tài liệu này, Vàng chuyển cho Anh bản dịch “Thư chấp thuận” để tổ chức quảng cáo và tổ chức thi dưới hình thức online cho các thí sinh có nhu cầu lấy chứng chỉ, bắt đầu thi online từ tháng 9-2022 đến khi bị cơ quan điều tra phát hiện vào tháng 6-2023.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *