Tặng quà 20-11nào cô cũng quý
Nhìn dàn quà tặng độc đáo của học trò, đứa bọc quà trong túi nilon, đứa thì bó hoa bằng lá chuối, đứa thì cầm nhõn một cành hoa, đứa lại đựng mấy con cua lổm ngổm trong cái chai nhựa…, cô Nguyễn Kim Hồng (46 tuổi) cười nắc nẻ khi lần lượt nhận quà.
Kèm theo mỗi món quà ngộ nghĩnh là một lời chúc cũng ngộ nghĩnh không kém.
“Cô ơi, 20-11 em chúc cô bò nhanh như con cua” – cậu học trò Trang Seo Anh lắc lắc mấy con cua trong chiếc chai, khoanh tay gửi lời chúc.
“Em chúc cô xinh đẹp như củ gừng” – cô học trò tên Phi vừa mân mê củ gừng trên tay vừa chúc cô.
“Chúc cô 20-11 bay nhanh như con chim” là lời chúc của cậu học trò tên Phong đến cô giáo kèm theo một món quà là cành hoa mào gà đã hơi rũ rượi vì héo. Còn cô học trò Vàng Thị Hương Trang lại mang theo một khúc mía làm quà tặng cô.
Tự tay nhận mỗi món quà và lời chúc của các em, cô Hồng cẩn thận nhắc lại lời chúc, cảm ơn từng em nên dù rất bẽn lẽn, ngại ngùng các em đều nở nụ cười rạng rỡ khi thấy cô giáo vui với món quà mà các em đem tặng.
“Các em học trò ở đây đều là người H’mông, gia đình đều làm nông nên không có điều kiện như các em học sinh ở nhiều nơi khác.
Mỗi dịp đặc biệt như 20-10, hay lần này là 20-11, tôi đều giải thích ý nghĩa cho các em và chỉ cho các em biết phải làm gì trong những ngày đặc biệt đó. Chẳng hạn 20-10 thì về nhà chúc mừng bà, chúc mừng mẹ, tới lớp thì chúc mừng cô”, cô Hồng chia sẻ.
Riêng về tặng quà 20-11, cô nói với các em là các em có gì tặng cô cũng sẽ nhận. Các em đã thỏa sức sáng tạo với những món quà tặng mà cô cũng không thể ngờ tới.
Ngoài những bó hoa dại mà cả cô và trò đều chẳng biết là hoa gì được các em hái đâu đó ở nhà, dọc đường hay trên nương rẫy, học trò còn xâu một dây ớt xanh lủng lẳng. Sang nhất là một bó hoa hồng giả được bọc giấy.
Để các em tự do bày tỏ
Cô Hồng cho biết, điểm trường tiểu học cô đang dạy chỉ là phân hiệu nhỏ với vỏn vẹn 2 lớp gồm lớp 1 và lớp 2, trong đó cô đang phụ trách dạy lớp 2 với 16 bé.
“Gia đình các em ở đây chủ yếu làm nương rẫy. Nhiều năm trước, khi tôi đi dạy ở trường sâu hơn, thậm chí sáng phải đi đến nhà các em tìm để giữ các em đến lớp.
Giờ thì các gia đình cũng chú trọng việc học của con hơn trước nhiều. Cơ sở vật chất trường lớp cũng đầy đủ hơn.
Nhưng cuộc sống thì vẫn còn khó khăn nên các em nghĩ ra gì tặng cô thì mang lấy vì cô dặn là quà gì cô cũng nhận.
Ở đây, các thầy cô còn bỏ tiền túi ra mua bánh kẹo để liên hoan cho các em”, cô Hồng chia sẻ.
Cô cho biết cô cũng không còn là cô giáo trẻ nhưng cũng có sở thích “sống ảo”, quay clip vui vẻ của cô trò up lên mạng xã hội để lưu giữ kỷ niệm. Rồi tình cờ cũng có nhiều clip được nhiều người biết đến và chia sẻ.
“Các em ở đây rất hồn nhiên và ngây thơ. Món quà cũng ngây ngô, hồn nhiên như các em vậy và với tôi là những điều đáng quý mà tôi may mắn có được.
Bây giờ ở nhiều nơi, hầu như là cha mẹ hoặc đại diện hội cha mẹ học sinh làm thay các em, mua quà tặng thầy cô vào 20-11, lễ tết chứ các em cũng không tự làm.
Theo tôi, nên để các em tự tay làm những việc này, để các em tự do bày tỏ sự biết ơn hoặc tình cảm yêu mến với thầy cô bằng bất cứ thứ gì các em tự chọn.
Thế giới quà tặng rất đa dạng và nhiều món cũng không tốn kém, đắt tiền. Ngay cả khi các em muốn tặng tiền cho thầy cô thì món tiền nhỏ vài ba chục ngàn cũng sẽ không làm lệch lạc ý nghĩa của những ngày như 20-11”, cô Hồng bày tỏ.