‘Chị chị em em’ nơi công sở: Không nhờ vả được thì nói xấu, mách sếp

Một số người cho hay đã ngã ngửa, sốc khi chơi với đồng nghiệp hết mình, bỗng một ngày bị chơi lại hết hồn – Ảnh minh họa: UNPLASH

Drama công sở không mới, nhưng chưa bao giờ hết hot. Mới đây mạng xã hội bàn luận sôi nổi về câu chuyện của một cô gái khi bị đồng nghiệp mà mình xem là chị em thân thiết chơi xấu.

H. kể, trong công ty, do cũng thoải mái tiền nong nên chị luôn sẵn sàng ứng tiền ăn trước cả tháng cho những đồng nghiệp, đến hết tháng chị sẽ gửi tổng bill cho các bạn chuyển trả. Trong số đó, chị thường ứng tiền cho một đồng nghiệp kém chị 3 tuổi và là gen Z.

Chị H. kể dù khác thế hệ nhưng hai chị em vẫn rất hợp cạ, thân thiết. “Cho đến khi mình tự mắt thấy tai nghe những gì em ấy nói xấu về mình với đồng nghiệp khác trong công ty, và cơ số lần em để ý rồi báo cáo lại với cấp trên về những thiếu sót của mình khiến cho mình nhận không dưới 3 cái biên bản rơi vào đầu.

Nhưng vì toàn lỗi vặt nên vẫn trụ được trong công ty. Giờ mình cũng chán rồi chả muốn chị em bạn bè gì nữa”, chị H. nói, đồng thời đặt ra câu hỏi: Liệu từng một lần chơi xấu rồi thì có thêm nhiều lần nữa không?

Chị chơi hết mình, em chơi… hết hồn

“Ban ngày chị chị em em, vậy mà người ta đâm sau lưng lúc nào không hay” là câu nói mở đầu mà chị Tr. (28 tuổi, ở quận 12, TP.HCM) chia sẻ với chúng tôi về chuyện bị đồng nghiệp chơi xấu.

Làm việc tại một trang tin điện tử có trụ sở ở TP.HCM hơn ba năm, vốn tính tình xởi lởi, dễ bắt chuyện, chị nhanh chóng làm quen nhiều đồng nghiệp trong công ty. Trong đó, chị chơi thân nhất với hai đồng nghiệp nữ nhỏ tuổi hơn.

Chị kể ban đầu cũng chỉ xã giao, nhưng qua những lần trò chuyện, mua sắm, cà phê, du lịch, họ tìm được sự đồng điệu với nhau và dần thành một nhóm “chị chị em em”.

“Nghĩ là chị em thân rồi, tôi mấy lần cho bé đó (một trong hai đồng nghiệp, tên Th.) mượn tiền rồi, mà coi như cho luôn, chứ đâu đòi lại vì cũng không bao nhiêu. 

Mấy chuyện bí mật, riêng tư của mình, từ chuyện gia đình tới tình yêu cũng tâm sự cho em ấy nghe vì thấy em gần gũi, chịu lắng nghe lắm. Trong công việc, chỉ cần em nhờ, tôi giúp hết mình”, Tr. kể.

Tuy vậy, chị để ý cô bé đồng nghiệp này thường xuyên tỏ ra tị nạnh, nói xấu đồng nghiệp khác trong công ty. Với chị Tr., Th. nhờ vả thường xuyên dù chuyện khó hay dễ, hoặc nhờ đặt hộ đồ ăn, thức uống rồi sau đó “quên” luôn việc thanh toán lại cho chị.

Nghĩ cũng chẳng có gì to tát, nhưng trong một lần chị em cãi nhau vì bất đồng quan điểm lúc làm việc và chị Tr. từ chối giúp đỡ, Th. thẳng thừng hủy kết bạn Facebook, đăng những câu nói vu vơ “đá xéo” chị trên mạng.

“Th. còn kể hết với người khác về những chuyện thầm kín mà tôi đã nói với em ấy, không những nói xấu mà còn bịa đặt thêm cho người ta ghét tôi”, chị nói.

Sau lần đó Tr. cũng tuyên bố cạch mặt người đồng nghiệp này. Nhóm ba người cũng giải tán dù chị vẫn qua lại với cô bạn còn lại.

‘Chị chị em em’ nơi công sở: Không nhờ vả được thì nói xấu, mách sếp - Ảnh 2.

Bạn trẻ có nhiều nhóm chat nói xấu đồng nghiệp, bạn bè… bất kể ngày đêm – Ảnh: MÂY TRẮNG

Tán tỉnh người yêu của “chị em”

Trong khi đó, Hoàng Trang (làm việc trong ngành tài chính, sống ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng) thì bị đồng nghiệp thân thiết… tán tỉnh người yêu. Trang kể, ở công ty có chơi khá thân với một đồng nghiệp tên X., dù cô chỉ mới vào làm chưa đầy một năm.

Hai người thường sang nhà nhau chơi, đi du lịch, có việc gì cũng tâm sự. Trang thậm chí còn giới thiệu người yêu mình với X. để cùng đi ăn uống chung.

Rồi không biết bằng cách nào, X. tìm ra Facebook của người yêu Trang, gửi lời mời kết bạn và bên kia đã đồng ý mà Trang không hề hay biết.

Bẵng đi một thời gian, trong lần vô tình thấy tin nhắn X. gửi đến cho bạn trai mình, Trang vào xem thì tá hỏa. “Họ chưa cặp bồ nhưng đang tán tỉnh nhau, giống như mối quan hệ mập mờ vậy. Họ còn tặng hoa, đi ăn riêng với nhau”, Trang kể.

Phát hiện sự thật, ở phía người mà mình xem là đồng nghiệp thân thiết, Trang sốc nặng bởi ngoài mặt thì X. rất bình thường, thậm chí tỏ ra rất yêu quý Trang, nhưng sau màn hình thì chủ động tán tỉnh người yêu của đồng nghiệp. Và tất nhiên, cô hiểu người yêu mình cũng chẳng vô tội.

Không muốn làm lớn chuyện, Trang lặng lẽ giải quyết cứng rắn với cả hai người kia. X. thời gian ngắn sau đó nghỉ việc, chuyển công ty. Trang đồng thời cũng đường ai nấy đi với mối tình hai năm.

Sau này Trang còn biết trong thời gian chơi với nhau, X. không ít lần nói xấu cô với những người khác vì ganh tị khi thấy cô đạt KPI, còn bản thân X. không đạt.

“Quá đủ rồi. Sau lần đó tôi chơi với đồng nghiệp cũng dè dặt hơn, không dám bộc lộ hết ruột gan ra mà chơi nữa”, Trang ngán ngẩm nói.

Còn với Tr., buồn lòng vì chơi hết mình nhưng bị “chị em thân thiết” chơi lại… hết hồn, cô nói nhờ vậy mà rút được bài học.

“Đồng nghiệp chỉ nên qua lại ở mức xã giao, công ty không phải là nơi tìm bạn thân”, chị nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *