Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2024 (Vietnam – Asia DX Summit 2024) chủ đề: “Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Phát triển kinh tế số” đã khai mạc tại Hà Nội chiều 28-5, với sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Muốn số phải xanh – Muốn nhanh phải số!
Phát biểu mở đầu diễn đàn, ông Trương Gia Bình, chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, khẳng định: “Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, hướng tới phát triển bền vững. Chuyển đổi số – Chuyển đổi xanh đang là cặp song sinh chuyển đổi quan trọng nhất”.
Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng: “Chuyển đổi số – Chuyển đổi xanh là hai chuyển đổi quan trọng nhất! Chúng đi với nhau và hỗ trợ nhau, muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh.
Hai chuyển đổi này cũng sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược”.
Việt Nam đang có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP (báo cáo của EconomySEA).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng chuyển đổi kép chỉ ra Việt Nam chỉ nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%).
Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).
“Chúng ta vẫn còn chuyển dịch SỐ – XANH rất chậm so với khu vực” – ông Trương Gia Bình thẳng thắn thừa nhận.
Từ kinh nghiệm của TP.HCM, địa phương đã nhận nhiệm vụ là địa phương đầu tiên, có trách nhiệm lớn nhất trong thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ về mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đi tiên phong trong chuyển đổi số – chuyển đổi xanh, ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cũng thẳng thắn chia sẻ những thách thức thành phố đang gặp phải trong lộ trình phát triển kinh tế số, phát triển xanh.
Đó là về định hướng chung tăng trưởng xanh, hiện các văn bản chỉ mang tính chất định hướng chính sách, chưa có nội dung cụ thể về chính sách hỗ trợ. Nguồn lực tài chính thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn lớn, trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp.
“Mặt khác, hoạt động xanh hóa sản xuất đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi năng lực phát triển công nghệ của doanh nghiệp và năng suất lao động còn hạn chế…” – ông Thắng nêu.
Làm gì để tăng tốc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh?
Theo ông Trương Gia Bình: “Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số – chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này” – ông Bình phân tích.
Đứng từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng “cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều cần đến công nghệ số, mà công nghệ số thì cốt lõi chính là bán dẫn”.
Ông Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo xong phiên bản cuối cùng của chiến lược quốc gia về phát triển chip bán dẫn và sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp công nghệ số, các hiệp hội quan tâm…
“Nếu phải nói ba điều trọng yếu trong chiến lược này thì đó là: Thứ nhất phát triển chip bán dẫn phải nằm trong chiến lược về công nghiệp điện tử Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam sẽ đi từ hub nhân lực bán dẫn toàn cầu đến công việc bán dẫn. Thứ ba, Việt Nam sẽ là số một trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu” – ông Hùng thông tin về bản dự thảo.