PGS.TS Nguyễn Vũ Trung – viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – đã cho biết như vậy tại hội nghị khoa học Bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau đại dịch COVID-19, được Viện Pasteur TP.HCM tổ chức vào ngày 22-11.
Theo PGS Vũ Trung, công nghệ chẩn đoán phòng xét nghiệm và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm.
Trí tuệ nhân tạo là một hệ thống bao gồm những công nghệ vô cùng phức tạp, tiếp cận thông tin, xử lý thông tin, đưa ra những quyết định gần giống như con người làm, hỗ trợ cho con người trong xử lý và tốc độ xử lý vô cùng nhanh…
Các thông tin về mặt lâm sàng, xét nghiệm đã tích hợp trong các thuật toán và từ đó cho các nhà hoạch định chính sách, các bác sĩ lâm sàng, những người làm công tác y tế dự phòng đưa ra những quyết định dựa trên bằng chứng.
Thông qua các nền tảng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực.
Đồng thời theo dõi các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, phân tích hình ảnh y tế, phát hiện các dấu hiệu bệnh, phát triển các loại xét nghiệm như PCR, giải trình tự gen, nuôi cấy vi khuẩn, quan sát hình thái, sinh hóa, huyết thanh học… nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó đáp ứng và cách ly kịp thời bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, ứng dụng AI trong lĩnh vực liệu pháp phage mang lại hy vọng mới cho cuộc chiến chống lại tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn.
Công nghệ AI mô phỏng chính xác các tương tác phức tạp giữa tác nhân gây bệnh, vật chủ và thuốc, tiết lộ các đặc điểm nhiễm trùng do vi khuẩn, phát triển tối ưu hóa thiết kế vắc xin và thuốc điều trị.
Các nhà khoa học trong lĩnh vực ứng dụng y tế rất quan tâm đến trí tuệ nhân tạo, PGS Vũ Trung cho hay.
Trí tuệ nhân tạo có thay thế được những người làm về phòng chống dịch?
Tại hội thảo này, có ý kiến thắc mắc liệu trí tuệ nhân tạo có thể thay thế được những người làm về công tác phòng chống dịch?
Trả lời thắc mắc này PGS Vũ Trung cho rằng: “Trong nhiều tình huống trí tuệ nhân tạo có thể đáp ứng được nhiều các các công việc của của những người làm lâm sàng, những người làm việc chuẩn đoán trong phòng xét nghiệm, những người làm về phòng chống dịch”.
Tuy vậy trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được con người. Bởi vì cuối cùng con người vẫn là người đưa ra quyết định.
“Những thông tin, quyết định của trí tuệ nhân tạo đưa ra đưa ra chỉ để kham khảo mặc dù những quyết định có thể chính xác đến 80- 90%, thậm chí gần 100% nhưng quyết định cuối cùng vẫn là con người”, ông Vũ Trung giải thích.