Tôi nhớ lần gần đây nhất, khi tôi đi ra ngoài mua đồ sinh hoạt trong gia đình thì con gái nhỏ muốn đi theo và khóc. Lúc ấy, tôi không đưa con đi cùng và nghĩ rằng chồng sẽ dỗ dành con. Thế rồi những cuộc gọi điện của chồng liên tiếp, trong khi lúc ấy tôi có một cuộc điện thoại từ đối tác nên không thể nghe máy. Sau khi trao đổi xong với đối tác, tôi đã gọi lại.
Giọng chồng bực dọc vì tôi đi ra ngoài khiến con khóc và gọi điện thoại không nghe. Lúc ấy, tôi cũng bực quá, lớn tiếng nói “con khóc thì dỗ, gọi không nghe vì có việc bận” rồi cúp máy.
Khi về đến nhà, tôi đã giải thích lý do đi ra ngoài và không nghe máy, nhưng không nhận được câu trả lời của chồng. Tôi xác định chồng “lại dỗi”.
“Lại dỗi” là bởi đây không phải lần đầu chồng tôi dỗi mà nó diễn ra thường xuyên khiến tôi quen luôn với cái sự dỗi của chồng. Thậm chí anh còn “tự hào” khi nói chuyện vui với bạn bè: “Nhà này chỉ có anh dỗi vợ, chứ vợ chẳng bao giờ dỗi anh”.
Anh bắt đầu không nói chuyện, trả lời cụt ngủn những câu hỏi của vợ hay thậm chí chẳng trả lời. Dù đã quen nhưng mỗi lần như vậy tôi đều cảm thấy rất mệt mỏi. Cứ thử tưởng tượng hai người cùng giường mà chẳng thèm nói chuyện, chia sẻ với nhau thì sẽ chán thế nào. Bởi vậy tôi thường nhường nhịn, “xuống nước” để cho qua mọi chuyện.
Sau đó, tôi cũng đã nhiều lần đề cập với chồng về việc muốn giải quyết các mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ cũng cần phải ngồi lại với nhau, trao đổi thẳng thắn chứ không phải tìm cách trốn tránh và im lặng. Thế nhưng, có vẻ cách giải quyết của tôi không đồng quan điểm với chồng, vì vậy việc chồng dỗi và im lặng vẫn cứ tiếp diễn.
Cuối cùng, tôi không chọn cách “xuống nước” nữa mà cũng “bơ” chồng theo đúng cách chồng “bơ” tôi. Một tuần, cuộc “chiến tranh lạnh” diễn ra, lúc ấy chồng cũng nhận thấy sự thay đổi khi tôi chẳng còn thèm bắt chuyện. Lúc ấy, chồng tôi mới nói: “Giờ em muốn sao?”.
Như mở được nút thắt, tôi mời chồng ngồi nói chuyện đàng hoàng để giải quyết vấn đề. Tôi nói với anh, trong bất kỳ mối quan hệ nào, im lặng chỉ là giải pháp tạm thời để bình tĩnh soi xét lại sự việc chứ không phải cách giải quyết vấn đề. Vì vậy, “quãng lặng” phải có giới hạn, đừng để sự im lặng giết chết mối quan hệ một cách lãng xẹt.
Tất nhiên chúng ta cần bình tĩnh và không trao đổi khi đang nóng giận, nhưng khi bình tĩnh cần phải nói chuyện với nhau. Mỗi lần hờn dỗi sẽ tạo cho cả hai những vết rạn mà nếu không giải quyết nó thì nó sẽ âm thầm gây hại cho mối quan hệ ấy.
Chồng tôi có vẻ rất lắng nghe và tôi cũng hy vọng sẽ không còn những lần giận dỗi “dài hơi” như vậy.
Tôi biết trong những mối quan hệ vợ chồng, gia đình nào cũng sẽ có những xích mích, nhưng khi còn có thể giải quyết thì hãy giải quyết chúng. Đừng để “tích tiểu thành đại” và trở thành vết sẹo chẳng thể lành, rạn nứt không thể hàn gắn.