Đến Trạm Ôm bán kỷ niệm, ‘gửi lại bạn ước mơ của mình’

Chủ nhân đến trao kỷ vật, ghi lại thư tay để tặng cho chủ nhân mới – Ảnh: HỒ VY

“Chợ phiên kỷ niệm” tại quán cà phê Trạm Ôm một cái (quận 1, TP.HCM) mở ra đã thu hút khá đông bạn trẻ tìm đến trao đổi kỷ vật. Mỗi món đồ được chủ nhân mang đến, để lại đều đính kèm câu chuyện của mình bỗng trở thành cầu nối gắn kết nhiều khách hàng xa lạ lại cùng nhau.

Gửi theo cả ước mơ dang dở tới Trạm Ôm một cái

Từ tỉnh Tiền Giang, chị Thu Hương gửi xấp vải tự tay mình lựa đến “chợ phiên kỷ niệm” cùng lời nhắn. Xấp vải còn rất mới mà chị Hương nhắn rằng khi được trao đến tay người khác, chị đã từ bỏ đam mê trở thành nhà thiết kế thời trang rồi.

“Nhà mình nghèo quá, mẹ và em trai đều bệnh nên bản thân phải gác lại đam mê để mưu sinh, kiếm sống lo cho gia đình. Gửi lại bạn ước mơ của mình, mong bạn khoác nó lên người thật đẹp”, lời nhắn của chị Thu Hương làm nhiều người đọc được khá xúc động.

Còn chị Yến Vy đã gửi lại nơi này những lọ sơn móng tay cùng nhắn gửi hết sức tâm lý phụ nữ “các bạn nữ nên biết yêu thương chính mình”. Mảnh giấy đặt cạnh món quà, Yến Vy kể mình đã bị cuốn theo công việc đến mức quên mất việc dành thời gian chăm sóc bản thân.

Yến Vy trải lòng qua trang giấy rằng có những ngày chỉ tranh thủ được 30 phút để ăn uống và vệ sinh cá nhân. Dẫu biết đang đối xử tệ với bản thân và hy vọng có thể thay đổi điều này song hiện tại vẫn trong guồng quay của công việc khó dứt bỏ.

“Những lọ sơn này mình chưa có dịp dùng, nhờ bạn sử dụng chúng để bản thân ngày càng xinh đẹp. Hãy rực rỡ thay phần mình bạn nhé!”, Vy viết.

Tâm sự cùng người lạ

Giao tiếp phần lớn trên mạng xã hội đã trở thành thói quen của đa phần người trẻ hiện nay. Đó cũng là lý do để Nguyễn Việt Hoàng cùng hai thành viên đồng sáng lập quán Trạm Ôm một cái thực hiện “chợ phiên kỷ niệm” với mong ước các bạn sẽ kết nối, tiếp xúc với nhau nhiều hơn ngoài đời thực.

“Trao đổi kỷ vật chỉ là cái cớ để mọi người có thể kết thêm bạn mới, để từ đó cùng chia sẻ, động viên nhau sống tích cực hơn”, Việt Hoàng nói.

Chính các bạn lập ra mô hình này ban đầu còn sợ ế, nhưng không ngờ được nhiều người biết đến và hưởng ứng như vậy. Hóa ra giữa bộn bề cuộc sống hiện đại, người trẻ lại chất chứa quá nhiều nỗi lòng không biết nói cùng ai, chỉ biết tâm sự cùng người lạ.

Vô tình mà giữa không gian quán đã bắt gặp được cặp “người lạ” vừa kịp biết nhau nhờ trao đổi kỷ vật. Anh Mạnh Đức (23 tuổi, ở quận 4) đổi nhiệt kế lấy chiếc kính râm vốn là vật đã cùng chị Như Nguyên (27 tuổi, ở quận Bình Tân) trải qua những tháng ngày bị dè bỉu về ngoại hình.

Chị Như Nguyên nói qua câu chuyện chia sẻ cùng nhau, chị thấy rất khâm phục sự dũng cảm của Mạnh Đức khi dám sống đúng với ước mơ của mình.

“Tôi thấy hoạt động này hay. Nhờ thông tin đính kèm cùng món đồ mà nhiều người đã có cơ hội liên lạc và trò chuyện cùng nhau. Đôi lúc trò chuyện với người không biết quá nhiều về mình cũng là một trải nghiệm thú vị”, chị Nguyên cười.

Bạn Cao Thị Xuân Quỳnh cho biết cũng mang món đồ đến đây để trao đổi. Nhận lại món đồ của người khác, bạn nói khi mang về sẽ vệ sinh kỹ lưỡng để an tâm sử dụng. Theo Quỳnh, cách làm này là ý tưởng hay, góp phần giúp người trẻ bớt sống lãng phí.

Quỳnh nói mình không quan tâm quá nhiều về sự chênh lệch giá cả giữa các món đồ ấy thế nào mà cái chính là câu chuyện ở mỗi bức thư đính kèm và tìm thấy sự đồng điệu khi trao đổi, đọc được những câu chuyện ấy.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *