Ngày 26-11, Tuổi Trẻ Online trò chuyện với Thạch Hoàng Anh – sinh viên năm thứ ba, ngành tài chính ngân hàng (Trường đại học Cần Thơ) – nghe Hoàng Anh kể về câu chuyện nghiên cứu dùng phụ phẩm nông nghiệp giúp bảo vệ ngăn sâu bệnh và cung cấp dưỡng chất cho hạt giống cây rừng.
Đây là sản phẩm nông nghiệp mang tính ứng dụng cao từ góc nhìn của người trẻ miền Tây.
Mong phủ xanh rừng ngập mặn từ dự án Áo giáp hạt giống
Hoàng Anh là chủ nhân dự án “Áo giáp hạt giống” xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, giải nhì cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp thanh niên Cần Thơ 2024, giải khuyến khích Sáng kiến Mekong 2024 và nhiều giải thưởng khác.
Nói về ý tưởng khởi nghiệp, Hoàng Anh chia sẻ Trà Vinh là quê hương của Hoàng Anh là một tỉnh giáp biển có những khu rừng ngập mặn. Hiện nay có nhiều nguyên nhân làm cho diện tích rừng ngập mặn ở nước ta đứng trước nguy cơ ngày càng bị thu hẹp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do nạn chặt phá rừng, biến đổi khí hậu, tác động của gió, bão, sóng biển… Do đó việc bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn là một vấn đề cấp thiết.
“Đặc biệt hạt giống không nảy mầm hoặc sinh trưởng yếu có thể do chịu tác động của những nguyên nhân trên. Vì thế em lên ý tưởng nghiên cứu làm “áo giáp” bên ngoài hạt giống để giảm rủi ro cây chết ngay từ quá trình gieo ươm cây mầm và tiết kiệm chi phí tối đa.
Đầu tiên dự án này nghiên cứu và ứng dụng chủ yếu dành cho cây rừng”, Hoàng Anh nói.
Tối ưu công nghệ từ phụ phẩm nông nghiệp
Theo đó sản phẩm “Áo giáp hạt giống” có dạng viên tròn (đường kính khoảng 3cm), ứng dụng công nghệ nhả chậm thông minh cấu thành nên 2 lớp bảo vệ hạt giống.
Quy trình tạo ra sản phẩm gồm phối trộn nguyên liệu, tạo viên và phủ màng. Lớp vỏ bên ngoài từ bã cà phê trộn, keo hữu cơ tạo màng với nấm tricoderma.
Loại nấm trên giúp vi sinh vật sống chống lại các loại nấm hại trong đất, giúp cân bằng pH đất trung tính, giải độc đất, phân giải chất xơ như cỏ, cây, cành lá khô… thành mùn hữu cơ.
Lớp thứ hai kết hợp giữa nấm tricoderma và rơm rạ đã được tính toán chi tiết hàm lượng dinh dưỡng đủ cho cây trồng. Chỉ cần một viên một lần cho giai đoạn ươm mầm đến thành cây con.
“Khi bón vào đất, lớp áo bên ngoài hạt giống sẽ dần tan rã phát huy tính năng giúp cung cấp chất dinh dưỡng cây sinh trưởng thành phát triển tốt nhất.
Còn khi chưa sử dụng, hai lớp áo bên ngoài có nhiệm vụ như “áo giáp” giúp bảo vệ hạt giống, ngăn chặn sự tấn công mối mọt gây hại hạt giống”, Hoàng Anh thông tin.
Hiện sản phẩm “Áo giáp hạt giống” thành phẩm có giá 30.000 đồng/kg, chủ yếu cung cấp cho các dự án trồng cây gây rừng.
Trước đó vào năm 2021, dự án này được Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh triển khai thí điểm với cây gõ nước (một loài cây nằm trong Sách đỏ) tại nơi có rừng ngập mặn là cù lao Long Trị và xã Mỹ Long Nam (tỉnh Trà Vinh).
Hoàng Anh chia sẻ thêm hiện anh có cung cấp ra thị trường sản phẩm “Áo giáp” dạng thô, tức chỉ lớp vỏ dinh dưỡng không có hạt giống dùng bón phân trong các vườn cây ăn trái, vườn ươm giống.