Bữa ăn bán trú và gánh nặng kép về dinh dưỡng

Ban giám hiệu Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP.HCM) luôn theo sát bữa ăn bán trú của học sinh – Ảnh: M.G.

Tại hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức vừa qua, các chuyên gia đã nêu thực tế đáng báo động: Trẻ em Việt thừa cân béo phì cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, tỉ lệ trẻ em thừa cân béo phì đã tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020, riêng khu vực thành thị lên tới 26,8%.

Gánh nặng kép về dinh dưỡng

Trước đó vào tháng 10-2024, tại hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt lần 2 do Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức, các chuyên gia chỉ ra rằng Việt Nam hiện đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng.

Trong khi tỉ lệ thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh chóng thì vẫn còn tới 18,2% trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi, riêng vùng Tây Nguyên lên tới 25,9%.

Điều này cho thấy một thực tế đáng lo ngại: nhiều trẻ em không có bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng.

Theo các chuyên gia, 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi. Trong bối cảnh đó, bữa ăn bán trú cần được coi là một giải pháp chiến lược để cải thiện thực trạng này.

Tuy nhiên thực tế có những bất cập, đòi hỏi sự quan tâm và hành động quyết liệt từ các bên liên quan. Phụ huynh, dù rất muốn tham gia giám sát bữa ăn bán trú, thường gặp rào cản lớn từ việc thiếu kiến thức dinh dưỡng và cơ chế để thực hiện.

Chỉ quan sát bữa ăn là không đủ, phụ huynh cần hiểu thế nào là dinh dưỡng cân bằng và hợp lý.

Đồng thời các trường học nên có cơ chế khuyến khích sự tham gia của phụ huynh. Chẳng hạn lắp camera để minh bạch hóa quá trình chuẩn bị và cung cấp thực phẩm.

Ở bậc học mầm non và tiểu học, đội ngũ nhân sự chuẩn bị bữa ăn thường là nhân viên hợp đồng tạm thời, thiếu đào tạo bài bản về dinh dưỡng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn, mà còn gây áp lực cho nhà trường trong việc quản lý.

Do đó cần có chính sách đãi ngộ hợp lý và chương trình tập huấn bắt buộc để đảm bảo các nhân sự này đủ năng lực phục vụ trẻ.

Nhiều trường học tự quyết định thực đơn mà không có sự tham khảo từ chuyên gia dinh dưỡng. Một số nơi thậm chí không tuân thủ các tiêu chuẩn cơ bản về an toàn thực phẩm.

Luật hóa bữa ăn bán trú

Để khắc phục, cần có luật chuyên biệt về dinh dưỡng học đường, bao gồm quy định chi tiết về tiêu chuẩn thực phẩm, quy trình chế biến và bảo quản, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan.

Luật hóa bữa ăn học đường cũng cần đi kèm với cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt và xử lý vi phạm minh bạch.

Chỉ khi có hành lang pháp lý đủ mạnh, các chính sách và sáng kiến mới có thể đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả bền vững.

Doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm học đường. Họ không chỉ cung cấp nguyên liệu mà còn có thể tài trợ bữa ăn miễn phí cho các vùng khó khăn như một trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên để vai trò này được phát huy tối đa, cần xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch và công bằng, nơi các doanh nghiệp chân chính được khuyến khích tham gia, trong khi các hành vi vi phạm bị xử lý nghiêm khắc.

Một khía cạnh quan trọng khác là giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường.

Trẻ em cần được học cách lựa chọn thực phẩm và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh từ sớm. Các chương trình ngoại khóa hoặc giờ học chuyên biệt về dinh dưỡng có thể được lồng ghép vào chương trình học chính thức, giúp các em hiểu rõ hơn về vai trò của thực phẩm đối với sức khỏe.

Bên cạnh đó, thể dục và vận động cũng cần được đẩy mạnh, giúp trẻ duy trì cơ thể khỏe mạnh và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một chiến lược dinh dưỡng học đường toàn diện không chỉ giúp giải quyết các thách thức hiện tại, mà còn đặt nền tảng cho một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh, năng động và trí tuệ trong tương lai.

Kinh nghiệm của Nhật Bản về Luật Bữa trưa học đường

Theo Luật Bữa trưa học đường của Nhật Bản, các bữa ăn là một phần của hoạt động giáo dục về dinh dưỡng, với chuyên gia về dinh dưỡng được bố trí tại tất cả các trường tiểu học.

Ngoài việc được giáo dục về giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm và bữa ăn đủ chất, học sinh còn được giáo dục về việc khai thác nguồn thực phẩm từ tự nhiên một cách hợp lý gắn với trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, hiểu về chu trình làm ra thực phẩm và trân trọng công sức của những người làm ra thực phẩm, khám phá và trân trọng văn hóa ẩm thực phong phú của đất nước.

Thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm cách đây 50 năm: Tăng từ 1,5 lên 1,72m với nam, và từ 1,49m lên 1,58m với nữ.

Đến đầu những năm 2000, khi chiều cao của người dân đã được cải thiện thì Nhật Bản lại đối mặt với tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt ở người trẻ.

Vì vậy sau một đánh giá toàn quốc về dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia thì luật cơ bản về giáo dục thực phẩm và dinh dưỡng đã được nước này ban hành vào tháng 6-2005 để thay đổi thói quen ăn uống của người dân.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *