Đó là chia sẻ của ông Ngô Minh Hiếu – Trung tâm Giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia – tại Hội thảo xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động, ngày 17-4.
Hacker đánh cắp thông tin thế nào?
Theo ông Hiếu, hầu hết vụ việc lừa đảo trên mạng từ lộ thông tin cá nhân, mạng xã hội hoặc kẻ lừa đảo đánh vào lòng tin, lòng tham, sự lo lắng.
Nhiều cá nhân dùng chiêu trò “thao túng tâm lý”, mời người dùng tải app giả mạo VNeID, cơ quan thuế với logo, giao diện giống của cơ quan nhà nước.
Khi người dùng không đọc kỹ, nhấn vào đường link lạ, app có chèn mã độc, hacker hoặc kẻ lừa đảo có thể chiếm quyền kiểm soát máy tính, điện thoại từ xa.
“Người dân tuyệt đối không cài ứng dụng bên ngoài mà chỉ cài trên kho ứng dụng chính thống, được kiểm chứng”, ông nói.
Một sai lầm phổ biến, theo ông Hiếu, đó là người dùng lưu thông tin như mật khẩu, tài khoản Facebook, tài khoản ngân hàng trên điện thoại, máy tính.
“Khi nhiễm mã độc, tất cả những thông tin như tài khoản, mật khẩu sẽ bị hacker kiểm soát”, ông cảnh báo.
Chuyên gia còn nói thêm nhiều người bị lừa “việc nhẹ lương cao” xuất phát từ tâm lý khó khăn về kinh tế để lấy thông tin, sau đó dùng deepfake hoặc chiếm tài khoản mạng xã hội thể lừa thêm người thân, bạn bè.
Ví dụ, công nhân đăng ảnh, thông tin cá nhân lên Facebook nhưng để chế độ công khai, kẻ xấu có thể lưu dữ liệu đó cho mục đích đánh cắp danh tính.
Để bảo vệ, người lao động chỉ đăng bài viết, hình ảnh với chế độ bạn bè, bảo mật tài khoản mạng xã hội hai bước.
“Mất tài khoản Facebook, ngân hàng đều nguy hiểm. Hacker có thể dùng tài khoản mạng xã hội để lừa bạn bè, người thân qua cắt ghép hình ảnh, thông tin”, ông nói.
Ông Hiếu gợi ý người lao động phải thường xuyên đổi mật khẩu, mật khẩu khó đoán, cấu trúc trên 12 ký tự gồm chữ hoa, chữ thường, ký tự đặc biệt.
Công an Hà Nội nói gì về “tín dụng đen”?
Thiếu tá Lê Văn Ước – phó trưởng Phòng an ninh kinh tế Công an thành phố Hà Nội – cho biết nhiều công nhân khó khăn về kinh tế tìm tới hiệu cầm đồ, thế chấp bảng lương, hợp đồng lao động, nhờ người quen đứng tên để vay tiền, thường dưới 50 triệu đồng song lãi suất cao.
Các hình thức phổ biến là vay qua nhóm, diễn đàn, tài khoản Facebook, Zalo hoặc “bốc bát họ”, vay tín chấp lãi suất cao. Khi vay, theo thiếu tá Ước, người lao động nghĩ vay ngắn hạn, thủ tục đơn giản song vì khó khăn, “lãi chồng lãi”.
Có trường hợp bị nhóm tín dụng đen đến tận nhà đòi nợ, không tìm được người vay, chúng tìm đến người thân, đồng nghiệp.
Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, doanh nghiệp và triển khai chuyên đề, kế hoạch, triệt phá, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức “tín dụng đen”.
Ngành sẽ nghiên cứu, tham mưu Ngân hàng Nhà nước, UBND các địa phương cho công nhân vay ưu đãi, thời gian ngắn, thủ tục đơn giản.
Thiếu tá Lê Anh Tuấn – phó trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an – chỉ rõ tội phạm mạng có nhiều hình thức mới như đặt cược tài chính chọn nhị phân qua các sàn Forex, cá cược thể thao điện tử (eSports)…
Ông nêu nhiều giải pháp ngăn chặn tội phạm mạng như từ ngày 1-7, các giao dịch trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học bằng mống mắt, vân tay, đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn các cuộc gọi từ khu vực thường xuyên có hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Ông Ngọ Duy Hiểu – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – đánh giá tội phạm lợi dụng khó khăn về đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên, lao động để lừa đảo tín dụng, dụ dỗ công nhân dính vào ma túy, cờ bạc, rượu chè…
Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, ông Hiểu cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp để công nhân, lao động yên tâm sản xuất, kinh doanh, gắn bó với doanh nghiệp.