Chúng tôi tin rằng trên hành trình đến trường, mỗi vòng xe sẽ chở theo ước mơ và khát vọng vươn xa của các em, góp phần dựng xây một ngày mai tươi sáng hơn.
Ông PHẠM VĂN HÓA (phó giám đốc Agribank chi nhánh Phú Nhuận)
Trong hai ngày 26 và 27-11, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Agribank chi nhánh Phú Nhuận (TP.HCM) đã trao 400 suất học bổng Gieo mầm tri thức tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Mỗi suất 2 triệu đồng gồm xe đạp và dụng cụ học tập dành cho học sinh nghèo vượt khó. Tổng giá trị chương trình trên 800 triệu đồng do Agribank chi nhánh Phú Nhuận tài trợ.
Bạn đến trường mới từ chương trình Gieo mầm tri thức
Từ đêm hôm trước, Hồ Thị Theo – học sinh lớp 8A Trường THCS Thuận (xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) – đã soạn sẵn bộ đồng phục cùng khăn quàng đỏ, chà đôi dép sạch bóng để sáng sớm hôm sau đi nhận học bổng Gieo mầm tri thức. Theo kể thao thức cả đêm, ngủ không tròn giấc và chỉ mong đến sáng.
Là con thứ ba trong gia đình có bảy anh chị em, bố mẹ Theo làm nương rẫy mỗi năm thu được chừng 20 triệu đồng tiền bán sắn. Muốn lắm nhưng bố mẹ không đủ sức mua cho Theo chiếc xe đạp dù nhà bạn cách trường đến 8km.
Mỗi ngày, cô bé ra đường lớn nhìn các bạn đạp xe đến trường mà ao ước ngày nào đó mình cũng có chiếc xe đạp như thế. Theo chờ bạn đi qua xin được ai cho đi nhờ đến trường thì xin. “Bất tiện lắm chứ, ngại nữa vì cứ phải nhờ hết bạn này đến bạn khác nhưng nhà quá xa trường làm sao ngày nào cũng đi bộ mãi được”, Theo nói.
Nhận chiếc xe còn mới cứng màu sơn, Theo cười tít mắt cứ đứng ngắm mãi. Theo bảo từ giờ đã có thể chủ động đến trường, tham gia hoạt động ngoại khóa, không e ngại đến trường nữa mà sẽ cố học giỏi để sau này còn giúp bố mẹ, bản làng thoát nghèo.
Hai bố con Hồ Văn Cung và Hồ Nhật Thiện (lớp 5 Trường THCS Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nói rất vui khi được tặng xe đạp mới. Ông Cung bị thoái hóa khớp háng đã phải mổ từ ba năm trước cả hai chân, chi phí hơn 160 triệu đồng dù được bảo hiểm nhiều khoản.
Sau khi mổ, ông mất sức lao động hoàn toàn và chỉ có thể phụ việc vặt, nấu ăn. Một mình vợ ông phải vào Đắk Lắk làm thuê để lo cho gia đình bốn người. Hồ Nhật Thiện đã tự đến trường từ hồi lớp 2. Nhiều năm, chiếc xe cũ không còn dùng được nữa nên có những hôm Thiện phải cuốc bộ, muộn giờ học. “Có xe mới nên đỡ lo xe hư hay cháu bị muộn học nữa, tôi rất mừng và cảm ơn chương trình nhiều lắm”, ông Cung bộc bạch.
Đồng hành lâu dài
Học bổng Gieo mầm tri thức ra đời từ năm 2018 và đều đặn thực hiện mỗi năm, trải dài nhiều tỉnh thành cả nước như cách chia sẻ với vất vả của các bạn học sinh nghèo khó. Không ít bạn ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn có thêm phương tiện để đường đến trường bớt nhọc nhằn hơn.
Ông Phạm Văn Hóa – phó giám đốc Agribank chi nhánh Phú Nhuận – cho biết năm 2024 đơn vị này tiếp tục thực hiện chương trình Gieo mầm tri thức với 800 suất học bổng trị giá 1,6 tỉ đồng. Tính đến nay, trong bảy năm chương trình đã trao 4.565 học bổng trị giá hơn 9,31 tỉ đồng.
“Những chiếc xe đạp không chỉ là phương tiện rút ngắn thời gian đến trường, giảm bớt gánh nặng cho gia đình học sinh mà còn là niềm hy vọng, tiếp thêm động lực để các bạn tự tin tiến bước đến tương lai. Chúng tôi mong muốn tiếp tục cùng báo Tuổi Trẻ đồng hành để nâng bước các bạn đến trường thuận lợi hơn, cùng góp phần ươm mầm tương lai của đất nước”, ông Hóa chia sẻ.
Đại diện báo Tuổi Trẻ nói những suất học bổng là tình cảm, lời động viên ân cần cũng là sự ghi nhận công sức học tập của các bạn nhỏ. Mong các bạn tự tin hơn trên con đường học tập, rèn luyện và phấn đấu thành công dân tốt, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Dự kiến trong tháng 12, chương trình sẽ tiếp tục đến với học sinh nghèo tại hai tỉnh Đắk Lắk và Cà Mau. Sẽ có 400 suất học bổng (tổng trị giá 800 triệu đồng) cho hai nơi này.
Năm thứ 7 Agribank cùng báo Tuổi Trẻ Gieo mầm tri thức
Bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo
Hồ Viết Thành Đạt (lớp 7 Trường THCS Phong Bình, tỉnh Thừa Thiên Huế) là con thứ ba trong gia đình sáu người con. Từ bé Đạt đã học cách đan lưới đánh cá kiếm tiền vì vài lần mẹ tính cho bạn nghỉ học do khó khăn quá. “Em muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cho những người nghèo không có tiền như nhà em”, Đạt hồn nhiên chia sẻ làm nhiều người có mặt tại buổi lễ nghẹn ngào.
Người bạn cùng trường với Đạt, Hồ Thùy Linh (lớp 9/2) nói muốn trở thành tiếp viên hàng không như di nguyện của người cha đã mất. Dù mỗi ngày đi bộ vài cây số đến trường song cô bé quyết tâm: “Khó khăn đến mấy em cũng phải đến trường, có việc làm để phụ mẹ nuôi em, phụng dưỡng bà ngoại”.