Sáng 2-4, Trường đại học Thương mại tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2023 – “Chuyển đổi số với phát triển bền vững”.
Ông Phan Thế Công – thành viên nhóm biên soạn báo cáo, cho hay mặc dù chịu tác động của kinh tế thế giới, song Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới.
Đang có tình trạng “hô khẩu hiệu” trong chuyển đổi số
Đáng chú ý, chuyển đổi số được thực hiện tốt ở Việt Nam theo hướng toàn diện, toàn dân, đóng góp cho phát triển kinh tế. Đặc biệt, hạ tầng số tạo nền tảng cho phát triển nhanh, Chính phủ số, Chính phủ điện tử góp phần cải cách hành chính; xã hội số và kinh tế số phát triển ở nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
Thống kê năm 2023, kinh tế số đóng góp 12,33% vào GDP. Tuy nhiên, ông Công cho rằng hiện vẫn chưa có nhận thức và thực hiện đúng, đầy đủ về chuyển đổi số. Việc đầu tư tài chính, hành lang pháp lý, chính sách khi áp dụng thực tế còn vướng mắc. Chưa kể, kinh phí từ ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như hạ tầng và công nghệ còn hạn chế.
Với dự báo tăng trưởng năm 2024 đạt mức 5,78%, ông Công cho rằng phát triển dữ liệu số, định danh số, thanh toán số và kỹ năng số, nhân lực số sẽ là những xu hướng chủ đạo trong chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới.
Góp ý, ông Phạm Xuân Hòe – tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam – cho rằng chuyển đổi số là quá trình thay đổi tư duy. Trong đó tư duy chính sách và quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành là rất quan trọng.
“Vậy thay đổi tư duy làm chính sách như thế nào?” – ông Hòe đặt câu hỏi khi chỉ ra thực trạng hiện nay chúng ta đang nặng về xây dựng chiến lược, mục tiêu, giải pháp, “hô khẩu hiệu” hơn là thực tế thực hiện, triển khai sao cho hiệu quả.
Bởi theo ông, nếu không thể chế hóa cụ thể các việc cần làm, chính sách sẽ chỉ “nằm trên giấy”. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là nguồn lực tài chính đầu tư ra sao, đào tạo nhân lực và xây dựng hạ tầng số thế nào? Theo ông, những tư duy này còn “quá mờ nhạt” trong làm chính sách ở Việt Nam.
Ví dụ như lĩnh vực ngân hàng, vừa qua có các vụ mất tiền trong tài khoản của người dân, cho thấy có những rủi ro rất lớn và thách thức trong chuyển đổi số. Bởi có trường hợp có thể do bị lộ lọt thông tin, hoặc có thể do bị hacker tấn công vào hệ thống ngân hàng.
Gần nửa số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ một thời gian rồi bỏ
Ông Lương Minh Huân – viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) – cho hay qua khảo sát đã chỉ ra gần một nửa doanh nghiệp được hỏi có thực trạng là chỉ ứng dụng công nghệ một thời gian rồi từ bỏ.
“Thực tế ta hô hào nhiều nhưng chưa hiểu cốt lõi bài toán nhận thức, mục tiêu chuyển đổi số như thế nào để triển khai hiệu quả” – ông Huân đánh giá.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng Việt Nam đã bắt nhịp nhanh khi đã sớm đưa ra chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, là nước có thu nhập trung bình thấp với 3.700 USD nhưng đã cam kết Net Zero vào năm 2050.
Tuy nhiên theo ông, cấu trúc kinh tế số Việt Nam hiện nay rất có vấn đề, mới chỉ đạt tỉ trọng là 12,33%. Do đó, ông cho rằng cần phải có những giải pháp để thu thập các thông tin, dữ liệu về chuyển đổi số trong các ngành ở Việt Nam để có cách nhìn, đánh giá đầy đủ hoạt động này nhằm đưa ra chính sách phù hợp.
Đồng tình, từ kết quả nghiên cứu của báo cáo, ông Công cũng đưa ra khuyến nghị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách trong chuyển đổi số để triển khai hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đầu tư hạ tầng số, nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến, phát triển nhân lực số, phát triển hệ sinh thái số…