Việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam bà Phùng Thị Sơn, chủ của hai con chó béc giê đã cắn chết bé gái 5 tuổi, là kịp thời và đúng pháp luật.
Chuyện nhỏ trở thành chuyện to
Câu chuyện đau lòng này không phải là mới, nhưng tiếp tục gióng hồi chuông báo động đối với tình trạng nuôi chó mèo trong cộng đồng không kiểm soát, gây thương tích và tính mạng cho người khác.
Rất nhiều vụ việc nuôi thú cưng, nhất là chó dữ nhưng chủ nuôi thiếu hiểu biết pháp luật, không quản lý chặt chẽ, thả rông chó ra đường phố, không rọ mõm, để chó cắn người gây thương tích, làm chết người.
Nhẹ hơn thì để chó, mèo phóng uế, gây mất an toàn, vệ sinh môi trường tại các khu dân cư.
Tưởng chừng nhiều người sẽ rút ra bài học kinh nghiệm cho mình khi nuôi chó. Nhưng dường như các quy định pháp luật chưa tới được, sự vô trách nhiệm, thiếu ý thức của các chủ nuôi đã khiến những việc đáng tiếc như trên vẫn liên tiếp xảy ra.
Nhẹ hơn, nhiều chuyện nhỏ, từ chỗ góp ý với nhau về quản lý vật nuôi trong xóm giềng bỗng trở thành to chuyện, xích mích nhau, làm mất tình làng nghĩa xóm, mất an ninh trật tự khu dân cư.
Và một phần trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương chưa thật sự sâu sát, quyết liệt trong thực thi các quy định pháp luật về quản lý vật nuôi tại cộng đồng dân cư.
Còn tình trạng nể nang, dễ dãi, ngại va chạm, nhất là tại vùng nông thôn.
Hành vi thiếu trách nhiệm, chủ nuôi chó dữ trở thành nạn nhân
Về mặt pháp lý, hiện nay Luật Chăn nuôi đã quy định rõ về trách nhiệm khi nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác; giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y…
Nếu để chó, mèo tấn công, gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Đây là những thiệt hại ngoài hợp đồng, được quy định cụ thể tại điều 603 Bộ luật Dân sự.
Bên cạnh đó, về mặt hành chính, chủ nuôi chó mèo thiếu trách nhiệm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 90/2017/NĐ – CP, với mức từ 1-2 triệu đồng nếu:
Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng (chó, mèo); không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng…
Cao nhất, pháp luật hình sự cũng quy định một số tội phạm cụ thể đối với chủ nuôi chó, tùy tính chất, mức độ vi phạm:
Nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý chó nuôi của mình, để chó tấn công gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 138 Bộ luật Hình sự) với hình phạt có thể lên tới 3 năm tù giam.
Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng hơn, làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (điều 128 Bộ luật Hình sự) với hình phạt có thể lên tới 10 năm tù giam.
Đặc biệt, trường hợp chủ nuôi chó cố ý thả chó, sử dụng chó nuôi (nhất là đối với loại chó dữ như pitbull) làm công cụ tấn công người khác gây thương tích có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích (điều 134 Bộ luật Hình sự) với hình phạt có thể lên tới tù chung thân.
Hoặc làm chết người, có thể bị xử lý hình sự về tội giết người (điều 123 Bộ luật Hình sự) với hình phạt có thể lên tới tử hình.
Nếu chủ nuôi chó thiếu trách nhiệm quản lý vật nuôi, dẫn đến vô ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định 144/NĐ-CP của Chính phủ.
Chủ nuôi chó cần phải nắm những quy định pháp luật cơ bản để việc nuôi chó được an toàn, bảo đảm vệ sinh nơi công cộng, không để mình trở thành nạn nhân của chính hành vi thiếu trách nhiệm của mình khi sở hữu vật nuôi.