Phát triển kinh tế xanh phải chung tay mới làm được

Các khách mời cùng chia sẻ với bạn trẻ tại Diễn đàn “Thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững” 2024 – Ảnh: VŨ TUẤN

Diễn đàn được tổ chức ngày 29-11 tại tỉnh Thái Bình trong chuỗi hoạt động của Liên hoan thanh niên nông thôn toàn quốc 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Không nhất thiết phải áp dụng công nghệ mới nhất, đắt tiền nhất bởi công nghệ luôn có ở khắp nơi, quan trọng là các bạn trẻ dành thời gian và áp dụng nó phù hợp thế nào.

Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG(Công ty cổ phần Birdnest KYC)

Phát triển kinh tế xanh: Công nghệ hay nhưng cũng cần nhận thức tốt

Ông Nguyễn Quốc Cường – trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Birdnest KYC – cho hay xu thế Netzero (sản xuất cân bằng carbon) và Zero Carbon (không phát thải carbon) trong nông nghiệp là xu thế tất yếu. Vì thế các mô hình kinh tế của thanh niên cũng không thể nằm ngoài xu thế kinh tế xanh này.

Tuy nhiên, muốn xây dựng các mô hình kinh tế thanh niên chuẩn công nghệ cao và bền vững, trước tiên mỗi bạn trẻ cần xác định phải thay đổi tư duy để có thể bắt kịp xu thế này. Theo ông Cường, cần phải nhìn thẳng vào thực tế việc sản xuất bất cần quan tâm đến bảo vệ môi trường, bảo vệ môi sinh hay phát triển thiếu bền vững như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học quá tải đã đến lúc buộc phải dừng lại.

Ông Cường nói việc cân bằng giữa lợi nhuận và bảo vệ môi trường cũng là bài toán cần được giải đáp một cách căn cơ. Trong đó cần áp dụng công nghệ hiện đại để cân đối giữa lợi nhuận và bảo vệ môi trường.

“Chúng ta nên ngồi lại, quan sát xem thế hệ đi trước, những người có kinh nghiệm đã làm thế nào để áp dụng những mô hình sao cho phù hợp nhất”, ông Cường nói.

Trong khi đó, ông Võ Trung Âu – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp bền vững quốc gia – cho rằng việc áp dụng công nghệ phải cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng và hoàn cảnh sản xuất, kinh doanh cụ thể.

Đồng tình, chị Mai Thị Tươi – phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Thái Bình – thừa nhận để có được nền nông nghiệp xanh và bền vững, nhất thiết phải có sự chung tay mới làm được.

Chị Tươi nói quan trọng nhất là chuỗi giá trị nông nghiệp trong mô hình ấy từ những nhà cung cấp đầu vào, người trực tiếp sản xuất, chăn nuôi, cơ sở chế biến và cuối cùng là nơi tiêu thụ. Mỗi khâu trong chuỗi ấy đều cần phải thay đổi nhận thức mới có được chuỗi nông nghiệp xanh và bền vững.

“Ngay từ khâu trực tiếp sản xuất, các bạn khi chọn ứng dụng công nghệ nào cần phải phù hợp với tiêu chuẩn tại thị trường mình hướng đến để đảm bảo chuyện đầu ra của sản phẩm”, chị Tươi chia sẻ.

Kinh tế xanh và vai trò của tuổi trẻ - Ảnh 2.

Bạn trẻ nông thôn với mô hình vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2024 – Ảnh: VŨ TUẤN

Truyền cảm hứng cho thanh niên nông thôn

Tại diễn đàn, chuyên đề “Thanh niên nông thôn và phong trào ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy, tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, sáng tạo” là chủ đề được bàn thảo sôi nổi.

Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo – chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed – nhắn nhủ các bạn trẻ phải đầu tư công nghệ mới mong đẩy mạnh sản xuất.

Ông Báo kỳ vọng các bạn trẻ “sống có lý tưởng, có khát vọng và có đam mê”. Lý giải, ông Báo nói người trẻ bây giờ đều là công dân toàn cầu nên không thể không học và tìm hiểu về công nghệ được. Tuy vậy, công nghệ chỉ là công cụ nên chúng ta phải có chiến lược riêng cho bản thân trong quá trình làm ăn.

“Mỗi bạn phải xác định cho mình lý tưởng sống, cần rõ ràng với nhau rằng chúng ta sinh ra không phải chỉ để tồn tại mà phải biết cống hiến. Khi được thừa hưởng những giá trị mà chúng ta đang có thì chúng ta phải biết ơn những người đã sáng tạo, cống hiến làm nên những thành quả mà chúng ta đang được thừa hưởng ấy”, vị anh hùng lao động nhắn nhủ các bạn trẻ.

Cùng chia sẻ tại diễn đàn hôm qua còn có cậu học trò lớp 12 Nguyễn Văn Ngọc Đức vừa hoàn thành phần thi của mình tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2024.

Chia sẻ về việc dấn thân sáng tạo, đam mê công nghệ, Đức thật thà bảo: “Vì đấy là đam mê của tuổi trẻ và bản thân nghĩ rằng việc sáng tạo không bao giờ được dừng lại mà luôn phải đi tới phía trước. Khi sáng tạo, mình có thêm kiến thức và cơ hội hoàn thiện hơn bản thân”.

Đức tự nhận bản thân chỉ là một phần rất nhỏ bé trong hàng triệu thanh niên Việt Nam. Có chăng là bạn đã vinh dự góp mặt tại diễn đàn này để cùng chia sẻ suy nghĩ của cá nhân nên bạn mong có thể góp chút sức mọn cùng mọi người “thổi bùng ngọn lửa đam mê sáng tạo của các bạn trẻ”.

“Hoàn thành việc học một cách tốt nhất, chọn được ngôi trường đại học phù hợp năng lực, đam mê và mơ ước được trở thành nhà nghiên cứu cơ khí, công nghệ. Rất mong mỗi bạn trẻ hãy luôn mạnh dạn nói lên suy nghĩ, chia sẻ hoài bão, khát vọng của mình và luôn tiến lên phía trước”, Đức nói về định hướng tương lai của mình.

Ông Đào Duy Bình – giám đốc sản xuất, đồng sáng lập thương hiệu Limit Foods (Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm sáng tạo), cũng là đại diện ban chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của – cho rằng tuổi trẻ là thời gian nhiều năng lượng nhất trong cuộc đời nên cần có và hãy xác định cho mình đam mê nghiên cứu.

“Hãy biến nhiệt huyết tuổi trẻ thành năng lượng tích cực, chọn cái khó, cái nâng cao giá trị để làm và biến điều đó thành xu thế của tuổi trẻ”, ông Bình gửi gắm.

Dự án phát triển ngành muối bền vững chiến thắng

Dự án Phát triển bền vững ngành muối bằng công nghệ Nano Salt của bạn Trần Thị Hồng Thắm (Nghệ An) đã giành giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2024.

Hai dự án: Bảo tồn và phát triển, xây dựng thương hiệu Vùng trà shan tuyết Tủa Chùa (Điện Biên) và Lò đốt vàng mã không khói bụi (Quảng Ninh) đồng giải nhì. Ngoài ra, còn có ba giải ba và ba giải khuyến khích cho các dự án khác.

Giải nhất trị giá 50 triệu đồng và hỗ trợ tối đa 1 tỉ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm để triển khai dự án. Giải nhì 30 triệu đồng và hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng. Các giải ba và giải khuyến khích trị giá lần lượt 15 triệu đồng và 10 triệu đồng.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *