Các khoản chi vào dịp Tết Ất Tỵ đã được lên danh sách cơ bản, được cân đo đong đếm chi tiết. Trong đó nhiều bạn thẳng thắn cắt ngay các khoản chi tiêu tốn kém, đắt đỏ khi kinh tế chưa có dự báo sáng sủa hơn.
Mang theo cơm, canh giờ vàng săn hàng
Như một số bạn trẻ khác khi được hỏi, Bảo Trân (23 tuổi, ở TP.HCM) nói ngay đã vào chế độ “thắt lưng buộc bụng” chuẩn bị cho cái Tết đang đến gần. Mới gia nhập thị trường lao động chưa lâu nên Trân cũng chưa có khoản tiết kiệm nào.
Tuy nhiên không thể đón Tết với cái ví rỗng nên buộc phải cắt giảm chi tiêu bữa giờ. Mấy tháng trước, nhận lương 7 triệu đồng là cô gái tiêu sạch vào tiền trọ, ăn uống, mỹ phẩm, quần áo… Nhưng đầu tháng 10, Trân khoe để dành được hơn 3 triệu đồng nhờ hạn chế đi chơi, mua sắm và cả cắt giảm trà sữa!
Với mỹ phẩm, bạn chọn mua món vừa phải, quần áo cũng chọn “hàng second hand” thay cho đồ trong shop xịn. “Nếu giữ được đà tiết kiệm này đến Tết ít cũng được tầm chục triệu để tiêu”, Trân cười.
Trong khi đó Võ Thanh Trúc (26 tuổi, ở Bình Dương) nói chỉ mua những thứ nào thật sự cần thiết, còn quần áo sẽ phối lại đồ cũ. Cuối năm thường nhu cầu mua sắm cao song Trúc nói năm nay kinh tế khó khăn quá nên phải bấm bụng tiết kiệm hết mức mới mong dư chút đỉnh biếu bố mẹ, lo hương khói ông bà rồi còn lì xì cho các cháu.
Thay cho thói quen ăn ngoài, Trúc tự nấu ăn đơn giản. “Mình thường làm cả ngày nên hay ăn ngoài cho tiện nhưng mấy tháng cuối năm này thì nấu cơm mang theo, cũng tiết kiệm được kha khá”, Trúc khoe.
Tương tự Thu Vinh (23 tuổi, ở TP.HCM) cũng tiết kiệm bằng việc tự nấu ăn cơm. Tránh lãng phí, cô nàng còn lên trước thực đơn, canh khung giờ vàng để mua thực phẩm giảm giá. Tranh thủ có voucher, Vinh đã kịp đặt vé xe về quê Tết với giá khá hạt dẻ.
Vinh chia sẻ kế hoạch: “Từ giờ đến cuối năm không sắm sửa bất cứ thứ gì chưa cần thiết. Chi tiêu hằng tháng chia thành bốn hạng mục: nhu cầu thiết yếu, giải trí, khoản phát sinh và tiết kiệm. Khoản chi tiêu giải trí sẽ hạn chế đến mức tối đa để bù trừ vào những bữa tiệc cuối năm với công ty”.
Lên kế hoạch, tránh “vung tay quá trán”
Đang làm nhân viên truyền thông tại một studio ở TP.HCM, Nguyễn Thiên (23 tuổi) kể đã lập bảng dự trù các khoản chi tiêu cuối năm. Nhờ vậy, anh dự kiến mình cần khoảng bao nhiêu tiền cho Tết này để có kế hoạch từ sớm.
Đó là các khoản mua đồ tân trang nhà cửa, quần áo mới mặc Tết, tiền lì xì, quà cáp… Thiên nói sẽ không mua thêm món nào khác dù có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cuối năm, hạn chế “vung tay quá trán”.
“Mình nghĩ lên kế hoạch từ sớm là cần thiết, nếu không muốn rơi vào cảnh lúng túng về tiền bạc cuối năm. Đang có tài chính dư dả thì tốt, nhưng nếu không được vậy, bạn càng phải có nguyên tắc tiết kiệm hợp lý để không mất đi không khí ngày Tết Ất Tỵ”, Thiên nói.
Còn Trúc Anh (24 tuổi, ở TP.HCM) cho rằng chi tiêu gì cũng cần phù hợp túi tiền của mình chứ không nên “nướng” sạch tiền tiết kiệm cả năm cho vài ngày Tết. “Quà tặng hay lì xì cốt là ở tấm lòng, nên đừng đặt nặng quá điều này mà tự gây áp lực. Ai cũng hiểu lứa tuổi như tụi mình mấy ai có nhiều tiền đâu mà chi xài hàng hiệu, quà xịn. Quan trọng là gia đình sum vầy, chia sẻ cùng nhau là vui rồi”, Trúc Anh chia sẻ.
Tận dụng cơ hội tăng thu nhập
Không chỉ tiết kiệm, có bạn còn tranh thủ “cày job” để tăng thu nhập. Thanh Phúc (21 tuổi, sinh viên năm cuối ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) kể đã nhận nhiều dự án từ giờ đến cuối năm để tăng thu nhập bởi nhu cầu thiết kế ấn phẩm, chỉnh sửa ảnh cuối năm thường tăng cao.
Cuối năm cũng là thời điểm nhiều công ty, trung tâm thương mại tổ chức các sự kiện, tiệc tất niên nên Phan Ngân (22 tuổi, ở TP.HCM) tranh thủ làm thêm PG hay khán giả tại một số sự kiện. “Mấy công việc này có thể linh động thời gian, rảnh lúc nào đăng ký làm lúc đó, cũng không đòi hỏi chuyên môn cao, chỉ cần ngoại hình chỉn chu chút và phù hợp là được”, Ngân cười.
Sinh viên THANH PHÚC (Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM)