Ngày 13-3, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải thoái vốn tại Mỹ trong vòng sáu tháng. Dự luật còn trải qua nhiều bước trước khi thành luật, nhưng ngay cả khi ByteDance buộc phải chấp nhận bán TikTok, việc tìm được người mua cũng là một trở ngại lớn.
Buộc ByteDance “cắt đứt” với TikTok
Ngày 14-3, phản ứng với dự luật Hạ viện Mỹ vừa thông qua, Bắc Kinh nói việc vin vào lý do an ninh quốc gia để tước đi lợi thế cạnh tranh của các nước khác là điều “không công bằng”. “Cách Mỹ xử lý vụ việc của TikTok khiến cả thế giới nhìn rõ cái gọi là trật tự dựa trên quy tắc của Mỹ đang phục vụ thế giới hay là chính nước này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói.
Dự luật nói trên là một trong những trường hợp đồng thuận hiếm hoi trong bối cảnh chính trường Mỹ đang chia rẽ nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói ông sẽ ký phê chuẩn nếu dự luật với tên gọi chính thức là “Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát” được thông qua tại Thượng viện.
Kể từ năm 2020, hoạt động của TikTok tại Mỹ luôn bị đặt trong tầm ngắm khi các nhà lập pháp Washington ngày càng lo ngại mối liên hệ giữa Bắc Kinh và ByteDance có thể làm tăng nguy cơ với an ninh quốc gia của Mỹ.
Dự luật vừa thông qua có mục đích buộc ByteDance trong vòng sáu tháng phải bán TikTok cho một chủ sở hữu không thuộc Trung Quốc, nếu không nó có thể bị xóa khỏi các kho ứng dụng của Apple và Google, hoặc không được cung cấp dịch vụ lưu trữ web một cách hợp pháp tại Mỹ.
Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew kêu gọi người dùng ở Mỹ chia sẻ câu chuyện của mình và lên tiếng với các nhà lập pháp. “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, bao gồm cả việc thực hiện các quyền hợp pháp của mình để bảo vệ nền tảng tuyệt vời mà chúng tôi đã cùng các bạn xây dựng”, ông Chew nói trong video đăng trên mạng xã hội X.
Theo USA Today, người Mỹ đang cho thấy sự chia rẽ quan điểm về một lệnh cấm với TikTok. Một thăm dò gần đây của Hãng tin AP và Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng Mỹ cho thấy khoảng 31% người trưởng thành ở Mỹ nói sẽ ủng hộ lệnh cấm TikTok trên toàn quốc, trong khi 35% phản đối điều này. Nhưng đối với những người sử dụng TikTok hằng ngày, 73% nói sẽ phản đối lệnh cấm.
Nếu giữ lời hứa sẽ ký phê chuẩn lệnh cấm TikTok, Tổng thống Joe Biden có khả năng mất đi nền tảng mạng xã hội mà chiến dịch tranh cử của ông và nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ khác đang dựa vào để thu hút cử tri trẻ tuổi.
Khó tìm được người mua
Dự luật buộc ByteDance phải bán TikTok đang được Mỹ đốc thúc, nhưng dù với bất cứ hình thức thoái vốn nào, việc bán nền tảng này cũng sẽ gặp nhiều thách thức.
Ngày 13-3, Bắc Kinh cảnh báo động thái cấm TikTok tại Mỹ sẽ là “gậy ông đập lưng ông” với Mỹ. Trong trường hợp dự luật trở thành luật, các bên mua tiềm năng đối với TikTok cũng có những lựa chọn rất hạn chế. Theo đó, trong vòng sáu tháng ByteDance phải sắp xếp một cuộc mua bán đảm bảo TikTok không nằm dưới sự kiểm soát của các nước nằm trong danh sách các đối thủ nước ngoài của Mỹ, bao gồm Trung Quốc.
ByteDance cũng sẽ không được duy trì bất cứ quan hệ nào với TikTok sau khi đã bán ứng dụng, bao gồm cả việc kiểm soát các thuật toán. Những thuật toán do các kỹ sư ByteDance phát triển giúp TikTok theo dõi người dùng và điều phối các nội dung họ xem đã khiến ứng dụng này có trên điện thoại của 170 triệu người dùng tại Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ban hành quy định phải có sự xem xét của chính phủ nước này trước khi bất cứ thuật toán nào của ByteDance được cấp phép cho nước khác.
Vì vậy, việc bán TikTok nhưng không kèm theo các thuật toán chủ chốt khiến điều này giống như bán một chiếc Ferrari mà không có động cơ, báo New York Times bình luận. Tờ báo này cũng dẫn nguồn chuyên gia ước tính giá trị của TikTok tại Mỹ có thể lên tới hơn 50 tỉ USD. Đây là một con số khá lớn, ngay cả những gã khổng lồ công nghệ như Google hay Microsoft, dù có khả năng chi, cũng phải xem xét đến những vấn đề liên quan đến việc chống độc quyền.
Nếu thành luật, Mỹ sẽ đặt tiền lệ cho thế giới
TS Georgios Samaras, giáo sư chính sách công tại Đại học King’s College London (Anh), cho rằng lệnh cấm TikTok của Mỹ sẽ là một tiền lệ cho việc quản lý mạng xã hội trên thế giới.
Trả lời Đài CNN, TS Samaras nói lệnh cấm này sẽ là một “động thái chính trị táo bạo”, ảnh hưởng không chỉ đến TikTok, mà còn đến nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác. “Nó mở đường cho việc hướng đến một trọng tâm cụ thể, thay vì quản lý các nền tảng mạng xã hội, hãy chỉ loại bỏ chúng”, giáo sư Samaras nhận định.
TikTok hiện đang bị hạn chế trên thiết bị chính phủ tại một số nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Úc, cũng như với các nhân viên tại Ủy ban châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “Mọi khả năng đều có thể xảy ra nếu nước Mỹ tiên phong và các nước phản ứng. Vì đây sẽ là trường hợp đầu tiên ở phương Tây”, giáo sư Samaras nói thêm.