Bên cạnh việc các cá nhân và đơn vị thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý trước khi bay, cũng còn không ít trường hợp vẫn chưa hiểu rõ hoặc cố tình vi phạm.
Phải đăng ký, xin phép trước khi bay
Ngày 27-11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân. Đáng chú ý, luật mới quy định rõ việc quản lý drone, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không.
Anh Hải Phạm, một phóng viên ảnh tại Hà Nội, cho biết nhiều năm nay vẫn sử dụng flycam để tác nghiệp và mỗi lần tác nghiệp tại các khu vực trọng yếu như quận Ba Đình, Hoàn Kiếm đều phải làm công văn sang Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) để xin giấy phép.
“Dù có sự hỗ trợ từ cơ quan trong việc tác nghiệp báo chí nhưng cần có thời gian và không phải khu vực nào đăng ký cũng được cấp phép bay”, anh Hải Phạm cho hay.
Các quy định về việc đăng ký, cấp phép, sử dụng bay drone và thiết bị bay khác đã được quy định chi tiết trong Luật Phòng không nhân dân. Trong đó nêu rõ drone phải được đăng ký trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Drone trước khi đưa vào sử dụng phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Quốc phòng ban hành hoặc công nhận; có giấy chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Riêng với drone nhập khẩu, ngoài điều kiện quy định trên phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật khi nhập khẩu vào Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Ông Phan Thanh Trung, giám đốc điều hành Air Nano Việt Nam – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ drone, cho biết trước khi luật được thông qua, công ty ông đã nắm và vẫn làm đúng theo quy định trước đó.
“Những sản phẩm drone chúng tôi nhập từ nước ngoài về phải được cấp phép từ Bộ Công Thương và các giấy tờ nhập khẩu của Bộ Quốc phòng. Từ khi nhập về cho tới khi hoạt động bay phải xin rất nhiều loại giấy tờ, nhưng quan trọng nhất là giấy phép của Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng”, ông Trung cho hay.
Tuy vậy không phải có được giấy phép của Cục Tác chiến sẽ được bay drone ngay mà giấy phép này sẽ được gửi về Phòng phòng không của quân khu, Ban phòng không của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh thành mà đã đăng ký bay trước đó.
“Tiếp đến chúng tôi phải đi làm công tác hiệp đồng bay với Ban phòng không của bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Mình bay ở đâu, địa chỉ cụ thể nào, mục đích gì, thời gian ra sao, bay bao lâu, người điều khiển là ai và có đủ chứng chỉ bay hay không đều phải khai báo chi tiết”, ông Trung thông tin.
Cũng theo ông Trung, hiện tại chứng chỉ đào tạo bay drone được bên hãng sản xuất drone cấp cho người điều khiển sau khi đã qua một lớp đào tạo.
Luật Phòng không nhân dân cũng nêu chi tiết các điều kiện khai thác và sử dụng drone, quy định rõ tổ chức và cá nhân sử dụng drone phải dự báo, thông báo, hiệp đồng bay và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng drone.
Điều này đã được quy định tại nghị định 76/2011 của Chính phủ. Cụ thể, Cục Tác chiến là đơn vị sẽ cấp phép bay hoặc ra văn bản từ chối cấp phép bay trong các trường hợp để đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn hàng không và khi chưa cung cấp đầy đủ thông tin quy định trong đơn đề nghị cấp phép bay.
Không thể bay “chui”
Ghi nhận thực tế cho thấy vẫn có rất nhiều trường hợp sử dụng drone “chui” và đã bị xử lý.
Anh Nguyễn Hữu Thắng, một người chụp ảnh về bất động sản ở Hà Nội, cho biết do thủ tục đăng ký bay khá phức tạp nên đã từng sử dụng flycam “chui” và bị quân đội phát hiện, xử lý.
Tương tự anh Phạm Đức Phú, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp hình về lễ hội, cho biết một số lần cũng đã bị quân đội phát hiện và công an xử phạt khi chụp hình tại các lễ hội lớn dịp Tết.
“Trước đây tôi cũng bay flycam nhiều nơi và thấy nhiều người nói khu vực không cấm thì cứ bay. Nhưng sau một số lần bị thu flycam và bị xử phạt, tôi đã tìm hiểu các thủ tục để được cấp phép bay”, anh Phú thông tin.
Về vấn đề này, một đại diện thuộc phòng quân báo – trinh sát Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ cho biết đơn vị đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm khi sử dụng drone.
“Chúng tôi đã sử dụng thiết bị chuyên dụng để chế áp, bắn hạ với nhiều trường hợp sử dụng drone trái phép, đặc biệt là lễ Tết. Những drone vi phạm được thu lại để kiểm tra, sau đó sẽ bàn giao việc xử phạt cụ thể cho bên công an xử lý”, vị này cho biết thêm.
Nhiều ý kiến cho rằng cần siết chặt hơn nữa quy định về bay drone như đối với điều khiển xe máy, ô tô.
Ông Phan Thanh Trung cho rằng nên định danh thiết bị drone để khi xảy ra sự cố thì các cơ quan có thẩm quyền có thể truy xuất, xử lý. Đối với người sử dụng drone cần phải được đào tạo bài bản từ đơn vị đã được cấp phép.
Mức phạt khi vi phạm khi sử dụng drone đã được Chính phủ quy định tại nghị định 114/2021 quy định rõ cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 – 2 triệu đồng, tổ chức là từ 2 – 4 triệu đồng.
Ngoài khu vực cấm bay và khu vực hạn chế bay, các drone có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25kg, độ cao bay thực tối đa không quá 50m, tốc độ bay không quá 40km/h và thiết bị phát sóng vô tuyến đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tầm ngắn sử dụng công suất nhỏ, là thiết bị bay được điều khiển bằng tay, chủ yếu phục vụ mục đích vui chơi giải trí sẽ không cần xin phép bay.
Ngoài ra việc sử dụng drone để bảo vệ tính mạng, tài sản của tổ chức và cá nhân theo quyết định của cấp có thẩm quyền nhưng phải thông báo đến cơ quan quản lý hoạt động bay trước khi bay cũng thuộc trường hợp không phải xin cấp phép bay.