Những thông tin này được chia sẻ tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024 tổ chức tại Hà Nội, vừa khai mạc sáng 2-12.
Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội tổ chức, với sự tham dự của hơn 700 đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước và đại diện 18 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới, cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực công nghệ…
Với chủ đề “Thành phố thông minh – Kinh tế số – Phát triển bền vững” và bảy hội thảo chuyên đề, sự kiện này được kỳ vọng là diễn đàn lớn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.
“Theo thống kê, đến tháng 12-2023 cả nước có 902 đô thị với tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỉ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ… Tôi cho rằng kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới có thể là câu trả lời” – ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch VINASA, nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực.
Là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng đó, Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành. Theo thống kê, đến nay đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh.
Một bài toán lớn đang đặt ra cho các đô thị tại Việt Nam là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong sự biến động không ngừng của kinh tế, xã hội và công nghệ… Theo các chuyên gia, chỉ có kinh tế số – kinh tế xanh và công nghệ mới có thể là câu trả lời.
Trong đó, kinh tế số đòi hỏi thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống; kinh tế xanh là sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa. Và yếu tố công nghệ mới đến từ những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), automotive…
Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chia sẻ đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, ba lĩnh vực trọng tâm của thành phố là: Giao thông đô thị; Bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa, du lịch; Bảo vệ môi trường nước, không khí. Để triển khai đề án một cách hiệu quả, Hà Nội cũng đã ban hành Chiến lược dữ liệu thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Theo kế hoạch, ngày 6-12, Hà Nội sẽ khai trương Trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với cách tiếp cận hợp tác công tư, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để vừa tăng cường hiệu quả và tối ưu chi phí đầu tư. Đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên của một thành phố trong cả nước áp dụng mô hình này.