Đồng thời, fan chính là người tiêu dùng, mà tiêu dùng là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Đu idol tận Thái Lan, Singapore
Theo dõi Kpop và thần tượng nhóm nhạc Hàn Quốc đình đám SNSD từ năm 2012, nhưng đến 2023, Tất Đạt (làm việc trong ngành báo chí ở TP.HCM) mới đi “đu idol”của idol lần đầu. Tháng 7 và tháng 8-2024, Đạt sang Thái Lan và Singapore xem concert của ca sĩ Taeyeon – trưởng nhóm SNSD. Trước đó vào tháng 6, anh đi Seenfestival tại Hội An (Quảng Nam) xem Hyoyeon – thành viên SNSD.
Đạt chia sẻ, kỷ niệm vui nhất là chuyến đi xem concert Taeyeon ở Thái Lan hồi tháng 7-2023, đó là lần đầu anh đi “đu idol” ở nước ngoài.
“Cảm giác được nghe trực tiếp giọng ca yêu thích của mình suốt 11 năm vô cùng sung sướng và thỏa mãn. Dù là lần đầu, mình vẫn dự trù ngân sách nên chuyến đi suôn sẻ”, Đạt nói và cho hay sau đợt đó, nhóm bạn đi xem concert chung với anh vẫn gắn bó đến nay.
Với chàng trai 26 tuổi, đi xem concert như một mục tiêu trong cuộc sống. Anh nuôi hy vọng trong tương lai sẽ tự kiếm được tiền để bước đến gần hơn với idol, được trực tiếp lắng nghe những giọng ca yêu thích. “Do đó, mình có thêm động lực phát triển bản thân, cầu tiến trong công việc, bên cạnh động lực từ gia đình và người thân.
Tham gia concert, mình mới biết idol đã chăm chỉ luyện tập ra sao để có những màn trình diễn tốt. Từ đó, họ truyền cảm hứng cho mình hoàn thiện mỗi ngày”, anh tâm sự.
Tương tự, là fan của ca sĩ kiêm diễn viên Đài Loan Lại Quán Lâm (cựu thành viên nhóm nhạc Wanna One), Xuân Thảo (27 tuổi, đã đổi tên, ở quận 5, TP.HCM) cho biết vì tính chất idol nên cô không đi xem concert mà gặp idol thông qua các hoạt động khác, 100% nước ngoài.
“Mình gặp cũng khoảng 7 – 8 lần, 99% là vì thích idol, 1% là sẽ kết hợp du lịch nếu phù hợp”, Thảo nói. Cô cho biết thêm, việc gặp idol giúp cô nâng cấp bản thân, mở rộng vốn hiểu biết và kiếm tiền nhiều hơn.
Năm 2019, cô gái khi đó 21 tuổi lần đầu đi Singapore tham dự fan meeting của idol. “Lúc đó tôi đã tự đi làm thêm tiết kiệm tiền, và phải thuyết phục gia đình đồng ý để thực hiện chuyến đi”, cô cho biết.
Thừa nhận idol từng có một số scandal do “truyền thông bẩn”, khi đó, Thảo sẽ tiếp nhận thông tin trước rồi đính chính những điều không đúng chứ không tranh cãi.
Theo Thảo, idol của mình là người không bao giờ từ bỏ nếu có khó khăn. Mỗi lần cảm thấy bế tắc, Thảo đều nghĩ về điều này và cũng muốn sống tử tế với mọi người như idol. Hiện tại, Lại Quán Lâm đã tuyên bố giải nghệ.
Người hâm mộ đóng góp tăng trưởng kinh tế?
Hiện nay, một số ý kiến cho rằng các bạn trẻ đi đu idol là phí tiền, mất thời gian, không mang lại lợi ích gì cho bản thân và xã hội.
Nhưng theo Tất Đạt, tương tự như đi du lịch, theo dõi trận bóng đá tại sân vận động, xem vở kịch hay các show trình diễn…, đi dự concert chắc chắn tốn tiền bạc và thời gian, nhưng giá trị tinh thần rất lớn, như được thể hiện và nhận lại tình cảm, giải trí, truyền cảm hứng hay chữa lành.
“Ngày nay, giải trí đang trở thành ngành công nghiệp lớn mạnh. Tính riêng hoạt động tham gia concert, mỗi fan đã đóng góp doanh thu cho hãng hàng không, công ty giải pháp thanh toán, nền tảng đặt vé… Chưa kể, nếu tổ chức trong nước còn giúp ích cho các điểm lưu trú, hàng quán, dịch vụ vận chuyển, nhà thầu sự kiện…
Ở đây, fan chính là người tiêu dùng, mà tiêu dùng là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế”, chàng trai là fan “ruột” của ca sĩ Taeyeon nhận định.
Với cô gái là nhân viên văn phòng Xuân Thảo, tiền do mình kiếm ra có quyền được xài vì bất kỳ lý do nào, miễn sao cảm thấy vui và tích cực. Theo Thảo, các bạn fan xem idol là động lực phát triển bản thân, chăm chỉ kiếm tiền để tự chi trả khi đi concert là điều rất tốt.
“Tất nhiên tôi không ủng hộ các bạn dùng tiền ba mẹ, phung phí để đua theo “đu” idol”, Thảo nói.
Nên cân đối mọi thứ hợp lý
Theo ThS Lê Anh Tú – CEO iGem Agency, không chỉ ngày nay mà từ xưa, người ta thường có thần tượng để theo đuổi, hâm mộ.
Nói đến việc hâm mộ idol một cách tích cực, ngoài ủng hộ sản phẩm của idol, ThS Anh Tú nhận định đó còn là học hỏi mặt tốt của những người nổi tiếng này.
“Tất nhiên khi họ trở thành cá nhân xuất sắc, được nhiều người mến mộ, sẽ có những đức tính đáng để mình học, như kiên trì tập luyện, đam mê với công việc, luôn cố gắng phát triển bản thân, năng lực”, ông Tú nói.
Song, nếu tốn quá nhiều thời gian vào việc “đu idol”, hay vung tay quá trán cho mỗi đợt xem concert thì không khuyến khích. “Mọi thứ vẫn nên cân đối. Bản thân người hâm mộ phải biết thoát ra khỏi cám dỗ”, ông Tú cho biết.
Theo ông, nhìn từ góc độ người làm giải trí, showbiz, người ta sẽ luôn phải sản xuất nội dung mới, tạo ra nhiều cách để giữ lửa, giữ tên tuổi với khán giả. Nhưng ở góc độ fan, nhất là các bạn trẻ, phải tự kiểm soát chuyện đánh đổi thời gian, sức khoẻ, tiền bạc sao cho hợp lý.
Lưu ý gì khi đi ‘đu idol’ ở nước ngoài?
Tất Đạt cho biết, để đi xem concert ở nước ngoài, việc đầu tiên là chọn điểm dừng chân trong mỗi tour. Thông thường, fan Việt chọn đi Thái Lan vì gần, rẻ, ban tổ chức địa phương tốt, văn hóa xem concert phát triển nên các fandom có nhiều hoạt động hấp dẫn xoay quanh concert.
Sau đó phải đặt vé concert. Nếu không tự tin đặt, fan sẽ phải thuê bên thứ ba đặt vé hộ và tốn thêm phí. Có vé rồi mới đặt vé máy bay và khách sạn, cũng như lên các hội nhóm tìm bạn đồng hành.