Giành lại con trẻ từ thế giới game online, dễ không?

Từ 25-12-2024 doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý thời gian chơi game online của người dưới 18 tuổi – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Như đã thông tin, nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25-12, trong đó có quy định người chơi dưới 18 tuổi chỉ được chơi 1 game không quá 60 phút, và tổng thời gian chơi trong ngày không quá 180 phút.

Rất nhiều bạn đọc ủng hộ và mong quy định được thực thi nghiêm khắc.

Bạn đọc Trang Nguyễn gửi đến Tuổi Trẻ Online chia sẻ ý kiến của mình xung quanh vụ việc.

“Không lẽ tôi sẽ mất con thật sao?”

Vô số lần chúng ta bắt gặp dòng tâm sự của bố mẹ bật thốt trong xót xa, day dứt, trăn trở khi đề cập đến cái thế giới mà các cô cậu quý tử của mình say sưa “chinh chiến”: game online!

Một lần đến nhà một người bạn thân, chúng tôi mới vỡ òa chứng kiến nỗi niềm bất lực của người làm cha mẹ khi con cái lỡ sa chân vào nghiện game.

Bạn bảo sẽ gọi con trai ra chào mọi người rồi tiến đến bấm chuông cửa phòng con ngay cạnh cầu thang. 

Sau mấy hồi chuông inh ỏi, cánh cửa hé mở không gian tối om, âm thanh chát chúa dội ra chan chát. Mái đầu bù xù ló ra, dáng vẻ thất thần và khuôn mặt cau có của cậu con trai lớp 9 làm chúng tôi ngỡ ngàng…

Đứa trẻ kháu khỉnh, đáng yêu vô cùng trong mắt chúng tôi ngày trước đã xóa nhòa từ bao giờ khi con bập vào game. Bạn xót xa kể năm con vào lớp 7, bạn tá hỏa nhận tin nhắn mời họp của cô giáo chủ nhiệm mới biết con trốn học la cà quán net.

Và bi kịch gia đình có một đứa con nghiện game bắt đầu mở ra cánh cửa xám xịt: mật phục quán game bắt tại trận con đang “chinh chiến” với đám chiến hữu trong các trận đánh ảo diệu.

Hàng loạt những chiêu thức được áp dụng như: to tiếng nạt nộ, tịch thu điện thoại, khóa trái cửa phòng, khuyên nhủ, năn nỉ, nước mắt ngắn dài thủ thỉ cùng con… Tuy nhiên, tất tần tận mọi chiêu trò có thể kéo con ra khỏi game bạn đều đã thử mà hoàn toàn bất lực.

Chỉ vì mê game online mà đứa con hiếu thảo, nói chuyện hài hước đã bị cướp trắng và trả về cho vợ chồng bạn một đứa trẻ dám la hét đòi điện thoại, dám đập cửa phá đồ vì không được chơi game, dám hăm dọa hất tung mọi thứ bỏ nhà ra đi…

Thậm chí, mấy vết cứa nơi cánh tay con bằng vật sắc nhọn là “phát súng” cuối cùng khiến bạn đầu hàng.

“Bập” vào game và những hệ lụy khó lường

Nếu trước đây bố mẹ phải canh trước quán net để bắt tận tay núm ruột trốn học cày game thì giờ đây mỗi đứa trẻ hầu hết đều sở hữu một chiếc smartphone, iPad, cơ hội “bập” vào game và mối nguy nghiện game càng hiện hữu.

Thời gian bị đốt cháy không thương tiếc bởi những game thủ say sưa với màn hình điện thoại.

Không hiếm để gặp những cậu học sinh vốn ngoan ngoãn, hiền lành, học giỏi có tiếng bỗng chốc sa sút trầm trọng, hỏi ra mới biết đang tập tành chơi game rồi nghiện. 

Nỗi lo lắng của mọi người có dịp dâng cao khi tin tức về một game thủ gục ngã trên bàn máy vi tính sau mấy ngày đêm liền căng mắt. Rồi tiền bạc không cánh mà bay vèo vèo bởi muốn nâng cấp level phải chi tiền mua vật phẩm.

Báo chí liên tục đưa tin về những vụ trộm cướp chấn động về mức độ liều lĩnh của bao tên tội phạm đang ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.

Đó là còn chưa kể đến việc game bạo lực làm tha hóa đạo đức của một bộ phận không nhỏ game thủ. Suốt ngày bắn, giết, chém. Và bắn, giết, chém trong đời thực cũng dễ dàng xuống tay hơn.

Xin tiền ông ngoại không cho, nhẫn tâm giết ông ngoại; sang nhà bên cạnh trộm đồ bị phát hiện, ra tay sát hại người hàng xóm; thuê taxi ra ngoại thành, dùng người tài xế để thử nghiệm bạo lực trong game… Đó là những tin tức gây ra làn sóng bất an trong xã hội nước ta cũng như các nước khác.

Đừng để con vuột khỏi tầm tay!

Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Phải chăng sự nuông chiều quá mức, sự thờ ơ, vô tâm và cả cách giáo dục sai lầm của một số cha mẹ đã bắc cầu cho trẻ sa đà vào game?

Ngay từ nhỏ, rất nhiều phụ huynh đã thả rông con cái với những chiếc điện thoại đắt tiền, máy tính bảng hiện đại. 

Thấy con cái chơi nhiều, không có sự uốn nắn, bảo ban mà luôn mang tư tưởng lớn tí nữa rồi lo!

Và sự thật là khi con cái lớn thì vuột khỏi tầm tay. Để cứu vãn, một số người đã phải mua máy về cho con chơi trong nhà, còn hơn suốt ngày phải chạy đến các quán nét tìm con. Sai lầm càng kéo theo sai lầm!

Chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình chưa thực sự gắn kết để giáo dục học sinh. Các chế tài xử phạt, các quy định quản lý nhà game, quán net chưa thật sự phát huy hiệu quả. Và quan trọng nhất là mỗi người chưa đủ tỉnh táo giữ mình trước sự lôi kéo, cám dỗ của thế giới ảo.

Vì vậy trước hết, mỗi học sinh cần trau dồi một ý thức học tập. Hãy trân trọng những giây phút ngồi trên ghế nhà trường hồn nhiên, bởi đó sẽ là hành trang tuyệt đẹp cho đường đời còn dài sau này. Đừng để game khống chế mình…

Gia đình hãy là tổ ấm chở che, bảo bọc với tình yêu thương luôn ngập tràn và sự uốn nắn đúng sai…

Nhà trường cần tạo ra một sân chơi lành mạnh với các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ thu hút sự hứng thú của học sinh. 

Các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa sự quản lý đối với game online, mạng xã hội.

Ngăn trẻ nghiện game online – trách nhiệm này không của riêng ai mà đòi hỏi một sự chung tay của cả cộng đồng.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *