Học sinh Mỹ phát hiện hợp chất chống ung thư mới

Một em học sinh được hướng dẫn nghiên cứu các mẫu vật trong chương trình của Đại học Illinois tại Chicago, Mỹ – Ảnh: ACS Omega

Theo trang phys.org ngày 2-12, nhóm học sinh trung học cơ sở đang tham gia chương trình khoa học kéo dài 14 tuần tại phòng thí nghiệm của Đại học Illinois (thành phố Chicago, Mỹ) do ông Brian Murphy dẫn dắt.

Phòng thí nghiệm này tập trung vào việc khám phá kháng sinh từ các nguồn tự nhiên. Nhóm học sinh tham gia chương trình đã thu thập và phân tích các mẫu từ môi trường để tìm kiếm “ứng viên” kháng sinh mới. Các em cũng lập trình một robot chuyên dụng để lấy các khuẩn lạc từ đĩa thí nghiệm và thử nghiệm hoạt động của chúng đối với kháng sinh.

Trong 14 mẫu thu thập được, các em phát hiện phân ngỗng ở công viên Garfield Park Lagoon tại địa phương có chứa một loại vi khuẩn gọi là Pseudomonas idahoensis.

Dựa vào dữ liệu xét nghiệm sinh học của vi khuẩn, các em kết luận rằng nó có hoạt tính kháng sinh và tạo ra một hợp chất chưa từng thấy trước đây.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Illinois sau đó đã xác định cấu trúc phân tử của hợp chất này bằng phương pháp phân tích quang phổ cộng hưởng từ hạt nhân và khối phổ, đặt tên là orfamide N.

Họ phát hiện hợp chất này có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư hắc tố ở người và ung thư buồng trứng trong các thí nghiệm nuôi cấy. Các nghiên cứu sâu hơn có thể tiết lộ những đặc tính hữu ích khác của phân tử mới được phát hiện này.

Các nhà nghiên cứu cho biết công trình này chứng minh rằng có thể kết hợp tiếp cận giáo dục với nghiên cứu khám phá tự nhiên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ gắn kết giữa các trường đại học và các cộng đồng giáo dục tại địa phương.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí ACS Omega.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *