Người ảo AI vừa livestream bán hàng vừa chốt đơn tại chợ Bến Thành, KOL đến chợ hướng dẫn tiểu thương sử dụng các ứng dụng công nghệ để bán hàng qua mạng…
Những sự kiện vừa diễn ra ở TP.HCM như một chỉ dấu cho thấy sự bao trùm và len lỏi của chuyển dịch số vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Không còn khu biệt trong ngành công nghệ, số hóa giờ đã thành nhịp sống số, cuộc sống số, thời đại số… mà không ai có thể cưỡng lại được.
Vậy hệ sinh thái số liên kết hệ thống trong và giữa mọi lĩnh vực, xóa hầu hết các ranh giới đã đủ yếu tố để hình thành một nền văn minh thời đại số với định nghĩa của một nền văn minh hay chưa? Thước đo tính văn minh trong cuộc sống số của chúng ta đã đạt đến mức nào?…
Tuổi Trẻ mời những nhà sáng tạo nội dung số nhiều thế hệ cùng thảo luận về sự hình thành nền văn minh thời đại số, những thước đo của tính văn minh trong thời đại số và cuộc sống số hiện đại, tiện lợi và nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn nguy cơ và thách thức khắc nghiệt.
Đầu Xuân, mời bạn đọc theo dõi cuộc thảo luận thú vị này…
– GS Trương Nguyện Thành: Gần đây, những lúc đạp xe trên những cánh đồng hay trong rừng, tôi thường suy nghĩ về tương lai cuộc sống con người chúng ta trong thời đại của công nghệ.
Mỗi chúng ta dường như đang có hai mặt của cuộc đời: một là cuộc sống thật của bản thân, hai là cuộc sống mà ta chia sẻ với mọi người trên mạng xã hội. Thế trên mạng xã hội ta có trở thành một người khác hay không?
Rồi mọi thứ sẽ đi về đâu khi mà càng ngày ranh giới giữa cái thật, cái ảo đang càng ngắn lại, và sẽ đến một lúc không còn ranh giới nữa.
Với sự phát triển của công nghệ, robot đang ngày càng giống con người, công nghệ ngày càng chi phối cuộc sống con người. Tôi cho rằng con người chúng ta chưa có sự chuẩn bị tâm thế rõ ràng cho những đổi thay này, nên đã có nhiều hệ lụy xảy ra.
Tâm thế đúng là chúng ta phải kéo cuộc sống ảo gần hơn với cuộc sống thật, hãy sống thật sự con người của mình trên thế giới ảo là mạng xã hội, có vậy chúng ta sẽ không bỡ ngỡ để mà tiếp tục sống thoải mái khi ranh giới thật – ảo thực sự không còn nữa.
– Tạ Thùy Minh: Tôi không suy nghĩ nhiều về ranh giới thật – ảo mà cho rằng thế giới mới, thời đại mới của công nghệ là thế giới mà mình không thể chối từ, sẽ buộc phải bước vào mà không có lựa chọn.
Tôi cũng cho rằng nếu tính trên nền tảng của tri thức – tầm hiểu biết chung về công nghệ số và những ứng dụng số hóa vào cuộc sống thì nền văn minh thời đại số đã hình thành rồi và phát triển rất nhanh chứ không cần phải tích lũy ý thức, tinh thần, vật chất qua ngàn năm như những nền văn minh mà con người đã trải qua trong lịch sử nhân loại.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn chuyển giao, và tất nhiên sẽ phải trải nghiệm nhiều thứ chưa được văn minh (theo nghĩa tính từ) của giai đoạn ấy.
Bản thân chúng ta – với cuộc sống đang được vận hành bởi càng lúc càng nhiều những ứng dụng công nghệ cho đến mức mọi thứ sẽ rối tung nếu ứng dụng trục trặc hay ngừng lại, thì chúng ta đã là người của nền văn minh ấy rồi, thậm chí đã sắp thành “người máy”.
Và tôi cho rằng sứ mệnh của con người trong nền văn minh thời đại số là chia sẻ những hiểu biết của mình cho mọi người càng nhiều càng tốt. Càng chia sẻ nhiều, nền văn minh số sẽ càng văn minh hơn. Đây không còn là thời kỳ của những bí mật khép kín như kim tự tháp mà tới giờ con người vẫn chưa thể giải mã.
– Lê Tuấn Uy (Uy Lê): Tôi đồng ý với chị Thùy Minh về nhận xét rằng con người chúng ta đang ngày càng gần với máy móc công nghệ hơn, kể cả về phương diện sinh học – y học.
Công nghệ thông tin với kho dữ liệu khổng lồ đã cho con người một bộ não thứ hai, phục vụ rất nhiều cho việc tích lũy và ứng dụng tri thức, nhưng lại cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Mọi thứ công nghệ quanh chúng ta đều đang phụ thuộc vào những thuật toán. Khi ta tìm hiểu một thứ gì đó trên mạng, tưởng như mọi thông tin đều đã được cá nhân hóa cho riêng mình, nhưng thật ra lại bị chi phối bởi các công ty sở hữu thuật toán, và người dùng sẽ chỉ được xem những gì mình mong muốn chứ không phải tất cả thông tin nhiều chiều quanh nó.
– Thùy Minh: Nền văn minh nào cũng có thủ lĩnh, và họ sẽ là người chi phối, người đưa ra luật chơi.
Sức mạnh của cộng đồng mạng là một sức mạnh mà chúng ta có thể đo lường được bằng những con số nhưng lại khó lường được hiệu quả cũng như hậu quả. Thử thách bản lĩnh của những người sáng tạo nội dung như chúng ta là làm sao để giữ được mình không bị cuốn theo sức mạnh đó.
– Trần Mỹ Phương Hà: Tôi bước vào thế giới số, có những vai diễn – con người ảo – trên mạng xã hội được 5 năm, lúc đầu là một công việc mới, và đến giờ đã trở thành cuộc sống thường nhật mỗi ngày: viết kịch bản – chuẩn bị cảnh quay – diễn – dựng – hậu kỳ, kiểm soát kênh trên mạng xã hội…
Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng của cuộc đời vào đây, cố gắng giữ cho mình tỉnh táo trong thế giới này, cái đầu lạnh và trái tim nóng để làm việc khi còn được người xem ủng hộ. Khi nào không còn được ủng hộ nữa thì tôi sẽ nghĩ đến những hướng đi mới.
– Lê Nhựt Quan: Tôi 22 tuổi, nhưng quá trình học và làm việc cũng đã được trải nghiệm qua một số công việc trên các nền tảng truyền thông khác nhau trước khi trở thành một TikToker – người của mạng xã hội như hiện nay.
Trong quá trình ấy, tôi đã được học hỏi rất nhiều để mỗi ngày mỗi trưởng thành hơn và xuất hiện trên mạng xã hội như một phiên bản hoàn thiện hơn của bản thân mình.
Hiện tại, công việc sáng tạo nội dung số chiếm tất cả thời gian của tôi, cũng đã giúp tôi nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống của mình và gia đình.
Mạng xã hội lên xuống rất thất thường, đào thải rất mạnh và khắc nghiệt đòi hỏi tôi càng phải phấn đấu để bản thân mỗi ngày phải mới mẻ hơn, các clip sản xuất ra phải ý nghĩa hơn, giữ được người xem trong từng phút.
– Uy Lê: Là diễn viên hài độc thoại, nhóm chúng tôi chủ yếu biểu diễn trên sân khấu. Và khi có thêm hàng triệu người xem trên mạng xã hội thì tôi thấy mình có trách nhiệm hơn, buộc phải tự kiểm soát, rèn luyện, bồi dưỡng bản thân nhiều hơn vì trên mạng sẽ có những lớp khán giả mới như là trẻ em – vốn sẽ dễ bị ảnh hưởng ngay khi chưa đủ nhận thức.
Nền văn minh mà chúng ta đang có được mở rộng bởi công nghệ, bởi các liên kết số hóa, kèm theo đó là nguy cơ về việc mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát, quản lý và nguy cơ hành vi con người bị điều khiển bởi sự cộng hưởng và lan tỏa trên mạng. Thực tế cho thấy trên mạng xã hội đã có nhiều người bị ảnh hưởng hành vi rất lớn, những hiện tượng “bắt nạt mạng” đôi khi đã vượt quá sức chịu đựng của một con người.
Bàn tròn “Văn minh thời đại số” tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ – Ảnh: QUANG ĐỊNH
– GS Trương Nguyện Thành: Cái gì cũng có những mặt tích cực và tiêu cực. Con người cũng vậy, cũng có hai mặt: người – con, thần – quỷ. Cuộc đời thực của chúng ta còn bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ, ràng buộc bởi những tri thức đã được học, bởi quy tắc ứng xử đã được đào tạo, tích lũy.
Khi xuất hiện với một nickname trên mạng xã hội, không có những ràng buộc bên cạnh, lại được sự cổ vũ của những người bạn vô hình, người ta dễ cảm thấy không cần giữ quy tắc, dễ cuốn theo cảm xúc nhất thời và những hiệu ứng đám đông, có thể vô tình hoặc cố ý gây ra những điều phản cảm…
Tôi cho rằng ngoài tri thức thì hành trang cần thiết để sống trên mạng xã hội là lòng tự trọng và sự cảm thông, chia sẻ. Nếu sống trên mạng cũng như sống trong đời thật thì bạn sẽ hạn chế được những ứng xử quá mức tầm văn hóa của mình cũng như tiêu chuẩn cộng đồng.
– Phương Hà: Với ý kiến “sống thật ở trên mạng, đưa nguyên con người mình lên mạng”, câu trả lời của tôi là “Không”. Trên mạng chỉ là nơi tôi thể hiện quan điểm, chia sẻ suy nghĩ của mình thôi, còn cuộc sống cá nhân, con người tôi phải là của tôi.
Đa phần các KOL khác mà tôi biết cũng như vậy, xuất hiện trên mạng và gặp gỡ trong đời thật, bạn sẽ thấy đó là những người hoàn toàn khác nhau.
– Thùy Minh: Tất cả chúng ta đều đang ở thời điểm bắt đầu của nền văn minh số, đều đang học hỏi để dần thích nghi rồi sau đó mọi thứ mới có thể tốt hơn lên. Tôi cho rằng công việc sáng tạo nội dung trên mạng có những thú vị riêng: chúng ta biết một phần khán giả quen thuộc là những người ủng hộ mình, và nửa còn lại – có khi lớn hơn – là những người hoàn toàn xa lạ.
Nỗ lực để chinh phục những người lạ, đó là một thách thức thú vị và hấp dẫn của công việc.
– GS Trương Nguyện Thành: Cần phải có thời gian cho hành trình trưởng thành của một nền văn minh.
Dù thời đại số, thời gian ấy sẽ nhanh hơn, ngắn hơn rất nhiều nhưng vẫn không thể ra ngoài quy luật: văn minh xã hội – kể cả xã hội mạng – đều đi ra từ con người với nền tảng giáo dục, thói quen và thái độ sống hình thành từ gia đình, xã hội, môi trường sống.
Vì vậy, văn minh vẫn cứ phải được xây dựng những bước đầu tiên một cách cổ điển từ văn hóa gia đình, trường học.
Công nghệ có phát triển đến tột đỉnh thì cũng chỉ là công cụ, phục vụ tích cực hay tiêu cực cho con người chính do tâm thế người dùng.
Mạng xã hội đúng là một trường đời phức tạp với một cộng đồng vô hạn, không ranh giới, mang đến nhiều cơ hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Dùng đúng, chúng ta sẽ có một thế giới số văn minh, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội và nhân loại. Dùng sai, chúng ta sẽ kéo nền văn minh đi giật lùi và không thể phát triển.
– Uy Lê: Tôi cho rằng mỗi cá nhân trên mạng xã hội, và kể cả mạng xã hội nữa, đều sẽ được rèn luyện kỹ năng học hỏi và tự điều chỉnh. Từ khi trở thành một nhân vật trên mạng xã hội, tôi đã phải học cách ứng xử với những yêu – ghét từ rất nhiều người vô hình.
Cách tiếp cận của khán giả lúc nào cũng xa hơn mình, lắng nghe họ và tôi luôn tự hỏi: “Mình đang có vấn đề gì, như thế nào? Giải quyết ra sao?…”.
Chúng tôi đọc tất cả bình luận trên mạng xã hội, thu thập ý kiến của khán giả đã gửi đến sân khấu để làm dữ liệu định hướng nội dung và thẩm mỹ cho diễn viên, mỗi ba tháng lại tập huấn cập nhật. Chúng tôi thường xuyên học hỏi, bồi dưỡng bản thân qua việc đọc sách, xem phim, học ngoại ngữ chứ không chỉ chạy theo xu hướng xã hội.
– Thùy Minh: Với rất nhiều hấp dẫn và rất nhiều nguy cơ, một vấn đề nữa đặt ra là giới trẻ có nên sớm cuốn vào thế giới mạng không?
Với tư cách một người mẹ đang học hỏi trong giai đoạn sớm của nền văn minh số, tôi nhận thấy xã hội chúng ta chưa có đủ “lưới chắn” để bảo vệ sự an toàn của người dùng mạng, nên tôi quyết định không cho con mình tiếp xúc quá sớm với thế giới cực kỳ quyến rũ này.
Tôi quản lý chặt nhưng đối thoại cởi mở để từng bước chuẩn bị cho con mình trước khi trao cho con quyền tự quyết định.
Tiểu thương chợ Bến Thành cùng các KOL thực hiện livestream bán hàng tại chợ – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
– Phương Hà: Từ thời điểm tôi làm TikTok (2018), các bạn trẻ bắt đầu xem rất nhiều. Tôi cho rằng cấm cản không phải là giải pháp hiệu quả, mà phụ huynh có trách nhiệm trang bị cho con em mình kiến thức để phân biệt trong mớ hỗn độn đâu là tốt – xấu, thật – giả.
Bản thân nền tảng cũng có sự lựa chọn, kiểm duyệt khá chặt chẽ qua hai vòng (một tự động bởi AI, hai là do người duyệt) để bảo vệ người dùng.
Tôi là người sáng tạo nội dung, nói dễ thì dễ mà khó cũng rất khó vì nội dung phải vừa có giá trị thông tin, thông điệp lại vừa phải giải trí, vừa cho người lớn lại cũng phải phù hợp với trẻ em.
Ngoài bồi dưỡng, cập nhật kiến thức văn hóa, tôi còn phải quan sát, học hỏi rất nhiều trong đời sống để có thể xây dựng kịch bản có thông điệp tốt và hóa thân vào nhân vật có tình cảm. Có lẽ tôi may mắn nên đến bây giờ vẫn được đa số người xem ủng hộ.
– Nhựt Quan: Với người trẻ như tôi thì thế giới số rất mênh mông, nhiều lớp, nhiều nền tảng với những tính năng, tính chất đa dạng, khác nhau, tha hồ cho người dùng lựa chọn và sáng tạo theo mong muốn và mục đích của mình.
Với thế giới mạng, đây là giai đoạn bắt đầu, và văn minh sẽ đến khi tất cả người dùng đều trưởng thành hơn qua sự thấu hiểu lẫn nhau.
– Thùy Minh: Công nghệ cung cấp cho chúng ta nhiều số liệu và thang đo lường để phản ánh chuẩn ứng xử trên mạng xã hội, tuy nhiên các số đo đang phát triển theo một cách rất khó đo lường cũng như đánh giá.
Ví dụ như thời gian dùng mạng xã hội tỉ lệ nghịch chứ không thuận với chất lượng văn hóa trên mạng xã hội; số lượt xem một nội dung trên mạng xã hội cũng có khi tỉ lệ nghịch với chất lượng – giá trị thật của nội dung đó.
Vì vậy, với tư cách người sáng tạo nội dung, tôi luôn nỗ lực trong việc tạo ra sản phẩm truyền thông với chất lượng thật, những lớp giá trị rộng và sâu, hướng đến phát triển những người theo dõi chính danh với nội dung được trả phí.
Thử tưởng tượng: 1 triệu người theo dõi miễn phí vẫn là vô hình, nhưng 10.000 người trả phí có nghĩa là chúng ta đang nói chuyện giữa một sân vận động đầy ắp người nghe.
Tôi tin rằng theo thời gian, luật chơi trên mạng xã hội sẽ rõ ràng, cụ thể để bảo vệ cho văn minh thời đại số.
– Phương Hà: Trước khi đặt chân lên một nền tảng số, cần tìm hiểu kỹ nền tảng đó đang cần gì, thiếu gì, đối tượng mà mình nhắm tới là ai và nội dung gì cần cho họ…
Và dù là nội dung gì, khi nhắm đến những khán giả mạng, đa số là trẻ, thì truyền tải qua phương thức giải trí vẫn là cách xây dựng kênh nhanh nhất.
Các clip của tôi đến với khán giả trước hết là tính giải trí nhẹ nhàng, nhân vật xây dựng gần gũi, sau đó là đến những thông tin thông điệp được cài cắm ẩn vào trong nụ cười mang đến cho người xem. Tôi nghĩ tôi được ủng hộ là vì vậy.
– Nhựt Quan: Trước khi đặt chân vào thế giới của mạng xã hội, tôi đã tìm hiểu kỹ về phương cách quản lý mạng và khán giả, nhờ vậy mà kênh của tôi phát triển khá nhanh.
Sau nhiều thử nghiệm thì tôi đang đi theo định hướng là review ẩm thực và luôn luôn đổi mới, tìm cách hút khán giả với nhiều phương cách khác nhau nhưng giá trị đưa đến luôn luôn là tích cực.
Ví như sau khi tìm những nhà hàng, quán ăn lề đường, trong hẻm, thức ăn đường phố thì tôi chuyển hướng sang thử thách “Cầm 100.000 đồng đi chợ ăn gì?” và đi khắp các chợ nổi tiếng ở khắp các tỉnh thành.
Hoặc trước đây tôi nói chuyện với khán giả bằng giọng của mình, câu chuyện và cảm nhận của mình thì sau này tôi phục vụ thị hiếu khán giả bằng cách thu âm trực tiếp câu chuyện những nhân vật mình tiếp xúc… Nhờ đổi mới liên tục mà kênh thú vị hơn, hấp dẫn hơn và sẽ còn tiếp tục đổi mới.
– Uy Lê: Một điều khiến tôi trăn trở là hiện giờ bất kỳ ai sở hữu một chiếc điện thoại thông minh và biết vài kỹ năng công nghệ là đã có thể trở thành một nhà sáng tạo nội dung số, có khi là để vui chơi và nhiều lúc trở thành chuyên nghiệp.
Có tốt, có xấu và nhiều lúc có những cơn bão mạng không lường được hậu quả từ đó. Với sự phát triển của thế giới số, tôi mong đến lúc nào đó sẽ có những yêu cầu về nền tảng đào tạo, đạo đức nghề nghiệp với các nhà sáng tạo để hạn chế những hệ lụy xấu ảnh hưởng đến cộng đồng và những người theo đuổi công việc này lâu bền, hiệu quả được nhìn nhận công bằng hơn.
– GS Trương Nguyện Thành: Những hệ lụy, hậu quả xấu của thế giới số, mạng xã hội là có nhưng không thể đổ tội cho công nghệ vì đó chỉ là công cụ; cũng không thể ngăn chặn, cấm cản mà mỗi người dùng phải tự đào tạo chính mình.
Và mạng xã hội cũng có chức năng chọn lọc tự nhiên của nó: cái gì phục vụ cho sự phát triển xã hội thì sẽ tồn tại, cái gì không phục vụ hay làm hại xã hội sẽ bị đào thải.
Các bài học sẽ được rút ra qua những trải nghiệm, qua “những dấu chân mạng” vô hình mà rất thật đã để lại trong đời. Người đi sau sẽ học được, sẽ tự điều chỉnh những lệch lạc để đi một cách thẳng thớm hơn.
Mỗi người sáng tạo nội dung số khi ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, sự ảnh hưởng của mình thì chính họ sẽ là hiện thân những kim chỉ nam trên mạng xã hội.
– Thùy Minh: Làm một nhà sáng tạo nội dung số tức là đóng một lúc cả hai vai: sản xuất và lan truyền. Tôi và những đồng nghiệp luôn luôn trăn trở về những đòi hỏi của hai vai trò này.
Nội dung phải hay, phải tốt, phải sâu sắc thì kênh mới tồn tại được; đồng thời cũng phải mới, phải dễ tiếp cận thì kênh mới phát triển được. Không có gì “vô tri” mà lại có nhiều người xem và theo dõi bền bỉ cả.
Nền văn minh số chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn các nền văn minh khác, và các nhà sáng tạo nội dung số cũng ngày một trẻ hơn, sớm trưởng thành hơn.
– Uy Lê: Nền tảng công nghệ hỗ trợ chúng ta nhiều công cụ để tự bảo vệ nhưng nhiều phần là ta không biết, đôi lúc là ta không dùng.
Làm việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng công nghệ giống như người cầm dao. Bạn phải có kiến thức vững vàng, phải học rất nhiều kỹ năng để có được sản phẩm đẹp, tinh xảo, có giá trị nghệ thuật mà không cắt vào tay mình.
Hiện tượng “bắt nạt mạng” cũng chưa đáng sợ bằng những “tin giả” được tung ra, được thêm thắt bởi vô vàn người vô hình trên mạng.
Kỹ năng sống trên thế giới mạng không thể thiếu việc học phân biệt tin tức thật – giả, tốt – xấu, mường tượng và đo lường hiệu quả hay hệ lụy những hành vi của mình, nhất là khi bạn đã có chút ảnh hưởng… Mạng xã hội sẽ rèn luyện cho bạn điều đó.
– Thùy Minh: Như đã nói, thế giới mạng với chúng ta còn đang rất mới, đang ở những bước thử nghiệm. Mình loay hoay vừa làm vừa học và cộng đồng cũng vậy. Tất cả sẽ phải trải qua những trải nghiệm, những vấp ngã mới rút ra được bài học.
Với 20 năm làm báo, truyền hình rồi bây giờ là các nền tảng mạng xã hội, tôi rút ra kinh nghiệm là chỉ đọc các ý kiến bình luận trong 24 giờ.
Đó là những khán giả thật sự của mình và những khán giả mới theo dõi. Bình luận chỉ có giá trị khi chỉ ra đúng điểm yếu của mình, giúp mình cố gắng hơn, khuyến khích mình học hỏi nhiều hơn.
Thay cho việc sa đà quá nhiều thời gian vào việc theo dõi bình luận thì tôi tập trung nghiên cứu để làm tốt hơn trong những đề tài mới.
– Uy Lê: Trách nhiệm xã hội là của tất cả mọi người.
Các nhà phát triển nền tảng hỗ trợ công nghệ cũng như những tiêu chuẩn cộng đồng, mỗi người sản xuất nội dung đều gánh trên vai hai vai trò sáng tạo và lan truyền, và đều phải làm cho tốt, chứ không thể nghiêng về một phía. Bên dưới lớp vỏ giải trí nhiều sắc màu phải là những lớp lang của giá trị mà chúng tôi vẫn luôn tự bồi đắp từng ngày.
Thế giới mạng không có ranh giới, sáng tạo là phá vỡ những ranh giới nhưng rồi những dấu chân đen – trắng vẫn để lại trên thế giới mạng, những ranh giới văn hóa – đạo đức – pháp luật vẫn hình thành ngày một rõ hơn, những bài học, những kinh nghiệm dần dần được rút ra, được tích lũy…
Trách nhiệm xã hội sẽ ngày một rõ ràng hơn, bài toán khó giữa trách nhiệm – giá trị và sự lan tỏa – độ bùng nổ trên mạng sẽ được các nhà sáng tạo nội dung tìm ra đáp số.
– GS Trương Nguyện Thành: Mấy năm hoạt động trên mạng xã hội, tôi cũng không ít lần phải “hứng bão mạng”, và tôi đã luyện cho mình được tâm thế bình thản và học hỏi. Khác với những lý thuyết ở môi trường học thuật, trường đời đẹp ở cái hoàn hảo và cả cái không hoàn hảo.
Tôi chưa bao giờ xóa một mẩu bình luận tiêu cực nào, đọc nó với những câu hỏi trong đầu “Họ đang suy nghĩ gì, muốn gì, dạy mình điều gì…?” và trả lời tất cả. Tôi cho rằng những người có hành vi bắt nạt trên mạng cũng là những nạn nhân không hạnh phúc trong đời thật. Nghĩ như vậy mà tôi có tâm thế nhẹ nhàng hơn khi đón nhận họ trên trang của mình. Tôi coi đó là một bài học chung, và để lại ở đó cách ứng xử của mình.
– Uy Lê: Có lần tôi đã bỏ nhiều công sức, tận dụng nhiều kỹ năng công nghệ cũng như mối quan hệ để tìm ra được thông tin của người đang lập nhiều nick ảo để “ném đá” mình. Tôi đã tìm ra, liên lạc trực tiếp với người đó, nhắc lại những nguyên tắc ứng xử trong đời sống và nhấn mạnh: Bạn ứng xử với tôi thế nào, tôi sẽ ứng xử lại như vậy.
Và tôi cũng làm clip để công khai nói điều đó với cộng đồng. Hiệu quả tức thì, làn sóng tấn công chúng tôi chợt biến mất không tăm tích. Tôi cũng cho rằng những người ẩn danh để bắt nạt trên mạng là những người đang bất an trong đời thường. Tôi sẽ không để họ lan truyền sự bất an sang mình.
Sau một vài ngày cảm thấy tức giận vì bị “ném đá”, tôi chợt nhớ ra họ chỉ là thiểu số rất nhỏ so với những người đã chọn show của tôi để mua vé và vỗ tay quanh sân khấu, những người theo dõi và im lặng trên mạng. Họ mới là đa số và họ mới là người quan trọng cần tôi cố gắng hoàn thiện mình để phục vụ.
Cả khi đi xe buýt, sinh viên cũng thanh toán bằng thẻ – Ảnh: TỰ TRUNG
– Phương Hà: Cũng có lần có người vào trang của tôi phản đối, “ném đá”. Tôi đã làm một clip để trả lời những người đó rằng tuy là nhân vật trên mạng xã hội nhưng tôi cũng có quyền phản biện, có quyền nổi giận, và tôi thấy những người đó đáng thương hơn vì họ không biết đùa giỡn, không biết cười.
– Thùy Minh: Tôi nhận thấy rằng hầu hết con người bộc lộ trên mạng thật sự rất khác với bên ngoài. Tôi cũng đã nhiều lần phải hứng chịu những phản ứng quá khích của những người vô danh trên mạng.
Phần lớn là tôi im lặng, nhưng cũng có lúc tôi lựa chọn đối thoại: “Tôi đã hiểu sự giận dữ mà anh thể hiện, nhưng vấn đề là tại sao?”; người đối diện sau những né tránh thì đã đưa ra lý do rất vô thưởng vô phạt như là “ai cho nhuộm tóc?” và từ đó “gạch đá” cũng biến mất.
– Nhựt Quan: Sự thông cảm, chia sẻ, thấu hiểu là rất quan trọng trong ứng xử với cộng đồng mạng. Đây là điều tôi học được khi thực hiện những loạt clip về việc tử tế và review ẩm thực đường phố của mình. Khi vấp phải tranh cãi, tôi sẽ chọn một thời điểm để chia sẻ thẳng thắn quan điểm của mình.
—————————————————————————————-
QUỲNH HƯƠNG thực hiện