Chứng kiến sự kiện này trong khuôn khổ hội thảo công nghệ cấp cao “Trí tuệ nhân tạo an toàn – Định hình đổi mới có trách nhiệm” diễn ra tại Hà Nội chiều 5-12, GS Yoshua Bengio (Đại học Montréal và Viện Mila), người được mệnh danh là một trong những “cha đẻ của AI” đánh giá: “Trong khi chúng ta tiếp tục khám phá tiềm năng chuyển đổi của AI, điều quan trọng là phải ưu tiên các quy chuẩn về an toàn và đạo đức.
Thách thức không chỉ nằm ở việc tiến xa trong AI, mà còn ở việc ứng dụng AI một cách có trách nhiệm, bảo đảm rằng AI phục vụ nhân loại mà không làm tổn hại đến các giá trị cốt lõi. Thông qua xây dựng một cộng đồng cam kết sử dụng AI có đạo đức, chúng ta có thể thúc đẩy tiến bộ và đổi mới vì lợi ích xã hội, giảm thiểu rủi ro từ các hệ thống tự động hóa”.
“Việc thành lập Ủy ban Đạo đức AI là một bước đi quan trọng để dẫn dắt Việt Nam đến một tương lai phát triển AI phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch, trách nhiệm và lợi ích xã hội” – GS Yoshua Bengio khẳng định.
Theo đại diện VINASA, Ủy ban Đạo đức AI ra đời thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ sinh thái AI nơi đổi mới sáng tạo được phát triển trong khuôn khổ đạo đức, đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu và bảo vệ các giá trị xã hội.
“Ủy ban có sứ mệnh định hướng lộ trình phát triển AI của Việt Nam, đảm bảo AI được triển khai theo chuẩn mực đạo đức, đổi mới sáng tạo song hành với lợi ích xã hội, và thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi cho AI.
Ngoài việc xây dựng chính sách và tiêu chuẩn đánh giá rủi ro, ủy ban còn là cầu nối hợp tác quốc tế và cố vấn cho Chính phủ Việt Nam. Các nhiệm vụ chính gồm phát triển tiêu chuẩn an toàn AI, phân tích rủi ro và nâng cao nhận thức về AI có trách nhiệm” – VINASA tuyên bố.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, một trong các thành viên sáng lập của ủy ban, khẳng định: “Ủy ban Đạo đức AI do VINASA khởi xướng là một trong những minh chứng cho tầm nhìn của Việt Nam trong việc đảm nhận vai trò dẫn dắt có trách nhiệm trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Trong bối cảnh AI phát triển nhanh chóng, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức chưa từng có, nhu cầu về quản trị có trách nhiệm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”.
Trong bối cảnh các chính phủ và tổ chức quốc tế trên toàn thế giới ưu tiên xây dựng các quy định chặt chẽ và khung đạo đức cho AI, sáng kiến này của VINASA được đánh giá là thể hiện một phần cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đồng hành cùng cộng đồng quốc tế, để giải quyết những thách thức và khai thác cơ hội phức tạp mà AI mang lại.
Được biết hiện nay các sáng kiến toàn cầu như EU AI Act, nguyên tắc AI của OECD, và khuyến nghị AI có đạo đức của UNESCO đang thiết lập các tiêu chuẩn quan trọng về tính minh bạch, trách nhiệm và công bằng trong quản trị AI.