Chậm trễ của Bộ Y tế dẫn đến khan hiếm thuốc, thiết bị y tế

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan khác xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra – Ảnh: TTCP

Chiều 6-12, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Y tế.

Cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chỉ ra sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế không chỉ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp mà còn dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị. Điều này còn có nguy cơ “tạo ra cơ chế xin cho”, thiếu minh bạch và “gây bức xúc dư luận”.

Tỉ lệ hồ sơ quá hạn gần 70%, báo cáo Chính phủ chỉ 4,97% 

Kết luận nêu việc rà soát, đánh giá, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp thủ tục hành chính tại Bộ Y tế thực hiện chậm, chưa đầy đủ, chưa đúng nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng.

Qua thanh tra 20 thủ tục hành chính và 55 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại 5 đơn vị thuộc Bộ Y tế gồm Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm.

Theo Thanh tra, Bộ Y tế báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính phản ánh không đúng thực trạng, số liệu thiếu chính xác, “hồ sơ quá hạn rất lớn nhưng việc giải quyết rất chậm”.

Bộ báo cáo định kỳ gửi Chính phủ tỉ lệ hồ sơ quá hạn giai đoạn 2021-2023 là 4,97%. Tuy nhiên, thực tế rà soát tỉ lệ hồ sơ quá hạn là 69,8% (tăng hơn 64% so với con số bộ báo cáo), kết luận nêu.

Bộ Y tế chậm giải quyết nhiều thủ tục hành chính dẫn đến khan hiếm thuốc, thiết bị - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiếp thu nội dung kết luận thanh tra và cho biết sẽ tổ chức thực hiện nghiêm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ – Ảnh: TTCP

Kết quả thanh tra chỉ ra có 19 thủ tục hành chính hồ sơ giải quyết quá hạn, 10 thủ tục hành chính quá hạn trên 50%, một số thủ tục hành chính quá hạn từ 89-90%.

Đáng chú ý, một số thủ tục hành chính có hồ sơ quá hạn bình quân trên 400 ngày. Một số hồ sơ thời gian tiếp nhận, chuyển hồ sơ thẩm định và yêu cầu bổ sung hồ sơ kéo dài từ 2-4 năm, trong khi quy định là 3 ngày làm việc, kết luận nêu.

Trong khi đó, cơ quan giải quyết thủ tục của Bộ Y tế “không xin lỗi người dân, doanh nghiệp” theo quy định khi để hồ sơ bị quá hạn.

Cục Quản lý dược buông lỏng quản lý

Tại Cục Quản lý dược, Thanh tra Chính phủ phát hiện tình trạng hồ sơ nộp trước, thẩm định trước nhưng không được giải quyết trước theo nguyên tắc. Khi giao hồ sơ cho chuyên gia thẩm định chưa nêu thứ tự ưu tiên thẩm định của từng hồ sơ cụ thể và thời hạn hoàn thành.

Cục Quản lý dược cũng chưa thực hiện công khai đầy đủ trạng thái tiến trình xử lý hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế.

Việc theo dõi, quản lý quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính bị kết luận còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều trường hợp hồ sơ đã hết thời hạn giải quyết nhưng vẫn theo dõi, báo cáo hồ sơ đang giải quyết.

Theo kết luận, Cục Quản lý dược buông lỏng việc quản lý, theo dõi danh sách chi tiết hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của 3 thủ tục hành chính, gồm: “Cấp, gia hạn, thay đổi bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc” phát sinh trước năm 2020 đã giải quyết trong thời kỳ thanh tra hoặc đến thời điểm thanh tra chưa giải quyết xong.

Gây ra tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị

Tại 5 đơn vị nêu trên, Thanh tra Chính phủ khẳng định đều có tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngoài quy định, yêu cầu bổ sung vượt quá số lần quy định.

Các đơn vị này còn yêu cầu không đầy đủ, rõ ràng, yêu cầu bổ sung khi các quy định đã được bãi bỏ hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ chứng minh các yếu tố cấu thành giá thuốc áp dụng sai quy định pháp luật…

Từ đó, theo thanh tra, dẫn đến doanh nghiệp phải bổ sung, giải trình nhiều lần, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Kết quả thanh tra chọn mẫu 20 thủ tục hành chính cho thấy tỉ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trong lĩnh vực dược, y dược cổ truyền, trang thiết bị y tế rất cao, tồn đọng nhiều năm.

Thanh tra Chính phủ cho rằng sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính trên “là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị”.

Cùng với những hạn chế, yếu kém trong quản lý hồ sơ, không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc trong giải quyết hồ sơ, theo kết luận thanh tra, là “nguy cơ tạo cơ chế xin cho”, gây phiền hà, không đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và trong dư luận xã hội.

Bộ Y tế thực hiện kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý dược có giải pháp và quyết liệt thực hiện chấn chỉnh, khắc phục ngay việc buông lỏng quản lý, theo dõi hồ sơ giải quyết một số thủ tục hành chính.

Bộ Y tế chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm công vụ, khắc phục các khuyết điểm trong hoạt động cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh, bảo đảm các doanh nghiệp quảng cáo trung thực, không gây hiểu nhầm cho người dân, xã hội.

“Thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt đối với các trường hợp quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sai khác so với nội dung đã đăng ký, dễ gây hiểu nhầm về công dụng, nguồn gốc, chất lượng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây lãng phí trong xã hội”, kết luận nêu.

Thanh tra cũng đề nghị Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để ngăn ngừa việc lạm dụng điều kiện, thủ tục đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe để đăng ký đối với sản phẩm thuốc (nếu có).

Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của cán bộ, công chức, người đứng đầu các cục, vụ thuộc bộ có giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều hồ sơ tồn đọng, kịp thời xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý.

“Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế thực hiện kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong quản lý nhà nước và việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị, tập thể, cá nhân thuộc Bộ Y tế có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm”, Thanh tra Chính phủ đề nghị.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *